Thông tin mới về tiến độ xử lý vụ Việt Á, Vạn Thịnh Phát và AIC

.

Phó Trưởng ban Nội Chính Trung ương Nguyễn Thái Học đã trả lời báo chí về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, công ty Việt Á cũng như vụ liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch AIC.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 18-11, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại họp báo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về 3 nội dung: kết quả chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 đến nay; kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, công tác giám định và định giá tài sản trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; tình hình, kết quả thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Nguyễn Thái Học, tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất từ sau Phiên họp thứ 21 (tháng 1/2022) của Ban Chỉ đạo đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định trách nhiệm nêu gương.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức 8 đoàn kiểm tra chuyên đề công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Theo ông Nguyễn Thái Học, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là chủ trương đúng đắn, hiệu quả, khắc phục từng bước tình trạng "trên nóng dưới lạnh" bởi Trung ương làm thì tỉnh cũng làm, Trung ương quyết liệt thì tỉnh cũng quyết liệt.

Công tác thanh tra, kiểm toán được tăng cường, nhất là ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, các vụ án lớn, dư luận quan tâm tiếp tục được điều tra, trong đó đã huy động đông đảo cơ quan chức năng, tập trung chỉ đạo thống nhất và phát huy về năng lực, trí tuệ, để khẩn trương phát hiện, xử lý. Sự phối kết hợp chặt chẽ từ kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử ngày càng chặt chẽ, nhuần nhuyễn.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Học, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, có nhiều ý kiến nhận định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ mà còn có những bước đột phá mới trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án lớn, phức tạp chưa từng có. Các vụ án lớn vừa qua cho thấy đúng đối tượng, đúng bản chất, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; các đối tượng đều thành khẩn thừa nhận, khai báo.

"Trước đây, việc chứng minh hành vi hối lộ, nhận hối lộ là vô cùng khó khăn, nhưng nhiều vụ án vừa qua cho thấy các bị can đã thành khẩn khai báo và nộp lại số tiền đã nhận. Qua đó, việc đấu tranh từng bước đi vào bản chất của vấn đề, đi vào đúng đối tượng, không oan sai. Đây là bước tiến, thông qua các vụ án cho những kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng," Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo Phó Trưởng ban Nội Chính Trung ương, vụ án này đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

“Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng sai phạm liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp diễn ra trong thời gian khá dài," ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh. Thường trực Ban Chỉ đạo giao các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý.

Trả lời báo chí liên quan đến vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, đang bỏ trốn), Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giao các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu những quy định luật pháp để truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

“Nếu bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài mà quy định của luật pháp có thể xử vắng mặt thì vẫn có thể xử vắng mặt," ông Nguyễn Thái Học dẫn khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể, khoản 2 điều 290 quy định, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp “bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả."

Từ đó, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh đối tượng vi phạm pháp luật đã tiến hành khởi tố, điều tra mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài, việc truy nã không có kết quả, nếu có đầy đủ cơ sở, chứng cứ thì vận dụng quy định của luật pháp để xử lý.

Về vụ án tại công ty Việt Á, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng diện rất rộng, đối tượng nhiều và liên quan đến cán bộ, đảng viên; quá trình xem xét xử lý đòi hỏi khẩn trương nhưng thận trọng, đánh giá bối cảnh, tình hình dẫn đến vi phạm và có phân hóa.

Theo ông Nguyễn Thái Học, vừa qua Bộ Chính trị có kết luận để có chủ trương phân hóa trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên. Kết luận của Bộ Chính trị là cơ sở, đường lối, chủ trương để có phân tích đối tượng xử lý nghiêm, đối tượng được giảm nhẹ... Còn trong quá trình xử lý hình sự, các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá một cách toàn diện vụ án để xem xét tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết khoan hồng...

"Hiện nay ở Trung ương và các địa phương đang nghiên cứu và đẩy nhanh tiến độ để xử lý. Chủ trương của Ban Chỉ đạo là sớm kết thúc quá trình xử lý," Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.