Ô-tô bị ngập nước do mưa, lũ vừa qua có được bảo hiểm bồi thường không?

.

ĐNO - Đợt mưa rất lớn do ảnh hưởng bão số 5 vừa qua khiến hàng trăm ô-tô bị ngập nước và chết máy nằm la liệt trên các tuyến đường của thành phố. Đó là chưa kể, còn rất nhiều xe bị ngập nước nằm trong các hầm khách sạn, chung cư... Điều này khiến nhiều chủ xe phân vân, những ô-tô bị ngập nước vừa qua có được bảo hiểm bồi thường không?

Ô-tô bị ngập nước trong bão số 5. Ảnh: THU HÀ
Ô-tô bị ngập nước trong bão số 5. Ảnh: THU HÀ

Theo quy định, bảo hiểm ô-tô ngập nước là điều khoản thuộc quyền lợi bổ sung khi khách hàng tham gia bảo hiểm vật chất ô-tô. Tuy nhiên việc bồi thường bảo hiểm ô-tô phụ thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng khi chủ xe ký với bên bán bảo hiểm. Do đó, chủ xe cần nắm rõ những trường hợp bồi thường bảo hiểm ô-tô để được hỗ trợ khắc phục thiệt hại.

Cụ thể, trường hợp đang đỗ trong gara hoặc ngoài đường mà bị ngập nước do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai dẫn đến hỏng hóc thì sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường chi phí sửa chữa, bao gồm cả các vấn đề về hệ thống điện do ngập nước. Còn nếu xe bị gặp vấn đề về điện hoặc động cơ do xe hoạt động trong vùng ngập nước (bao gồm cả ngập do mưa lũ lớn) thì được đưa vào mục điều khoản loại trừ, chủ xe không nhận được bồi thường.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phan Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xe bị hư hỏng khi ngập nước do mưa, bão lũ,… là trường hợp bất khả kháng do thiên tai. Đa số các trường hợp này đều được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào chủ xe cũng sẽ được bồi thường thiệt hại vì thiếu những điều kiện cần thiết.

Theo đó, nếu chủ xe phải tham gia bảo hiểm vật chất mới được đền bù. Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm, cần thỏa thuận rõ về những trường hợp được bồi thường tổn thất, trong đó có bồi thường thiệt hại khi xe bị ngập nước do thiên tai. Ngoài ra, để được hưởng bồi thường thiệt hại, chủ xe phải chứng minh được xe hư hỏng là do ngập nước vì mưa, bão lũ…

Mức bồi thường tổn thất đối với trường hợp xe bị hư hại do thiên tai phải được căn cứ vào thiệt hại thực tế sau khi giám định thiệt hại tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm để bồi thường cho chủ xe theo quy định tại Điều 16 Quy tắc bảo hiểm về bồi thường tổn thất.

Đối với các xe bị ngập trong hầm chung cư, việc bồi thường cũng tiến hành như đã nói ở trên. Nếu chủ tài sản chưa mua bảo hiểm thì chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân có phương tiện thiệt hại ngồi lại với nhau để tìm phương án khắc phục, cũng như giải quyết thiệt hại.

Đầu tiên phải xác định hầm xe là sở hữu chung của cư dân hay của chủ đầu tư quản lý. Sau đó, xem lại phần hợp đồng mua bán căn hộ đã được ký kết giữa chủ đầu tư và cư dân. Trường hợp người ngoài vào chung cư giữ xe phải căn cứ trên hợp đồng giữ xe giữa hai bên. Sau khi xem xét tất cả vấn đề pháp lý đã ký kết trước đó, sẽ có phương án giải quyết thỏa đáng giữa các bên.

Theo quy định công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho khách hàng dựa theo chi phí thực tế. Tuy nhiên, nếu chi phí thực tế vượt quá 75% giá trị xe hoặc không thể sửa được, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường toàn bộ theo giá trị xe và thu hồi lại chiếc xe đó.

Tuy nhiên, không phải cứ xe bị ngập nước sẽ được bồi thường dù mua bảo hiểm vật chất, bởi đây là điều khoản phải mua thêm, cụ thể là hạng mục thủy kích. Nếu mua cả bảo hiểm thủy kích, thông thường, khách hàng sẽ phải chi trả thêm 0,1% giá trị xe, cộng vào số tiền mua bảo hiểm vật chất. Vì vậy, nếu đã mua bảo hiểm thủy kích, khi xe bị ngập nước chắc chắn sẽ được bồi thường.

