Đứt tình anh em

.

Mụ mị trong men say và “ngứa mắt” khi thấy anh trai thường xuyên rủ cha già nhậu, H.K.T (SN 1986, trú quận Sơn Trà) đã có những hành động thiếu kiểm soát. Cái kết của việc thiếu kiềm chế cảm xúc và hành động khiến T. vướng vòng lao lý, gia đình xáo trộn, cha già đau thương, tình anh em “đứt gãy” khó có thể hàn gắn trở lại...

Ham chơi, ngỗ nghịch và thường xuyên vi phạm pháp luật nên từ nhỏ, H.K.T đã bị đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa phương. Dù được ban, ngành, đoàn thể và người thân theo dõi, động viên, chỉ bảo, T. vẫn chứng nào tật nấy, không tiến bộ nên tháng 5-2003, T. được chính quyền địa phương ra quyết định đưa vào Trường giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an). Sau lần trở về từ trường giáo dưỡng, T. càng sống buông thả và ngông cuồng hơn. Những lời cha mẹ, anh chị, người thân khuyên đối với T. chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”. T. trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Ngày 9-11-2005, T. bị Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tại Đà Nẵng tuyên phạt 8 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Một lần vào trường giáo dưỡng và một lần vào trại giam, tưởng rằng T. sẽ hiểu được giá trị của tự do, cố gắng trở thành người tốt. Nhưng không, với bản tính thích bạo lực, T. tiếp tục gây án. Ngày 27-3-2013, T. bị TAND quận Hải Châu tuyên phạt 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ra tù, khi đã đủ “độ chín”, T. hứa với cha mẹ, anh chị sẽ cố gắng thay đổi, trở thành công dân có ích… Tuy nhiên, bản tính nóng nảy của T. luôn thường trực trong những câu chuyện gia đình. Để không mất hòa khí, anh chị thường nhường nhịn T.

Trưa 24-8-2022, T. cùng cha và anh ruột là H.K.Q (SN 1976) đến nhà họ hàng dự đám giỗ. Xong việc, anh Q. và cha về trước, T. ở lại nhậu. Đến khoảng 20 giờ 30, trở về thấy cha và anh Q. đang ngồi uống bia trước sân, T. lên tiếng: “Dọn chỗ bàn nhậu để tôi ngủ”. Thấy T. say và đang “nóng trong người”, anh Q. dọn đi chỗ khác. T. theo anh Q. vào trong và nói: “Ba lớn tuổi rồi mà ông cứ rủ nhậu hoài”. Sau đó, T. cầm ly thủy tinh đánh vào đầu anh Q. Bực tức trước hành động ngỗ ngược của T., anh Q. cầm ly thủy tinh đánh trả. Khi được mọi người can ngăn, anh Q. bỏ xuống bếp. T. đi theo và lấy cây kéo đâm vào má và cổ trái anh Q., gây thương tích với tỷ lệ 9%.

Tại phiên tòa, T. cho rằng, tại thời điểm xảy ra vụ việc, bản thân đã uống nhiều bia rượu. “Đã say, thấy anh trai rủ cha nhậu nên bị cáo bực tức mới cư xử không đúng chuẩn mực. Thật tình bị cáo không có chủ đích gây thương tích cho anh trai”, T. trần tình. Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng, dù lý do gì đi chăng nữa, hành động của T. là không thể chấp nhận được. Chỉ vì nóng nảy, khó chịu, bị cáo đẩy bản thân vào vòng lao lý và để lại nỗi đau cho anh ruột, cha già và người thân.

Chủ tọa phiên tòa xác định nhân thân, rồi khẽ lắc đầu: “Là anh em ruột nhưng chỉ vì bất đồng trong sự việc nhỏ đã trở thành bị cáo và bị hại. Vậy liệu có đáng không?”. Nghe thế, ông H.K.Th (1938, cha ruột bị cáo và bị hại) đang ngồi phía sau, đưa tay quẹt lên gương mặt lem nhem khắc khổ. Trong vụ án này, T. phạm tội với hai tình tiết tăng nặng định khung đó là có tính chất côn đồ và tái phạm nguy hiểm. T. cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố truy tố bị cáo về tội giết người là nặng. Tuy nhiên, khi nghe HĐXX giải thích lý do vì sao bị truy tố về tội danh này, T. hiểu và xin giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về chuộc lỗi với cha già và người thân. Tòa nghị án, ông Th. bước ra ngoài. Bấy giờ, những cảm xúc dồn nén mới vỡ òa nơi ông.

Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt bị cáo H.K.T 13 năm tù về tội “Giết người”. Phiên tòa kết thúc và pháp luật được thực thi, nhưng chắc chắn rằng có những mất mát chẳng bao giờ tìm lại được.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.