"Bỏ ngỏ" thị trường lao động giúp việc nhà

.

Thị trường người lao động giúp việc nhà tồn tại lâu nay chủ yếu trên yếu tố tự phát. Người lao động và người thuê lao động thường thương lượng công việc, mức lương với nhau bằng lời nói, không có bất kỳ hợp đồng, ràng buộc nào, và khi có vướng mắc nảy sinh, hai bên đều có những thiệt thòi nhất định.

Nhu cầu cần người giúp việc nhà, chăm sóc người già, trẻ nhỏ khá lớn nhưng còn nhiều vấn đề cần quan tâm như đào tạo, mức lương, thỏa thuận lao động. Ảnh: Q.T
Nhu cầu cần người giúp việc nhà, chăm sóc người già, trẻ nhỏ khá lớn nhưng còn nhiều vấn đề cần quan tâm như đào tạo, mức lương, thỏa thuận lao động. Ảnh: Q.T

Khó như… tìm người giúp việc

Nếu như trước đây, chỉ những gia đình có điều kiện mới thuê người giúp việc thì hiện nay, hai vợ chồng làm công chức, có con nhỏ, dù đồng lương còn hạn hẹp nhưng nếu không nhờ đỡ được gia đình thì phần đông đều “chắt bóp” chi tiêu để dành một suất lương thuê người giúp việc.

Chị L.T.T.H (chung cư C2, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bày tỏ, khi con được 6 tháng, chị phải đi làm lại nên không còn cách nào khác là phải thuê người giúp việc, dù lương trả cho giúp việc còn… cao hơn lương của chị.

Tuy vậy, việc tìm người giúp việc khá khó khăn. Sau khi nhờ người quen tìm mãi không được, chị đành nhờ đến trung tâm (TT) cung ứng người giúp việc và chịu phí 700.000 đồng/lần. “Tìm được người đã khó, giữ được họ làm việc lâu dài còn khó khăn hơn. Chưa tròn năm mà tôi phải thuê đến 6 người. Người làm tốt thì đòi tăng lương, về thăm nhà liên tục. Người thì không có kinh nghiệm chăm trẻ. Trong thời gian ở cùng mình thì đi so chỗ này sánh chỗ kia, đi làm đã mệt, về cứ nghe than vãn còn mệt hơn. Nhưng nói thật, không có họ thì không xoay xở được”, chị H. cho biết.

Thông qua giới thiệu, chị N.T.Tr, một công chức, tìm đến trung tâm N.H (trên đường Nguyễn Hữu Dật, quận Hải Châu), để tìm người giúp việc. Nguyện vọng của chị là tìm phụ nữ 45-50 tuổi, quê ngoài Bắc (sẽ hạn chế về thăm quê), siêng năng, tự giác. Và chị cũng tự “lên tinh thần” trước là chỉ cần người giúp việc đáp ứng được 70% là tốt rồi. Nhưng mới làm được vài ngày, chị không khỏi ngạc nhiên về cách nói chuyện của người phụ nữ này. Chị nói một câu, người giúp việc cãi lại 10 câu. Việc nhà thì để đợi nhắc mới làm, chủ nhà nhắc là quay ra “nguýt, háy”, ra chiều khó chịu.

Hầu hết người giúp việc đang làm việc tại Đà Nẵng là phụ nữ ở độ tuổi từ 35 trở lên đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An… và đều chưa được đào tạo về nghề giúp việc. Tuy vậy, nhiều người có nhu cầu thuê người giúp việc thừa nhận, họ không cần những người giúp việc quá… chuyên nghiệp. Họ cần người giúp việc làm việc có tâm, siêng năng, yêu thương gia đình chủ như gia đình mình.

Chị M.T.T (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho rằng, người giúp việc ở lại nhà mình thì cũng như thành viên trong gia đình. Họ đau ốm, mình cũng chăm nom, thuốc thang; họ làm việc, mình cũng xắn tay áo vào làm. Nhưng ngược lại, có những người giúp việc rất… trời ơi. Họ sống kiểu không phải tiền của mình nên không xót, bật bếp ga” để phừng phừng trong khi đứng lặt rau, nấu một bữa cơm mà mở tủ lạnh 20 lần, mỗi lần đứng nhìn ngắm nghía… 3 phút, điện bật không có khái niệm tắt, nước xả tràn cống thoát không kịp...

