Mỗi người hãy là tấm lá chắn

.

Xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở khắp mọi nơi, từ đô thị sầm uất đến vùng nông thôn hẻo lánh. Thời gian qua, những vụ án đau lòng liên tiếp được đưa lên mặt báo cho thấy, câu chuyện này không còn là nỗi đau của chính gia đình người bị hại mà thực sự trở thành một vấn nạn trong toàn xã hội và cần sự lên tiếng của cả cộng đồng.

Cử tri thành phố Đà Nẵng cùng đóng góp ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “xâm hại tình dục trẻ em” của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP. Đà Nẵng diễn ra mới đây.  Ảnh: T.Y
Cử tri thành phố Đà Nẵng cùng đóng góp ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “xâm hại tình dục trẻ em” của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP. Đà Nẵng diễn ra mới đây. Ảnh: T.Y

1. Những tháng đầu năm 2017, năm vụ tố giác về hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Hà Nội, Lào Cai đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trên các diễn đàn báo chí và cộng đồng mạng. Trước những câu chuyện ghê rợn và mất nhân tính ấy, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội sau khi có thống kê chỉ ra rằng, trong ba năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em và cứ 8 giờ lại ghi nhận thêm một nạn nhân mới. Tuy nhiên, phần lớn vụ việc chỉ dừng lại ở con số thống kê của các tổ chức xã hội ở địa phương, từng “dấy lên” rồi “chìm xuồng” vì những lý do khác nhau.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “xâm hại tình dục trẻ em” của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng mới đây, một nữ cán bộ đang công tác tại Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thuộc quận Ngũ Hành Sơn đã rơi nước mắt khi kể lại câu chuyện rằng, có một số nạn nhân nữ từng đến gặp chị những mong có được “chỗ dựa” trên con đường đi tìm công lý nhưng rồi chính chị cũng cảm thấy bất lực bởi đi đến đâu, chị và người bị hại cũng đối mặt với những câu hỏi cắc cớ, thẳng thừng như xát muối vào tim. “Tôi nghĩ rằng, từ khi bị xâm hại đến lúc thuyết phục được con em mình đến cơ quan chức năng trình báo, cả gia đình người bị hại phải trải qua sự đấu tranh về tư tưởng, vượt lên mặc cảm lẫn sự xấu hổ của bản thân. Chặng đường ấy đầy nỗi đau và nước mắt khi phải đối mặt với những câu hỏi sỗ sàng, lặp đi lặp lại, cứa sâu vào nỗi đau nhưng cuối cùng không được giải quyết thỏa đáng như một lần nữa đánh gục những đứa trẻ bất hạnh khi cả thể xác và tinh thần bị “xâm hại” nghiêm trọng”, chị trăn trở.

Cũng theo người nữ cán bộ này, trước những nỗi đau của con mình và sự thờ ơ (đôi khi cay nghiệt, đầy phán xét) của xã hội, nhiều bà mẹ đã không đủ can đảm để đi đến cùng sự việc hoặc chọn cách im lặng những mong thời gian có thể chữa lành vết thương cho con. Chính điều này đã tạo cơ hội cho tội phạm tình dục tiếp tục tìm kiếm “con mồi” mới để thực hiện hành vi thú tính của mình.

2. Do yêu cầu từ phía gia đình bị hại, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không được cung cấp cho báo chí. Đơn cử như vụ “hiếp dâm trẻ em” xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu được Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng xét xử tháng 8-2016 chỉ duy nhất có Báo Đà Nẵng đưa thông tin. Theo cáo trạng, vào tối ngày 14-2-2016, Trần Nguyên Lý (sinh năm 1985, ngụ tại quận Liên Chiểu) đi bộ cùng mẹ trên đường nằm sát bãi biển Nam Ô thì gặp cháu M. (sinh năm 2008) đang đứng khóc tìm con chó đi lạc. Bà mẹ sau đó bảo Lý dẫn bé M. đi tìm con chó nhưng khi đi được một đoạn, thấy bãi biển vắng người, Lý đã có hành vi nhằm mục đích giao cấu với cháu M. Tối cùng ngày, cháu M. về kể lại sự việc trên cho bố mẹ nghe và người nhà của M. đã đến Công an phường Hòa Hiệp Nam tố cáo hành vi của Lý. Với hành vi này, Lý bị kết án 12 năm về tội “hiếp dâm trẻ em”.

