Nghĩ

Chuyện "cóp - pát"

“Alo, chị làm báo cáo cơ sở vật chất chưa? Chưa. Thế mà bên em sếp cứ bắt làm ngay. Chết em rồi, bây giờ biết làm thế nào. Ở trên mạng ý, tìm cái của người ta rồi xóa đi, điền vào...”. “Alo, chị đây, dạo này em khỏe không... Này chị có việc nhờ tí... cái sáng kiến kinh nghiệm năm ngoái em được khen ấy, cho chị xin. Để làm gì. Thì chị cũng làm sáng kiến. Ô, sáng kiến sao giống nhau được, em môn Hóa, chị môn Sử cơ mà. Thôi thôi không dài dòng, cứ gửi mail cho chị, chị lấy mấy trang “cơ sở”, rồi “nội dung” xin chỗ khác dán vào”. “Alo, sao chị chưa nộp báo cáo tình hình thực hiện nếp sống văn hóa sáu tháng đầu năm... Thôi được rồi, chiều nay sẽ có”...

Bao nhiêu thôi thúc, đôn đốc, “cầu xin” để ra cái văn bản loanh quanh vẫn chuyện cũ. Hằng ngày, những báo cáo, đề tài, sáng kiến... liên tục được xuất bản. Thư điện tử cứ gửi, giấy cứ in, nghe cứ nghe, đọc cứ lật, “soát chính tả” - trật tự và nghiêm túc. Xong phần “thành công tốt đẹp” vỗ tay, hỏi mấy ai còn nhớ.

Thực tế “thị trường” văn bản của chúng ta đang rất khuôn sáo nặng nề. Vẫn biết hành chính công vụ là khuôn mẫu, đúng hạn đúng kỳ nhưng vì vô vàn yêu cầu, vô vàn kiểu chấp hành, nên sinh ra những loại “anh em sinh trăm”.

Nhiều lỗi nực cười từ “lấy của người ta làm của mình” từ đó mà sinh ra: quên chưa xóa tên cơ quan, địa danh, ngày tháng (của họ), hay lắp cái lạ hoắc nào đó vào nội dung văn bản. Hỏi sao cẩu thả thế. Đáp, thì họ nhận hàng trăm hơi sức đâu mà đọc, cứ đủ trang, đặc chữ là OK!

Phải đọc (nghe, xem) loại văn bản kêu vang, có cánh, giống nhau như đúc chẳng khác nào bị hành hạ. Một kiểu hành hạ mà rất nhiều người, rất lâu rồi cứ im lặng chấp hành. Câu mẫu, lời chung chung, sáo rỗng, lắp vào huyện A cũng đúng, ngành B cũng chẳng sai, nhưng chẳng trúng, cụ thể được vào đâu.

Văn bản cứ đèm đẹp, oang oang, lơ lơ lửng lửng trên bầu trời hội trường, để rồi cuối cùng nhận tràng vỗ tay... đúng chương trình. Người tiếp nhận chán, chỉ than thở, hài hước với nhau, bất quá, chỉ ý kiến trong những cuộc họp nhỏ; để rồi lại hội họp, lại nghe, không đọng lại cái gì. Thông tin cũ rích, nhai đi nhai lại n lần trong thời buổi thông tin, thật là nỗi khổ này biết tỏ chăng ai.  

Hiện nay chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa chuyển biến tốt, tác động tích cực đến đời sống xã hội, sự “hành là chính” đã giảm hẳn. Nhưng nhìn sòng phẳng đấy chỉ là cái cửa hướng ngoại, còn bên trong ngôi nhà hành chính… dường như vẫn âm âm những tiếng kêu vang hình thức, nhạt thếch.

Đặc trưng của văn bản hành chính công vụ là tính khuôn mẫu, công thức nhưng trong nó phải là thông tin. Chung chung, đúng, nhưng lơ lửng chẳng trúng vào đâu trong những câu từ “khẩu hiệu” đã lạc hậu lắm rồi. Thời buổi bùng nổ thông tin, công nghệ quả hỗ trợ nhiều cho bất kỳ ai mỗi khi cần làm văn bản. Nhưng mặt trái của nó là công nghệ lười biếng, “cóp - pát” nhanh như máy. Và sản phẩm đưa ra, góp phần quan trọng vào bệnh hình thức nặng nề thêm.

Nguyên nhân của căn bệnh trên, sòng phẳng là do cả hai phía. Phía yêu cầu, cứ triển khai, lệnh nộp chung chung; phía chấp hành không thể phản đối, cứ bật máy tính lên, xào xáo “ba cũ một mới”, nộp đúng hạn. Nói vậy cũng có cơ quan, cá nhân “vượt rào”, nghĩa là, viết ngắn gọn, câu chữ kiểu “giết giấy” bỏ, chỉ đưa thông tin mới. Người cụ thể thẩm định, đa số ách lại, không công nhận. Và thế là cuộc “cách mạng” thành ra phải tự rút kinh nghiệm, cứ nếp cũ mà làm.

Còn lĩnh vực văn bản (cơ quan, đoàn thể nào cũng thường xuyên thực hiện) thì dường như vẫn đang nhởn nhơ, chưa ai động đến. Không biết đến bao giờ mới có cuộc cách mạng riêng cho các văn bản hành chính. Quy định khắt khe, kiểm duyệt nghiêm túc, chú trọng thông tin, kiên quyết loại bỏ những sáo rỗng. Có lẽ, khi nào nhất loạt tiến hành được những điều đó, thì những văn bản hành chính sẽ tăng thêm hiệu ứng xã hội rất nhiều.

Nguyễn Sông Thanh

;
.
.
.
.
.