TUYỂN TẬP CA KHÚC THIẾU NHI ĐÀ NẴNG

Trách nhiệm của người nhạc sĩ

.

Thời gian gần đây, trên truyền hình ngày càng xuất hiện nhiều chương trình thực tế về âm nhạc dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, vì mục đích kinh doanh, ban tổ chức các chương trình đã làm lệch hướng thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc của lứa tuổi thiếu nhi. Nhạc sĩ Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng nghiêm túc nhìn nhận: “Riêng tại Đà Nẵng, nhiều năm qua, các ca khúc viết cho thiếu nhi thưa dần. Tại các hội thi âm nhạc dành cho thiếu nhi, những ca khúc cũ cứ lặp đi lặp lại, gây nhàm chán. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trách nhiệm lớn vẫn thuộc về nhạc sĩ chúng tôi”.

Từ nhu cầu thực tế cũng như trăn trở của những người làm âm nhạc, Hội Âm nhạc thành phố đã phối hợp với Cung Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức trại sáng tác ca khúc cho thanh-thiếu nhi Đà Nẵng, thu hút 35 nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc thành phố tham gia. Từ 24 ca khúc được tuyển chọn trong đợt sáng tác này, cùng với 26 ca khúc của các nhạc sĩ trong và ngoài thành phố được Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng thu thập, chắt chiu trong thời gian qua, Tuyển tập  ca khúc thiếu nhi “Em lớn lên cùng thành phố anh hùng” được ra đời. Đây là món quà lưu niệm độc đáo và đầy ý nghĩa đối với những người yêu nhạc thiếu nhi trong cả nước sau nhiều năm âm nhạc thiếu nhi Đà Nẵng khá im ắng.

Góp mặt trong tuyển tập, ngoài các nhạc sĩ chuyên viết cho thiếu nhi như: Thái Nghĩa, Trương Duy Huyến, Trịnh Tuấn Khanh, Phạm Hoàng Huy, Trúc Lam… đặc biệt có các nhạc sĩ kỳ cựu thâm niên của Đà Nẵng như: Trần Ái Nghĩa, Thanh Anh, Minh Đức, Nguyễn Duy Khoái, Xuân Minh, Đình Thậm, Lưu Văn Bình, Nguyễn Hoàng. Các nhạc sĩ không thuộc giới sáng tác cho thiếu nhi lần này cũng góp mặt với nhiều ca khúc đa dạng, phong phú dành cho lứa tuổi trẻ thơ như: Trần Ngọc Sanh, Đinh Gia Hòa, Nguyễn Đức, Trịnh Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Hiếu, Phan Thanh Trường, Trương Quang Thành, Trương Công Ảnh… Bên cạnh đó có những tên tuổi khá mới mẻ trong giới sáng tác như: Hoàng Lương, Nguyễn Ngọc Huy, An Phương, Đoàn Trung Hải.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn, Giám đốc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng: “Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao sẽ được tuyển chọn đưa vào các chương trình ca nhạc của Cung Thiếu nhi thành phố. Thời gian đến, hằng tuần hoặc hằng tháng, chúng tôi tổ chức giao lưu giữa các nhạc sĩ với thiếu nhi. Tại buổi giao lưu, nhạc sĩ sẽ giới thiệu cái hay, cái đẹp của ca khúc và hướng dẫn các em hát ca khúc đó”.