Xe bị thủy kích có thuộc diện bảo hiểm bồi thường không?

Thủy kích là hiện tượng xe bị hư hỏng do ngập nước. Các trường hợp xe bị thủy kích: Trường hợp 1: Xe đang nổ máy và đi qua vùng ngập nước khiến nước tràn vào động cơ, gây ra hư hại. Trường hợp 2: Xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước và đột ngột bị tắt máy. Tuy nhiên người lái xe vẫn cố tình khởi động xe khiến nước tràn vào làm động cơ bị hư hỏng nặng.

Nếu chủ xe đã mua bảo hiểm ô-tô, trong đó có tham gia thêm quyền lợi bổ sung bao gồm điều khoản bồi thường xe bị thủy kích ở phụ lục thì sẽ được phía công ty bảo hiểm xem xét và bồi thường khi bị thủy kích. Mức phí khi đăng ký thêm quyền lợi bảo hiểm này chỉ bằng khoảng 0.1% giá trị xe một năm (đối với xe sử dụng dưới 3 năm).

Trong trường hợp 1, xe bị thủy kích có thể sẽ nhận được bồi thường từ công ty bảo hiểm lên đến 100% chi phí sửa chữa nếu điều khoản này có trong hợp đồng. Tuy nhiên, đa số công ty bảo hiểm chỉ đền bù 70-80% chi phí sửa sữa cho trường hợp này với lý do khách hàng phải có trách nhiệm tự cân nhắc có nên tiếp tục đi vào đường bị ngập hay không. Trường hợp 2, hầu hết các công ty bảo hiểm sẽ từ chối đền bù cho những hư hỏng, thiệt hại vì đây hoàn toàn là lỗi chủ quan của lái xe.

Cách xử lý ô-tô bị ngập nước

Theo các chuyên gia về ô-tô, lái xe tuyệt đối không khởi động lại động cơ, việc cố gắng khởi động lại có thể dẫn nước vào bên trong nhiều hơn khiến động cơ hư hỏng nặng, khó có thể khắc phục. 

Người lái nên chuyển cần số về vị trí N để có thể thuận tiện hơn khi đẩy xe. Sau đó, rút chìa khóa xe, thực hiện mở nắp capo và tháo cọc của bình ắc quy để tránh bị rò rỉ điện gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Nếu có thể, hãy nhờ người hỗ trợ đẩy xe lên vị trí cao để tránh xe bị ngâm quá lâu trong nước khiến công tác sửa chữa về sau sẽ phức tạp hơn. Hoặc cách xử lý tốt nhất chính là liên hệ với cứu hộ để đưa về xưởng sửa chữa. 

Khi di chuyển qua đoạn đường nước ngập, tài xế chú ý không được mở cửa xe để tránh nước tràn vào trong. Đồng thời, tắt hệ thống điều hòa, chuyển xe về số 1 và di chuyển với tốc độ chậm, giữ ga đều.

Trong trường hợp này, người lái lưu ý không đạp ga thốc đột ngột, tránh việc nước tràn vào khoang máy qua lưới tản nhiệt vào ống hút gió. Ngoài ra, tăng ga đột ngột khiến vòng tua máy tăng cao cuốn nước vào động cơ, dễ gây ra hiện tượng thủy kích, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hệ thống điện, piston trong động cơ. 

Sau khi đi qua chỗ ngập, người lái nên rà phanh để loại bỏ nước trên đĩa phanh, giúp phanh hoạt động đạt hiệu suất cao. Tiếp đó là xuống xe để kiểm tra lại động cơ và gầm xe xem có hư hỏng hay vật gì bám vào xe không rồi mới chạy tiếp. Các chủ xe cũng nên đưa xe tới trung tâm bảo dưỡng để xử lý ô-tô bị ngập nước tránh để thời gian dài gây hậu quả nghiêm trọng. 

Bồi thường bảo hiểm ô-tô là giải pháp hữu hiệu giúp chủ xe hạn chế thiệt hại nếu không may xảy ra tai nạn hay sự cố ngoài ý muốn. Mức bồi thường bảo hiểm ô-tô sẽ phụ thuộc vào gói bảo hiểm và các điều khoản nằm trong đó. Vì vậy, chủ xe nên đọc kỹ các điều khoản để xem xét tham gia và nắm rõ quyền lợi được nhận khi tham gia hợp đồng bảo hiểm.

GIA MINH

;
;
.
.
.
.
.