Từ thực tế trên, rất khó có một con số thống kê chính xác trong năm trên địa bàn thành phố xảy ra bao nhiêu vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, nhất là những vụ việc chưa được đem ra xét xử hoặc đang trong tình trạng “chìm xuồng”. Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ trẻ em TP. Đà Nẵng Lê Thị Tám thừa nhận, hiện nay ở Việt Nam có đến 15 cơ quan có chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ, tuy nhiên khi có sự việc xảy ra, thì gia đình bị hại khá lúng túng không biết nên gửi đơn ở đâu để kêu cứu ngoài cơ quan công an. Ở nhiều trường hợp, chính những câu hỏi chưa thật sự khéo léo của điều tra viên đã khiến những đứa trẻ trở nên co cụm và ngại chia sẻ.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP. Đà Nẵng phối hợp cùng Tổ chức Orphan Voice (Hoa Kỳ) tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán trẻ em và phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em cho hơn 10.000 học sinh tại 13 trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố, giúp các em nhận biết hành vi nào là xấu, là xâm hại, biết kêu to và chạy nhanh khi gặp chuyện chẳng lành… Tuy nhiên, những nỗ lực ấy không thể đến được với tất cả các em bé và không đủ sức răn đe những kẻ có khả năng phạm tội theo bản năng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tâm lý cũng cho rằng vấn đề ly hôn hiện nay là một trong những nguyên nhân làm gia tăng mối nguy hại đối với trẻ em khi trẻ thiếu đi sự quan tâm, giáo dục của người làm cha làm mẹ.

3. Trước thực trạng trên, mới đây, trong bản kiến nghị do các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đoàn thể gồm Hiệp hội Nữ Doanh nhân, Hội Nữ trí thức, Câu lạc bộ Nhà báo nữ, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP. Đà Nẵng, sinh viên Khoa Luật Trường Đại học Đông Á gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP. Đà Nẵng đã kêu gọi mỗi người lớn hãy là lá chắn, là người cảnh giác che chở, phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi xâm hại con trẻ, xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, bản kiến nghị cũng nêu lên mong mỏi toàn xã hội cần quan tâm chia sẻ với gia đình, trẻ bị hại và cùng nhau phối hợp truy tìm tội phạm để xử lý nặng, không để gia đình nạn nhân lẻ loi trên con đường đi tìm công lý. Bản kiến nghị cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào nhà trường những tiết học về giới tính, giúp trẻ em nhận thức và tự phòng vệ, phát hiện và ngăn chặn những hành vi xâm hại tình dục…

Cùng với đó, nội dung Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 vừa được UBND thành phố, Hội Từ thiện và Bảo vệ trẻ em TP. Đà Nẵng triển khai mang chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” cho thấy quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc đẩy lùi loại hình tội phạm này. Trong đó chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, người dân trong việc giám sát, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em trên địa bàn.

Có thể thấy rằng, thời gian qua, việc điều tra, xét xử các hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan chức năng không thể thu thập đủ chứng cứ để buộc tội hung thủ. Chính vì thế, việc chung tay, lên tiếng từ cộng đồng xã hội là điều hết sức cần thiết. Bởi nạn nhân của vấn nạn này là trẻ em, đối tượng dễ bị những tổn thương về tâm sinh lý khó hồi phục. Do đó cần phải đặt mục tiêu phòng ngừa là trên hết. Chưa kể hầu hết những vụ án đến từ các mối quan hệ gần gũi, ruột rà, hậu quả của nó là tạo nên vết thương hằn sâu vào tâm hồn mỗi đứa trẻ khiến chúng mất đi sự tự tin, hồn nhiên vốn có, thậm chí làm nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, sống bất cần đời khi mất niềm tin vào cuộc sống.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.