Sau hơn 4 tháng miệt mài, Lê Văn Đây (sinh viên lớp 13CDT1, ngành Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) đã nghiên cứu thành công thiết bị định vị, theo dõi tình trạng sức khỏe và vị trí của người cao tuổi. Thiết bị đầy tính nhân văn của chàng trai xứ Quảng hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Lê Văn Đây với chiếc máy định vị sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: C.D |
Đây sinh ra ở vùng quê xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Đây kể, sức khỏe của mẹ không tốt lắm nên trời nắng nóng thường hay bị mệt. Đây lo mỗi khi mẹ đi làm lỡ có vấn đề gì liên quan đến vấn đề sức khỏe như tim mạch, đột quỵ… mà không biết mẹ ở đâu thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên chàng trai hiếu thảo nghĩ đến một thiết bị định vị chính xác mẹ đang ở đâu. Đây lên ý tưởng và dành thời gian nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm với tên gọi “Máy định vị người cao tuổi”.
Mất khoảng 4 tháng tìm tòi, nghiên cứu, chiếc máy định vị nhỏ gọn như chiếc đồng hồ đeo tay với tên gọi “Simple Watch”, tích hợp nhiều chức năng khác nhau như đo nhịp tim, thân nhiệt, nghe gọi điện thoại, định vị GPS. Khi hoạt động, bộ xử lý trung tâm sẽ phát ra tín hiệu RF liên tục. Nếu có sự thay đổi bất thường nào về nhịp tim hay thân nhiệt đều được nhận diện và cảnh báo đến cho người đang theo dõi qua điện thoại.
Ngoài ra, trên thiết bị còn có các nút cố định được cài đặt các số điện thoại nhất định, có tai nghe rời để gọi khi cần thiết, có nút gọi khẩn cấp khi thấy trong người mệt mỏi, không ổn, chỉ cần bấm vào nút đó sẽ gửi thông tin đến các số điện thoại được cài đặt và tự động định vị vị trí GPS. Cùng với tín hiệu báo động, thiết bị sẽ nhanh chóng định vị người sử dụng và báo về máy chủ, hoặc gọi đến những số máy được cài đặt sẵn. Thiết bị cũng đồng thời kết nối với hệ thống loa báo gần nhất trong khu vực để người gần nhất có thể trợ giúp, phòng khi người quản lý chưa kịp có mặt.
Để làm ra được một sản phẩm hoàn thiện như thế này với sinh viên như Đây khá vất vả, khi kinh phí để hoàn thành một thiết bị thử nghiệm “Simple Watch” là 4 triệu đồng. Để có tiền mua linh kiện điện tử phục vụ việc lắp đặt, Đây phải nhận làm nhiều nghề khác nhau như: dẫn chương trình, nhạc công, dạy học. Mặt khác, do làm hoàn toàn thủ công nên sản phẩm còn khá thô sơ, muốn đưa ra thị trường phải đầu tư và có độ tinh xảo hơn rất nhiều. Vì thế, trước mắt Đây sẽ tập trung hoàn thiện các tính năng chính.
Đây cho biết, hiện nay dù sản phẩm do nhịp tim trên thị trường đã có, nhiều người sẽ nghĩ có sự tương đồng nhưng thực tế không phải thế, máy đặc biệt của máy định vị người già là tích hợp cả định vị GPS và nghe gọi được. “Em sẽ cố gắng để đưa sản phẩm này ra thị trường vì đây là sản phẩm em làm bằng cái tâm của mình, muốn dành cho xã hội. Hiện tại em đang hướng đến đối tượng là người già nên sẽ tập trung hoàn thiện sản phẩm. Tương lai gần, sẽ mở rộng ra nhiều đối tượng khác nhau. Ví dụ như trẻ nhỏ vì giờ nạn bắt cóc trẻ em, hiếp dâm, lừa đảo nhiều… những sản phẩm như thế này sẽ rất tiện ích, không chỉ giúp phụ huynh biết được trẻ đang ở đâu mà còn có thể quản lý trẻ bằng cách có thể nghe gọi được”, Đây chia sẻ.
Là “dân” cơ khí nhưng Đây có khá nhiều tài lẻ như chơi đàn guitar, hát. Những ngày mới bắt đầu là sinh viên Bách khoa, Đây tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ Kỹ năng mềm Đà Nẵng. Chính nhờ khoảng thời gian này đã giúp Đây có được kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng thuyết trình và cả một số tài lẻ khác.
Ngoài thời gian lên lớp, Đây dành thời gian nghiên cứu khoa học. Khi còn năm 3, Đây đã làm 2 dự án lớn là “Hệ thống bia ẩn hiện điều khiển từ xa” và “Máy rang xay ngũ cốc tự động” (dành cho chị gái kinh doanh mặt hàng này). Mới đây, chàng sinh viên đang chạy thí điểm dự án “Radio thông minh” phục vụ truyền thanh ở các thôn, xã. Đây kể, mỗi chiều các thôn thường có các đài phát thanh các chương trình của địa phương cần có người trực thiết bị để mở-tắt khi đài phát. Với thiết bị “Radio thông minh” này thì không cần người trực mà máy sẽ tự phát thanh khi có chương trình và tự dừng phát khi hết chương trình.
“Máy định vị người cao tuổi” của Lê Văn Đây đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học - Famelab 2017” khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Đại học Đà Nẵng phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức cuối tháng 3-2017; giải ba chung cuộc tại cuộc thi “Tìm kiếm đại sứ truyền thông Khoa học toàn quốc” lần thứ ba tại Việt Nam (Famebab2017) cuối tháng 4-2017. Đây là cuộc thi thuyết trình về khoa học, bắt đầu từ năm 2005 tại Liên hoan khoa học Cheltenham Science Festival ở Vương quốc Anh. Hiện “Máy định vị người cao tuổi” đang tiếp tục lọt vào vòng chung kết cuộc thi Starup Runway của Đại học Đà Nẵng. |
Nhật Hạ - Cẩm Duyên