Những chương trình học bổng ngắn hạn kéo dài trong 1 năm, học bổng giao lưu văn hóa ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang tạo cơ hội cho những sinh viên (SV) có thành tích học tập xuất sắc, năng động được bước ra thế giới, học ngôn ngữ, các kỹ năng, khám phá các nền văn hóa và trải nghiệm một cuộc sống mới.
Minh Thư và Phương Thảo tại gian hàng Việt Nam, tham gia tuần lễ giao lưu quốc tế khi du học tại ĐH Cardiff Metropolitan (Vương quốc Anh). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Dành cho những người luôn cố gắng
Mai Nguyễn Công Thuận, SV lớp 41K01.1CLC, khoa Thương mại, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, vừa hoàn thành chương trình học ngắn hạn tại ĐH Khoa học ứng dụng Westphalian (Đức) cho biết, khoảng thời gian gần 6 tháng ở đây là một hành trình trải nghiệm đầy thú vị. Thuận và hai bạn cùng khoa tham gia chương trình trao đổi tại Westphalian được phân ở cùng các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Và mỗi người có một nền văn hóa khác, một ngôn ngữ khác nên phải chọn một thứ tiếng chung để nói chuyện với nhau. Và Thuận cảm thấy không có khó khăn gì khi ở trong môi trường quốc tế đó.
Theo Công Thuận, phương pháp học mà lâu nay em duy trì như nghe giảng kỹ, về nhà sẽ dành một ít thời gian để xem lại và chuẩn bị bài mới, gọi là tiếp xúc kiến thức nhiều lần sẽ giúp nhớ lâu hơn thay vì phải bỏ thời gian học nhiều, vẫn tỏ ra hiệu quả khi đến Đức. Ngoài ra, mỗi môn học trong chương trình ở Westphalian đều có phần mềm bổ trợ như phần mềm mô phỏng hoạt động của công ty, giúp SV định hình cụ thể hơn. Các giảng viên cũng đề nghị SV làm việc nhóm và mỗi người đều được phân công công việc rõ ràng, cụ thể. Và những kỹ năng này đã được áp dụng tại các trường ở Việt Nam nhiều năm nay nên Thuận cảm thấy không khó khăn gì.
Cũng vừa hoàn thành chương trình học ngắn hạn tại ĐH Cardiff Metropolitan (Vương quốc Anh), hai bạn Phan Minh Thư (K41) và Ngô Nguyễn Phương Thảo (K40), cùng khoa Thương mại, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, thời gian du học tuy ngắn nhưng giúp hai bạn cải thiện tiếng Anh rõ rệt. Yêu cầu của chương trình là SV tự học, tự nghiên cứu, vì chỉ học một giờ thực hành và một giờ lý thuyết cho mỗi môn học nên kỹ năng tự học, tự tham khảo tài liệu để viết bài luận. Cách học đó cũng giúp SV bảo vệ quan điểm mà mình đưa ra trên cơ sở khoa học, có luận cứ được trích dẫn rõ ràng.
Với kết quả học tập xuất sắc, cơ hội cho SV nhận học bổng từ các trường đối tác của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng là rất lớn. Công Thuận là thủ khoa, Minh Thư là á khoa của Trường ĐH Kinh tế năm 2015; điểm số tiếng Anh quốc tế của các bạn cũng rất cao, như Minh Thư đạt IELTS 7.0, Phương Thảo đạt IELTS 6.5; các bạn tham gia học chương trình chất lượng cao của trường, đòi hỏi nghiêm ngặt về trình độ ngoại ngữ cũng như chất lượng từng môn học. Thời gian đi du học tuy ngắn, nhưng cũng thúc đẩy các bạn vun đắp ước mơ được học lên cao hơn. Phương Thảo dự định sẽ tiếp tục học thạc sĩ ở Anh, còn Minh Thư dự định sẽ trải nghiệm việc học ở một nước khác. Các bạn tự tin sẽ tìm được học bổng toàn phần bởi hồ sơ học tập của mình có nhiều điểm sáng.
Hòa nhập vào môi trường quốc tế
PGS.TS Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kinh tế cho biết, việc trao đổi SV đến các trường thuộc hơn 30 đối tác ở nhiều quốc gia khác nhau là cơ hội giúp SV giao lưu, học tập, nắm bắt những điều hay ở nước đến. Hiện nay có các chương trình như chuyển tiếp trong 6 tháng đến 1 năm, chương trình học trong 1 năm và chương trình chuyển tiếp 2+2, 3+1 (học ở Trường ĐH Kinh tế 2 hoặc 3 năm và học ở nước ngoài 1 hoặc 2 năm). Hiện nay trường đang đẩy mạnh chương trình 3+1+1 (học 3 năm ở Trường ĐH Kinh tế, 1 năm ở nước ngoài và học thêm 1 năm để lấy bằng thạc sĩ).
Năm 2016, Trường ĐH Kinh tế có 20 đợt chuyển tiếp cho SV (học 6 tháng đến 2 năm), năm 2017 số lượng tăng hơn, chỉ tính riêng sang Đức đã có 10 SV. TS Nguyễn Phúc Nguyên cũng nhấn mạnh đến yếu tố chương trình đào tạo hiện nay có nhiều môn tiệm cận với chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, đây là mặt thuận lợi giúp SV không thấy khác lạ khi theo học ở các chương trình giao lưu, chuyển tiếp. Và cũng mới tập trung vào những khoa có tính quốc tế như Thương mại, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Marketing và Du lịch.
Nằm trong số những trường có nhiều SV theo học các chương trình giao lưu, chuyển tiếp ở các nước, SV Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cũng có nhiều thuận lợi giúp các em cọ xát với môi trường học thuật quốc tế. Trong hai năm học từ 2015 đến 2017, đã có hơn 120 SV Trường ĐH Ngoại ngữ được tham gia các chương trình giao lưu, học tập và nghiên cứu ở gần 10 nước trong khu vực và ở châu Âu, châu Mỹ. TS. Đào Thị Thanh Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ cho rằng, học bổng giao lưu, học tập là cánh cửa dành cho những SV có năng lực, khao khát được bước chân vào môi trường học tập quốc tế. Đây là cách tốt nhất để các em có thể học tập và lĩnh hội một ngôn ngữ, khám phá một nền văn hóa, phát triển các kỹ năng từ chính các trải nghiệm trong cuộc sống. Việc dành được học bổng du học còn tạo một dấu son giúp tăng điểm trong hồ sơ năng lực của SV. Ngoài ra, khi các em đã từng đi du học, sẽ được các nhà tuyển dụng nhìn nhận với tính cách tự chủ, độc lập, sẵn sàng đối diện khó khăn, có nhiều kinh nghiệm sống trong môi trường đa văn hóa… sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế.
HIỀN LƯƠNG