Người thuê lao động đã vậy, người làm nghề giúp việc nhà cũng nhiều “tâm sự” không kém. Bà N.T.N (47 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) giúp việc cho một gia đình trên đường Morison (quận Sơn Trà) được mấy tháng thì nghỉ, kể: “Lúc đầu theo giao kèo, tôi chỉ trông em bé với lương 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi vào làm thì tôi được giao cả nhiệm vụ nấu ăn, dọn dẹp. Chủ nhà nói tôi phải tranh thủ mỗi khi em bé ngủ thì làm việc nhà, chứ ở không làm chi. Giữ trẻ đã cực nay thêm việc quét dọn, lau căn nhà 3 tầng, tôi làm từ sáng đến tối không hết việc. Tôi đề nghị chủ nhà tăng thêm tiền nhưng họ không chịu. Bức quá nên nghỉ việc”. Bà N. cho biết các nơi mình đến làm đều theo hợp đồng miệng. Mình muốn nghỉ phải báo chủ nhà trước 10 ngày, nửa tháng, còn họ muốn cho mình nghỉ là nghỉ, không muốn nghỉ cũng không được.

Còn khó khăn trong vấn đề quản lý

Nhu cầu thuê người giúp việc nhà khá cao, đặc biệt là ở những gia đình trẻ, gia đình có người già cần chăm sóc, nhưng hiện nay ở Đà Nẵng chỉ có 3 đơn vị Nhà nước cung ứng người giúp việc nhà đó là TT Dịch vụ việc làm của Hội LHPN thành phố, TT dạy nghề thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố và TT Giới thiệu việc làm khu công nghiệp Đà Nẵng. Ngoài ra là các cơ sở tư nhân.

Có thể xem “giúp việc nhà” là một thị trường đang bị bỏ ngỏ khi người sử dụng lao động, người lao động đều không chuyên nghiệp. Theo nhiều người thuê lao động thì hầu hết các TT chỉ tìm người ở các địa phương khác đến rồi đăng thông báo tìm nơi làm việc để nhận tiền chiết khấu mà không có sự đào tạo hay huấn luyện người lao động. Nhiều người lao động cho biết thời gian trung bình họ làm cho mỗi nhà có khi được 2 tháng, và “nhảy” từ nhà này sang nhà kia, nhưng kết cục nhận được là tay nghề, thái độ làm việc có thể vẫn chỉ là con số 0.

Nghị định  27/2014/NĐ-CP quy định rõ, lao động giúp việc gia đình phải được coi là một nghề và xác định là đối tượng mới được điều chỉnh theo Bộ luật Lao động. Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản tới UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động giúp việc gia đình; đồng thời đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc theo quy định. Nghiêm cấm người sử dụng lao động và các thành viên trong hộ gia đình ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; phạt tiền, cắt lương người lao động.

Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH ra đời sau đó đã có hướng dẫn cụ thể về quản lý sử dụng lao động là người giúp việc nhà nhưng cho đến nay, việc quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là… chưa quản lý được.

Nói về những khó khăn trong quản lý đối tượng này, ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Sơn Trà cho biết, người giúp việc gia đình không chỉ làm toàn thời gian mà còn giúp việc theo giờ, họ làm giờ giấc không cố định và thường xuyên thay đổi nơi làm việc, do đó, cán bộ chuyên trách không theo dõi được.

Thứ nữa, cả người lao động và người sử dụng lao động đều chỉ hợp đồng miệng mà không có hợp đồng lao động nên khi xảy ra bất đồng hoặc có vấn đề gì, cơ quan quản lý Nhà nước khó can thiệp để giải quyết. Đại diện Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng thì cho rằng, mặc dù Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH ra đời cùng hàng chục biểu mẫu hướng dẫn thực hiện nhưng một cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH của phường, xã phải cáng đáng rất nhiều đầu việc bao gồm lao động, thương binh, người có công. Như vậy, văn bản, luật để quản lý thì có nhưng nhân viên không có điều kiện để quản lý hết. Tuy nhiên, sắp tới ngành LĐ-TBXH cố gắng tiến tới quản lý tương đối với thị trường lao động này.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.