Am hiểu vùng đất Ngũ Hành Sơn, ông Phan Bân, cán bộ lâu năm của Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (đã về hưu) nói rằng, từ lâu, khách du lịch khi tham quan Ngũ Hành Sơn hầu hết chỉ đến ngọn Thủy Sơn và tưởng như đã chiêm ngưỡng trọn vẹn bức tranh non nước hữu tình của Ngũ Hành Sơn. Trên thực tế, Thủy Sơn chỉ là một trong năm ngọn núi Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ và có thuận lợi về mặt giao thông, cảnh sắc phong phú, đa dạng hang động, chùa chiền nên được nhiều người biết đến.
Ngọn Thổ Sơn, nơi có hang Bồ Đề là nơi che chở quân và dân Hòa Hải trong suốt 2 cuộc đấu tranh giành độc lập. (Ảnh do Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cung cấp) |
Theo lời ông Bân, khu du lịch phía tây trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn còn có ngọn Hỏa Sơn, Thổ Sơn và Kim Sơn, giáp với sông Cổ Cò, có phong cảnh hữu tình. Thổ Sơn là ngọn phía tây bắc Ngũ Hành Sơn, nơi vách đá dựng đứng và ít cây cối. Điểm thấp nhất nằm ở sườn phía Tây, còn phía Đông có một hang động sâu khoảng 20 mét, có lối vào rất hẹp theo hình chữ M rộng đủ một người lách qua. Ngay giữa hang động có đường thông lên cao đưa không khí vào trong, được người dân địa phương gọi là hang Bồ Đề, hay còn gọi là hang Cóc, mệnh danh là “địa đạo núi đá chồng”. Đây là địa đạo tự nhiên, trở thành nơi ẩn nấp và hoạt động bí mật của nhân dân và chiến sĩ cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay, địa đạo này trở thành di tích lịch sử nằm trong cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Lịch sử địa phương có ghi lại, giai đoạn từ năm 1950 đến 1969, để chặn đứng bước tiến của địch, nhân dân vùng Hòa Vang, trong đó có nhân dân Hòa Hải tranh thủ ngày đêm đào hầm bí mật, thông hào chiến đấu theo dọc chân núi Thổ Sơn, Kim Sơn đến sát biển. Trên núi, quân ta đặt trạm viễn tiêu, ngày đêm canh gác, theo dõi động tĩnh của định, vừa đánh, vừa bảo tồn lực lượng tại các hang động. Với địa hình phù hợp, hang Bồ Đề trở thành nơi chống càn, chở che, bao bọc quân và dân Hòa Hải trong suốt 2 cuộc chiến tranh. Có lần, địch đem quân vây ráp, dùng rơm đốt hun khói vào hang, đánh hơi độc, nổ mìn lấp kín miệng hang, nhưng quân ta vẫn bình tĩnh rút quân an toàn. Thời kháng chiến chống Mỹ, hang Bồ Đề là công sự để du kích bám sát vị trí địch đóng tại Thổ Sơn và bắn tỉa, phục kích, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Với ý nghĩa lịch sử đó, hang Bồ Đề trên ngọn Thổ Sơn góp phần làm sáng rõ lịch sử đấu tranh của quân và dân Hòa Hải nói chung, Ngũ Hành Sơn nói riêng; đồng thời trở thành điểm đến thú vị trong hành trình tham quan, khám phá tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
HUỲNH LÊ