Cảnh giác trước những 'công cụ mềm' xâm phạm chủ quyền

.

Hiện nay, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước càng trở nên khó khăn, phức tạp. Bởi sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc trên thế giới vô cùng quyết liệt; sự phát triển của khoa học công nghệ tạo không gian tiếp cận của công chúng ngày càng mở rộng trên không gian mạng ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó, có văn hóa nghệ thuật.

Chỉ nói riêng về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của nước ta cũng đầy gian nan, khốc liệt và lâu dài. Nó len lỏi một cách tinh vi vào từng tấm hộ chiếu, từng trang sách báo, từng mẫu quảng cáo, từng bộ phim… nhắm đến mục tiêu là “biến cái không có thực, thành cái có thực” để làm biến dạng sự nhận thức của nhân dân và trên thế giới.

Trong những ngày qua, dư luận nước ta bức xúc và cơ quan chức năng đã xử lý phim “Hướng gió mà đi” có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được phổ biến trên không gian mạng qua địa chỉ https://www.netflix.com và ứng dụng Netflix cũng như tại địa chỉ https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play. Gần đây xuất hiện quảng cáo về nhóm nhạc nữ nổi tiếng của Hàn Quốc - BlackPink sẽ có 2 đêm diễn ở sân vận động Mỹ Đình, thành phố Hà Nội vào cuối tháng 7. Một số khán giả nhanh chóng phát hiện ngay trên trang chủ website của Công ty iMe Entertainment, đơn vị chuyên tổ chức nghệ thuật biểu diễn và sự kiện quốc tế, có trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và văn phòng đại diện ở Việt Nam, đăng bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”.

Trước đó, bộ phim “Barbie” đã bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp lặp lại nhiều lần. Năm 2022, Cục Điện ảnh cũng đã ra lệnh cấm các bộ phim “Thợ săn cổ vật” (Uncharted), năm 2021 là phim “Em là thành trì doanh lũy của anh”  và năm 2018 là “Điệp vụ biển đỏ”... vì lý do tuyên truyền sai lệch về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Hay một số nền tảng của internet cố tình không đưa hình ảnh thực tế về lá cờ đỏ sao vàng trên đảo Trường Sa lớn, hay không gắn quần đảo Hoàng Sa vào bản đồ chủ quyền của Việt Nam. Những vụ việc đó càng cho chúng ta thấy rõ ràng rằng cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là hết sức cam go, quyết liệt và ở trên nhiều phương diện khác nhau. Nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, họ đã biến nó trở thành một công cụ “tuyên truyền mềm” một cách sai trái, bất hợp pháp. Việc cài cắm nội dung “đường lưỡi bò” trong các tác phẩm nghệ thuật là một thủ đoạn vô cùng tinh vi, khiến cho các cơ quan chức năng khó phát hiện, khó xử lý hơn.

Về phía khán giả, việc “hình lưỡi bò” xuất hiện trong các bộ phim, các mẫu quảng cáo... sẽ dần dần đi vào tâm trí “mưa dầm thấm lâu”, tiêm nhiễm vào bộ óc của người xem lúc nào không hay biết. Nguy hiểm hơn, khi nội dung sai sự thật này được lồng ghép vào các bộ phim, các mẫu quảng cáo được công chiếu rộng rãi sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức của cộng đồng, nhất là giới trẻ và người nước ngoài. Nếu không tỉnh táo người xem rất có thể sẽ dễ bị dẫn dắt theo những nội dung, thông điệp sai trái, rồi mặc nhiên thừa nhận điều đó là đúng đắn. Đây rõ ràng là hành vi xâm phạm an ninh văn hóa nghiêm trọng, đòi hỏi chúng ta không ngừng nêu cao cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm và lên án mạnh mẽ.

Vấn đề cấp bách và lâu dài hiện nay là luôn quan tâm đến vấn đề an ninh văn hóa, xem đây là trận địa hết sức quan trọng, không được phép chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nhất là trong bối cảnh internet phát triển, các nền tảng mạng xã hội ngày càng nở rộ. Do vậy, chúng ta phải thận trọng trong việc kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn những ấn phẩm vi phạm pháp luật và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Đồng thời, có nhiều giải pháp để làm cho bạn bè quốc tế thấy rõ rằng bản đồ “đường lưỡi bò” là sai trái, bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Mặt khác, tiếp tục huy động sự tham gia nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của người dân Việt Nam trong việc thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời các sản phẩm văn hóa có nội dung xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Nghị quyết số 03-NQ/TW khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã khẳng định: “Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thụ những tinh hoa văn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.