Istanbul năm 1591. Một vụ giết người xảy ra ở ngoại ô tòa thành, nạn nhân bị vứt xác xuống giếng. Câu chuyện trong Tên tôi là Đỏ được bắt đầu bằng lời kể của chính người bị giết hại, nhà tiểu họa Zarif.
Zarif (“Tao Nhã” trong tiếng Thổ) là một trong tứ đại đệ tử của sư phụ Osman, người được nhà vua Safavid Abbas I giao nhiệm vụ giám sát việc vẽ những bức tiểu họa trang trí cho cuốn sách vĩ đại ông dự định khởi thảo để kỷ niệm 1.000 năm cuộc di cư Hegira của đấng tiên tri Mohammed. Là một tín đồ nhiệt thành của tu sĩ cuồng tín Nusret Hoja, Zarif có quan điểm bảo thủ cực đoan về việc vẽ những bức tiểu họa sao cho đúng tinh thần Hồi giáo. Ông nghe đồn những họa sĩ đồng môn của mình dự định đem những luật phối cảnh của hội họa phương Tây vào những bản phác thảo, và ông định đi tố cáo với vị tu sĩ của mình và với cả nhà vua. Chính vì thế ông bị giết hại.
Siyah (“Đen” trong tiếng Thổ) trở về Istanbul sau chuyến đi 12 năm đến Ba Tư. Chàng đến thăm dượng Enishte, nhưng thật ra là để gặp lại con gái ông Shekure, người đã từ chối tình yêu của chàng năm xưa. Shekure đang góa chồng và có hai con trai. Nhằm chinh phục lại trái tim Shekure, Siyah bị cuốn vào những bí mật trong giới tiểu họa thành Istanbul, và rồi là việc truy tìm hung thủ giết hại Zarif, kẻ sẽ gây ra một án mạng khác, theo mệnh lệnh của nhà vua.
Bằng lối kể đa thanh, cuốn tiểu thuyết đưa ta vào thế giới những âm mưu, bí mật, những tiếng kêu gào cuồng nộ của tôn giáo, những dục vọng theo những lá thư và lời đàm tiếu len lỏi khắp các ngõ ngách chật hẹp của thành Istanbul tráng lệ huyền bí vào cuối thế kỷ 16. Mỗi chương là một giọng kể của một nhân vật, một đối tượng cụ thể hoặc mơ hồ, “tôi là một con chó”, “tôi là một đồng tiền vàng”, “tôi là một cái cây”, “tôi là Đỏ”.
Xoay quanh câu chuyện của Siyah, người vừa là nhân vật động lực vừa là khách thể lạc lõng trong cả cuốn tiểu thuyết (vì mọi mục đích hành động của anh ta trong sứ mệnh truy tìm hung thủ đều chỉ nhằm trở thành cha các đứa con trai của Shekure), ta được dẫn dắt vào thế giới lịch sử và nghệ thuật của đế chế Ottoman, với những triều đại huy hoàng trong quá khứ, những cuộc chiến tranh, những tòa thành bị cướp phá và sụp đổ.
Ta được đọc về câu chuyện tình của Husrev và Shirin trong sách của thi sĩ Ba Tư Nizami, được xem bằng trí tưởng tượng những tranh tiểu họa của bậc thầy Bihzad thành Herat năm xưa, người đã trở thành chuẩn mực của nghệ thuật hội họa Ba Tư và đế chế Ottoman sau này.
Ta lần mò trong những mạch kể của các đồ đệ sư phụ Osman, trong những đoạn tự thuật của chính hung thủ, “tôi sẽ được gọi là kẻ sát nhân”, lục lọi những dấu tích của xung đột bệnh hoạn trong tâm hồn hắn để cố tìm ra hắn là ai. Màu đỏ bao phủ câu chuyện như màu của máu, của dục vọng xác thịt và đam mê nghệ thuật tột cùng, màu chủ đạo được dùng trong những bức tiểu họa tuyệt đỉnh của các bậc thầy, và chính màu đỏ sẽ tự thuật về nó như một sắc thái chủ đạo của câu chuyện. Màu của cả cuốn tiểu thuyết, màu của thành Istanbul cổ kính tráng lệ thâm u.
Orhan Pamuk, tác giả cuốn sách, là nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ sinh ngày 7-6-1952, ông đã được trao giải Nobel năm 2006. Hiện đang là giáo sư dạy môn văn học so sánh tại đại học Columbia ở Mỹ. Ông có vinh dự là người đầu tiên của dân tộc mình được trao tặng giải thưởng văn chương danh giá nhất cho nhiều tác phẩm xuất sắc mang những phong cách rất đa dạng, mà trong số đó đã được dịch và ấn hành ở Việt Nam gồm có Pháo đài trắng, Tuyết, Những màu khác, Bảo tàng ngây thơ…, và nổi bật hơn cả là Tên tôi là Đỏ (do Công ty CP Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học liên kết xuất bản năm 2007, tái bản 2013 và 2016, đồng dịch giả Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Anh).
Cuốn tiểu thuyết lớn nhất này của Pamuk ra đời năm 1998 khẳng định ông như là một trong những tác gia vĩ đại đương thời. Ông đã xây dựng nhiều cuốn tiểu thuyết với những thủ pháp, âm hưởng hoàn toàn khác nhau, mà trong Tên tôi là Đỏ, đó là một đại tự sự đa thanh về lịch sử và nghệ thuật Hồi giáo.
Ẩn dưới câu chuyện điều tra hình sự ly kỳ, tác giả đã dựng lại thành Istanbul cổ vào thời đại suy vong của nghệ thuật Hồi giáo trước ảnh hưởng của các nền văn minh phương Tây, một tiếng kêu giẫy chết của một nền hội họa đã thất truyền. Trên hết, với những khẳng định của Pamuk về bản chất của cái đẹp và nghệ thuật, giống như một lời phê bình đã viết, Tên tôi là Đỏ là một áng văn chương lộng lẫy, một cầu nối có cả giao thoa và xung động giữa Đông và Tây, một tác phẩm bất hủ được viết vào cuối thế kỷ này mà sẽ còn được nhắc tới vào cuối thế kỷ sau.
Orhan Pamuk luôn có sự thay đổi với mỗi quyển sách. Sau những cuốn sách kể trên, ông đã viết tiếp Người đàn bà tóc đỏ , một tiểu thuyết dựa trên một câu chuyện thực tế. Gần đây nhất, tiểu thuyết Suy nghĩ kỳ lạ của tôi đã được Nga chọn trao giải thưởng Lev Tolstoy “Yasnaya Polyana” vào tháng 2-2017.
LÊ NGỌC TÂN