Kiến trúc đô thị kết tụ quả ngọt

.

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kiến trúc đô thị Đà Nẵng phát triển nhanh với nhiều dự án, công trình kiến trúc đặc sắc. Tại cuộc thi kiến trúc quốc gia năm 2016, do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tổ chức, Đà Nẵng có 8/30 tác phẩm đoạt giải. Kiến trúc đô thị Đà Nẵng đang đánh dấu bước tiến vượt bậc, kết tụ quả ngọt, đưa Đà Nẵng vào bản đồ kiến trúc Việt Nam.

Công trình “Ba Na Hills Golf Club” của KTS David Louis Mccormick  đoạt giải bạc giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016. 	             Ảnh: T.T
Công trình “Ba Na Hills Golf Club” của KTS David Louis Mccormick đoạt giải bạc giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016. Ảnh: T.T

Cùng với quy hoạch đô thị, hoạt động kiến trúc ở Đà Nẵng được quan tâm đầu tư với định hướng tạo lập bản sắc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Đô thị Đà Nẵng không những phát triển theo chiều rộng mà cả chiều sâu. Đó là thành phố có biển, có sông, có núi và có cả đồng bằng. Những mảng miếng tổ chức không gian cảnh quan kiến trúc trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị được hình thành. Những chuyển động tích cực trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được chủ động thực hiện với thiết kế kiến trúc cảnh quan ven biển, ven sông Hàn, quy hoạch thiết kế kiến trúc quảng trường trung tâm… làm nên các trục liên hoàn nối kết hoàn hảo.

Niềm vui đến với hoạt động kiến trúc thành phố khi ngày 21-4-2017, Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia công bố trao giải Kiến trúc năm 2016, trong đó Đà Nẵng đạt 8/30 giải thưởng. Công trình đáng chú ý nhất đoạt giải vàng từ cuộc thi là “Cung Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng” do đơn vị tư vấn thiết kế ý tưởng là JAUD Co.ltd - tác giả Kim Do Yeon, Ji Hun Lee (Hàn Quốc) phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật thi công là Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng; tác giả Nguyễn Bá Huệ, KTS Hồ Huy Hùng và KTS Trần Hảo.

Một số công trình khác ở Đà Nẵng đáng chú ý như: “Naman Retreat Pure Spa” (KTS Nguyễn Hoàng Mạnh và cộng sự), “Ba Na Hills Golf Club” (KTS David Louis Mccormick) đoạt giải bạc. Tiếp đến là công trình “Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng” (tác giả: KTS Nguyễn Hữu Nhất, KTS Nguyễn Văn Tư, KTS Võ Văn Nghĩa) và “Thư viện tổng hợp Đà Nẵng” (KTS Ngô Chí Thành, KTS Tô Thị Thanh Hương, KTS Nguyễn Huỳnh Đức Toàn) đoạt giải đồng.

Trước đó, kiến trúc Đà Nẵng từng gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Đó là những dự án, công trình khách sạn như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Naman Spa. Naman Spa nằm trong khu nghỉ dưỡng Naman Retreat đoạt giải thưởng kiến trúc thường niên năm 2016 do mạng kiến trúc Ashui bình chọn. Công trình do MIA Design Studio thiết kế gây ấn tượng bởi được nhiều cây xanh bao phủ, với những dây leo thả như những bức màn tạo nên bức tranh lãng mạn, những vườn treo xanh mướt thay cho những khối bê-tông cứng nhắc. Công trình Naman Spa tiếp tục nhận giải bạc tại giải Kiến trúc quốc gia 2016.

Công trình Cung Thiếu nhi thành phố đoạt giải vàng tại cuộc thi Kiến trúc quốc gia 2016. 					         Ảnh: T.T
Công trình Cung Thiếu nhi thành phố đoạt giải vàng tại cuộc thi Kiến trúc quốc gia 2016. Ảnh: T.T

Trước đó, năm 2014, Khu đô thị FPT City Đà Nẵng nhận giải thưởng Kiến trúc quốc gia ở nội dung “Thiết kế cảnh quan đô thị FPT Đà Nẵng”. Hội đồng ghi nhận dự án được quy hoạch với kiến trúc hiện đại, đồng bộ, nhấn mạnh vào “hạ tầng xã hội” để tạo sự tiện lợi và “tính cộng đồng” cao. Các khu công viên kết hợp với kênh, hồ nhân tạo, ngoài chức năng dành cho hoạt động giải trí, thư giãn, còn có công năng kiểm soát và tận dụng nguồn nước mưa, ngăn chặn lũ lụt, bảo đảm môi trường sống an toàn, tiết kiệm và trong lành…

Đà Nẵng đang khai thác triệt để bản sắc cảnh quan kiến trúc với các lợi thế về sông, núi, biển là việc cần làm trong xu thế phát triển bền vững đô thị hiện nay. Hướng phát triển của Đà Nẵng là xây dựng kiến trúc sinh thái, kiến trúc đặc trưng tạo điểm nhấn về mặt thị giác, tạo giá trị nhân văn cho đô thị Đà Nẵng. Những công trình như Cung Thiếu nhi, Bảo tàng Mỹ thuật hay Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng vừa đoạt các giải Kiến trúc quốc gia là minh chứng sống động cho xu hướng thiết kế kiến trúc có tính nhân văn và hướng về cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuấn, thị hiếu thẩm mỹ trong kiến trúc của người dân đã được nhận diện, đó là sự kín đáo, nhẹ nhàng. Địa hình của Đà Nẵng có biển - sông - núi, nên bản sắc trong kiến trúc Đà Nẵng là hướng biển nhưng tựa lưng vào núi, và màu sắc chủ đạo cũng có thể là màu xanh của biển - của sông hay của núi. Đà Nẵng hiện không chỉ là thành phố lớn mạnh về quy mô phát triển, một thành phố môi trường mà còn là đô thị đi đầu về quy hoạch và kiến trúc đô thị hiện đại, đồng thời có bản sắc riêng.

Theo đó, phát triển các không gian đô thị mới kết hợp với cải tạo và hiện đại hóa khu trung tâm là bộ mặt đầu ra chính của đô thị; duy trì hình ảnh một đô thị được chăm sóc từ nhỏ đến lớn; đặc biệt tạo lập chất lượng kiến trúc và chất lượng thẩm mỹ cho các đường phố; thiết lập những đoạn phố hoặc đại lộ tiêu biểu và có sức thu hút.

Đồng thời, xây dựng các quần thể kiến trúc, công trình kiến trúc riêng lẻ có tác dụng định hình diện mạo chuẩn mực cho kiến trúc thành phố, mở ra những khoảng không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng, các không gian chuyển tiếp.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.