Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, các tiếp viên xách ma túy sẽ không được làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp hàng không nào.
4 tiếp viên Vietnam Airlines được phát hiện xách lậu 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước xúc miệng, bên trong có chứa ma túy và thuốc lắc |
Liên quan đến vụ 4 tiếp viên Vietnam Airlines vừa được trả tự do, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Quan điểm chỉ đạo của Cục Hàng không là trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua đường hàng không là "kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và không có vùng cấm".
"Mặc dù không mong muốn nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, nghiêm túc đánh giá, kiên quyết đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn. Để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, trước hết phải xem lại cách thức, quy chế quản lý, kiểm soát nội bộ, vì vậy phải rà soát lại công tác tuyên truyền, đào tạo, công tác quản lý, các quy trình chuyên môn để trước hết là tự làm trong sạch đội ngũ của mình", lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nói.
Xử lý kỷ luật đặc thù với nhân viên hàng không
Riêng về 4 tiếp viên hàng không trong vụ việc vừa qua, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin, mặc dù các tiếp viên đã được lực lượng chức năng trả tự do do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, nhưng các tiếp viên này vẫn sẽ bị xử lý theo Thông tư 46/2013 của Bộ GTVT về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Theo quy định, "không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với hành vi lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa".
Bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, giảm thiểu hành vi vi phạm
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không khẩn trương rà soát lại các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cụ thể của các hãng hàng không, nhất là việc bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp/đạo đức nghề nghiệp và việc kiểm soát tổ bay để kịp thời phát hiện các lỗ hổng, phải khắc phục càng sớm càng tốt, giảm thiểu các hành vi vi phạm.
Trước mắt, các hãng hàng không cần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất hành lý của tổ bay trước khi bay và sau khi kết thúc chuyến bay, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.
Khi có vụ việc xảy ra, hãng hàng không phải chủ động bình giảng vụ việc, đánh giá, rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi tới tất cả cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống làm bài học để cảnh tỉnh, nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời qua đó rà soát, bổ sung các quy định, kế hoạch để bịt kín lỗ hổng nếu có.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu vi phạm của nhân viên hàng không, cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các chủ thể liên quan, trong đó vai trò chủ động của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Một tổ chức mạnh phải không ngừng tự chỉnh đốn, thường xuyên "làm mới" để khắc phục hạn chế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp xứng tầm.
Theo Chinhphu.vn