Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, liên tục làm mới sản phẩm du lịch Đà Nẵng, chú trọng phát triển các sự kiện lễ hội lớn mang tầm quốc gia và quốc tế… chính là cách giúp ngành du lịch thành phố từng bước tạo dấu ấn với du khách trong cũng như ngoài nước. Với mục tiêu đón 6,3 triệu lượt khách trong năm 2017, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế, Đà Nẵng đang nỗ lực để khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Các thành viên đội Đà Nẵng Việt Nam trong Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: THU HÀ |
Đột phá về hạ tầng
Đến năm 1997, Đà Nẵng có 58 khách sạn, trong đó chỉ có một số khách sạn 3 sao, khách du lịch có hơn 200.000 lượt, doanh thu từ du lịch chỉ đạt 325 tỷ đồng. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chung tay góp sức của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố; đồng thời thành phố luôn tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, trong những năm gần đây, ngành du lịch Đà Nẵng có bước tăng trưởng mạnh.
Tính đến hết năm 2016, Đà Nẵng đón 5,51 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 16.000 tỷ đồng; trên địa bàn thành phố có gần 600 cơ sở lưu trú với hơn 22.151 phòng. Bên cạnh đó, đã xây dựng được điểm đến hấp dẫn, số lượng doanh nghiệp hoạt động du lịch ngày càng tăng, nhiều thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Đà Nẵng như: InterContinental, Novotel, Hyatt, Vinpearl, Pullman, Marriott, Hilton…
Các sản phẩm du lịch từng bước đa dạng và nâng cao về chất lượng; nhiều khu, điểm tham quan du lịch được bổ sung phục vụ du khách như: Khu làng Pháp, Fantasy Park của Khu du lịch Bà Nà Hills; các hoạt động mới của Công viên Châu Á; suối khoáng nóng Núi Thần Tài; khu giải trí Helio Center...
Thành phố cũng tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện mang tầm quốc tế như: Lễ hội pháo hoa quốc tế, Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E, Cuộc thi Marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, IronMan 70.3 Việt Nam...
Điểm đến du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định qua các danh hiệu: Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á (từ năm 2013 đến 2016), Top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới năm 2015, Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016…
Đặc biệt, những năm gần đây, thành phố đã thực hiện chỉnh trang đô thị, quy hoạch hai bên bờ sông Hàn với nhiều hoạt động văn hóa, sự kiện dành cho du khách; nâng cấp mở rộng sân bay Đà Nẵng phục vụ APEC 2017 với nhà ga mới có 40 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy thủ tục xuất nhập cảnh, 22 quầy thủ tục nhập cảnh, 10 cửa ra máy bay, 2 đảo xử lý hành lý đi và 4 đảo xử lý hành lý đến…
Sân bay mới này sẽ kết nối với các sân bay lớn trong khu vực và quốc tế như Singapore, Incheon (Hàn Quốc), Hong Kong, Narita (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan)…, góp phần thu hút nhiều hãng hàng không mở thêm các đường bay quốc tế, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến với Đà Nẵng, tạo điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng, lễ hội...
Phát huy lợi thế cửa ngõ các di sản
Cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, Đà Nẵng có cả 4 loại hình giao thông cơ bản, lại có vị trí chiến lược là thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, cửa ngõ của các di sản văn hóa, thiên nhiên ở miền Trung. Đây là lợi thế lớn để Đà Nẵng xây dựng các sản phẩm và phát triển du lịch.
Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, bức tranh của du lịch Đà Nẵng đang rất sáng, có sự tăng trưởng rất mạnh về nguồn khách, đặc biệt là khách quốc tế. Có được điều này bởi Đà Nẵng là địa phương phát triển nhanh, có chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt.
Đà Nẵng là điểm đến có sức hút lớn trong khu vực nên lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc tăng trưởng mạnh cũng là áp lực, đòi hỏi nhân lực ngành du lịch phải chuyên nghiệp hơn trong phục vụ. Bên cạnh những thị trường khách quen thuộc, cũng cần phải quan tâm đến những nguồn khách tiềm năng với những đường bay thẳng sẽ mở trong thời gian tới.
Mặt khác, lâu nay du khách, đặc biệt là khách quốc tế luôn coi Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là một điểm đến, du khách không biết ranh giới về mặt hành chính giữa 3 địa phương, do đó cần tập trung quảng bá nhiều hơn nữa về sản phẩm du lịch của ba địa phương trong “Con đường di sản miền Trung” để thu hút khách.
Những năm qua, ngành du lịch thành phố có bước phát triển khá nhanh, lượng khách tăng bình quân hằng năm trên 20%, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Trong quá trình phát triển, ngành du lịch luôn bám sát các nghị quyết của Trung ương cũng như của Đảng bộ thành phố, xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, luôn tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm phát triển du lịch; chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Đà Nẵng trên nhiều kênh khác nhau, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng trong công tác xúc tiến tại các thị trường nước ngoài…
Song song đó là việc bảo đảm môi trường du lịch an toàn, tạo hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách, góp phần định vị hình ảnh và khẳng định thương hiệu của du lịch Đà Nẵng trong nước và trên thế giới”.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, ngành du lịch thành phố cũng phải đương đầu với những khó khăn, đó là nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế, đặc biệt lượng khách đa quốc gia tăng cao, đặt ra thách thức không nhỏ trong việc cung cấp nguồn nhân lực hướng dẫn viên, nhất là những hướng dẫn viên thành thạo các thứ tiếng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Tây Ban Nha, Ý…
“Nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao còn hạn chế…; sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường, một số doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng chưa đủ sức cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài; còn thiếu các sản phẩm du lịch như chợ đêm phục vụ du lịch, khu ẩm thực, mua sắm, giải trí về đêm...”, ông Ngô Quang Vinh nhìn nhận.
THU HÀ