Phiên tòa giả định – bài học thực tiễn về pháp luật giao thông

.

ĐNO – Vào một ngày cuối tháng 3, tại Trường THPT Nguyễn Trãi đã diễn ra Phiên tòa giả định với chủ đề “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Hoạt động này do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Quận Đoàn Liên Chiểu, Tòa án nhân dân quận (TAND), Viện kiểm sát nhân dân quận (VKSND) cùng nhà trường tổ chức.

Quang cảnh phiên tòa giả định.
Quang cảnh phiên tòa giả định.

Phiên tòa có sự tham dự của đại diện Thành Đoàn, TAND thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu, Công an phường Hòa Khánh Bắc cùng cán bộ, giáo viên, phụ huynh và hơn 1.200 học sinh. Đây là một mô hình tuyên truyền pháp luật sinh động, giúp học sinh nhận thức rõ hơn về hậu quả của các hành vi vi phạm giao thông.

Tại phiên tòa, một vụ án thực tế đã được tái hiện, xoay quanh bị cáo Nguyễn Minh Anh – người điều khiển xe mô-tô khi chưa có giấy phép lái xe, chạy quá tốc độ và tông vào một người đi đường, khiến nạn nhân bị tổn hại sức khỏe 65%. Đáng chú ý, chiếc xe do chính cha bị cáo giao cho, dù biết con chưa đủ điều kiện lái xe. Hành vi này khiến cả hai cha con phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Điều 264 Bộ luật Hình sự, nếu cha mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện và gây tai nạn nghiêm trọng, phụ huynh có thể bị xử lý hình sự. Điều này không chỉ thể hiện mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà còn nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý của cha mẹ trong việc quản lý con em.

Có sự tham gia của cán bộ Tòa án và Viện Kiểm sát, phiên tòa không chỉ giúp học sinh hiểu rõ quy trình xét xử mà còn nhận thức sâu sắc về hậu quả nghiêm trọng của vi phạm giao thông. Những sai lầm tưởng chừng nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội. Đây không chỉ là bài học pháp luật mà còn là lời cảnh tỉnh, nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông cho cả học sinh lẫn phụ huynh, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn hơn.

Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Đức Phước nhấn mạnh: "Tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, vì vậy, việc nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh là vô cùng cần thiết. Mong rằng sau phiên tòa này, các em học sinh sẽ luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu, đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong gia đình và cộng đồng".

Chia sẻ sau khi tham gia phiên tòa, em Đoàn Nguyễn Minh Thư (lớp 11/7) cho biết: "Xem phiên tòa, em nhận ra rằng chỉ một quyết định bất cẩn cũng có thể gây ra hậu quả rất lớn. Em nghĩ sau này mình sẽ cẩn trọng hơn và tuyệt đối tuân thủ luật giao thông".

Chị Trần Thị Ngọc Minh, phụ huynh học sinh lớp 10 chia sẻ: "Tôi nghĩ sau khi xem phiên tòa, không chỉ các em mà cả phụ huynh cũng phải suy ngẫm về trách nhiệm của cha mẹ trong việc nhắc nhở con cái chấp hành luật giao thông. Đôi khi, chỉ một sự dễ dãi cũng có thể dẫn đến hậu quả không lường trước”.

Cô Nguyễn Thị Hạnh Quyên, giáo viên nhà trường đánh giá: "Kiến thức pháp luật có thể học qua sách vở, nhưng khi chứng kiến một phiên tòa thực tế, học sinh sẽ cảm nhận rõ ràng hơn, từ đó ý thức tuân thủ luật giao thông sẽ được nâng cao".

Không chỉ giáo viên, các cơ quan thực thi pháp luật cũng đánh giá cao ý nghĩa của phiên tòa giả định trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh. Viện trưởng VKSND quận Liên Chiểu Lê Đường nhận định: "Đưa phiên tòa giả định vào trường học là một cách làm thiết thực để nâng cao nhận thức pháp luật trong thanh thiếu niên, giúp giảm thiểu tình trạng vi phạm do thiếu hiểu biết".

Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục pháp luật từ sớm, nhiều trường học đã tích cực triển khai mô hình này nhằm giúp học sinh không chỉ hiểu luật mà còn tự giác tuân thủ trong thực tế. Phiên tòa không đơn thuần là một buổi tuyên truyền mà còn giúp các em hình thành thói quen chấp hành luật giao thông một cách có ý thức. Khi trực tiếp chứng kiến hậu quả xảy ra ngay trước mắt, học sinh sẽ có trách nhiệm hơn với hành vi của mình, thay vì chỉ tiếp nhận những lời nhắc nhở chung chung.

Nhận thấy hiệu quả tích cực, nhiều đơn vị đã nhân rộng mô hình này tại các trường học trên địa bàn thành phố. Trước đó, ngày 3-3, Quận Đoàn Cẩm Lệ tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” cho hơn 1.000 học sinh. Ngày 20-3, Chi đoàn VKSND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Trường Phổ thông Hermann Gmeiner tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật.

Việc mở rộng mô hình không chỉ giúp học sinh tiếp cận pháp luật một cách trực quan mà còn lan tỏa thông điệp về ý thức chấp hành luật giao thông trong cộng đồng. Mỗi phiên tòa là một lời cảnh tỉnh, giúp người trẻ hiểu rằng chỉ một hành động bất cẩn cũng có thể gây ra hậu quả không thể vãn hồi. Phiên tòa giả định không chỉ là một buổi tuyên truyền mà còn là hồi chuông nhắc nhở: Tuân thủ luật giao thông không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần giữ gìn an toàn cho cả cộng đồng.

MINH TRUNG

 

;
;
.
.
.
.