Phần lớn là tác phẩm mới, mỗi ca khúc thể hiện một phong cách khác nhau song vẫn cùng chung chủ đề ca ngợi mảnh đất, con người Đà Nẵng kiên cường trong đấu tranh, vươn lên vượt bậc, đầy ấn tượng theo nhịp thời gian 20 năm phát triển đầy thử thách song hành cùng nhiều vận hội như bài hát Em yêu thành phố biển quê emThành phố xanh của Trương Duy Huyến, Lung linh sông Hàn của Phạm Quang Trung, Đà Nẵng hôm nay của Trần Thanh Tùng, Đà Nẵng thành phố mùa xuân của An Phương. Đà Nẵng khúc nhạc vui (nhạc: Lưu Văn Bình, lời: Nguyễn Chính)… Đáng chú ý có hai ca khúc ca ngợi hình ảnh kiên cường của chú bộ đội Trường Sa của Hoàng Lương và tình cảm sâu sắc của thiếu nhi trước biển trời quê hương trong Hẹn với Hoàng Sa của Trương Duy Huyến. Nổi lên đầy da diết là các bài hát về tình mẹ, tình cha như: Ba má cùng chúng em của Nguyễn Duy Khoái, Có một mẹ thôi (nhạc: Trần Ngọc Sanh, thơ: Nguyễn Lãm Thắng), Yêu lắm mẹ ơi của Đình Thậm, Giúp mẹ (nhạc: Trịnh Tuấn Khanh, thơ: Nguyễn Ngọc Hưng). Tình cảm tha thiết của ông bà nội ngoại cũng được khắc họa chân thành trong các khúc hát: Con thương ông bà nhất nhà của Trần Ái Nghĩa, Em yêu cả nhà của Đinh Gia Hòa, Ông ơi của Trương Công Ảnh… Sắc màu rực rỡ, diệu kỳ của mùa xuân cũng đi vào một số ca khúc như: Bức tranh xuân của Xuân Minh, Bướm Xuân (nhạc: Đoàn Trung Hải, lời: Nguyễn Lãm Thắng)…, Mùa Xuân (nhạc: Thanh Anh, thơ: Ngô Liên Hương); mùa hè vui chơi, rảnh rang của tuổi thơ cũng đi vào các ca khúc vui tươi, rạo rực của các nhạc sĩ trẻ như: Hát cùng mùa hè của Nguyễn Ngọc Huy, Mùa hè ơi của Hoàng Lương, Mùa hè vui của Nguyễn Đức… Có những ca khúc phát triển chất liệu âm nhạc dân gian hiếm hoi như: Rồng rắn lên mây Sơn ca ngày mới của Thái Nghĩa, Giúp mẹ (nhạc: Trịnh Tuấn Khanh, thơ: Nguyễn Ngọc Hưng).

Tuyển tập tổng hợp từ các ca khúc nhịp điệu 2/4, 4/4 mạnh mẽ, tươi vui đến các nhịp điệu 3/4, 3/8, 6/8 mênh mang, dàn trải tạo tính chất tương phản đầy cuốn hút. Phần lớn là tác phẩm thuộc thể loại đơn ca, trong đó có tác phẩm thể loại tốp ca vui tươi, sôi nổi. Đây thật sự là thành quả lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy sáng tạo của đội ngũ nhạc sĩ Đà Nẵng và của cả nước qua những chuyến đi thực tế đầy hứng khởi, qua các cuộc thi, qua các trại sáng tác được tổ chức chu đáo, bên cạnh đó còn có những nhạc sĩ lặng lẽ viết tặng tuổi thơ Đà Nẵng với bao tình cảm sâu nặng, trải qua bao đêm trắng suy tư, thao thức cùng bao tứ thơ, giai điệu. Đây cũng là tâm huyết, là trách nhiệm của các nhạc sĩ đối với trẻ thơ trên quê hương, vùng đất nổi tiếng của khúc ruột miền Trung, thành phố bên sông Hàn đang chuyển mình lớn lên từng ngày, đang có sức lôi cuốn bè bạn, du khách gần xa, làm cháy lên khát vọng và cảm hứng sáng tạo không bao giờ tắt trong tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ đối với lứa tuổi thần tiên.

Với 50 ca khúc được tuyển chọn từ hàng trăm tác phẩm về thiếu nhi Đà Nẵng là thành quả đáng trân trọng của các nhạc sĩ, trước những bức xúc về hiện tượng thiếu vắng ca khúc tốt cho thiếu nhi. Hy vọng tuyển tập “Em lớn lên cùng thành phố anh hùng” sẽ được phổ biến rộng rãi đến các trường học, các liên hoan - hội diễn, được các đài phát thanh, truyền hình, các nhà sản xuất băng đĩa và đông đảo công chúng đón nhận, góp phần làm phong phú và khởi sắc hơn đời sống tinh thần của thiếu nhi thành phố Đà Nẵng thân thương, động viên các nhạc sĩ lao động sáng tạo không ngừng để có nhiều ca khúc cho tuổi thơ mới mẻ hơn.

VĂN THU BÍCH

;
.
.
.
.
.