Để “giữ chân” người lao động (NLĐ), nhiều doanh nghiệp (DN) đã biết đặt lợi ích của NLĐ lên hàng đầu nhằm duy trì sự ổn định, phát triển hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mình.
Dịch vụ du lịch là một trong những ngành có người lao động “nhảy việc” nhiều. Ảnh minh họa: Hướng dẫn viên du lịch thuyết minh tại chùa Linh Ứng, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: V.T.L |
Đầu năm 2016, bốn DN du lịch tại Đà Nẵng gồm: Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, Công ty CP Khách sạn Saigontourane, Công ty TNHH Du lịch - Thương mại Phú An Thịnh, Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt cùng cam kết thực hiện những chính sách chăm lo tốt hơn cho NLĐ qua bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm DN kinh doanh ngành nghề du lịch - dịch vụ.
Thu nhập - thước đo hàng đầu
Theo ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố kiêm trưởng nhóm thương lượng, Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong nhóm 5 địa phương thí điểm về thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp do Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, gồm Đà Nẵng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Bình Dương. Đà Nẵng chọn du lịch và dịch vụ, bởi đây là định hướng phát triển của thành phố. Chủ trương của LĐLĐ thành phố là xây dựng môi trường lao động sao cho NLĐ đến DN như về nhà của mình.
Tuy cùng ngành du lịch, nhưng mỗi đơn vị có chế độ tiền lương, phụ cấp khác nhau. Sau gần 2 năm đàm phán, TƯLĐTT nhóm này mới được ký kết, nhắm đến một mức sàn mà tất cả các DN trong nhóm đều theo được. Ông Nghị cho biết, trong số 24 điều khoản được ký kết của thỏa ước nhóm này có 12 nội dung NLĐ được lợi hơn so với quy định của pháp luật. Cụ thể, Khoản 1, Điều 1: Các DN thực hiện mức lương tối thiểu trả cho NLĐ (chưa qua đào tạo) cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm ít nhất 3,3%. Khoản 2, Điều 1: Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do DN tự đào tạo nghề) phải cao hơn mức lương tối thiểu quy định tại Khoản 1 điều này ít nhất 7%. Điều 14: Phụ cấp bữa ăn giữa ca hỗ trợ hằng tháng cho NLĐ tối thiểu 20.000 đồng…
Sau hơn một năm triển khai thực hiện TƯLĐTT nhóm, đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ tại các đơn vị thành viên đã có thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Viễn Hương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Khách sạn Saigontourane, chưa hẳn những lợi ích do thỏa ước mang lại cho NLĐ đã đủ sức “giữ chân” họ ổn định làm việc tại công ty, bởi những lợi ích trong bản thỏa ước chỉ mới là những lợi ích trên mức cơ bản một ít. “Hiện nay, nhu cầu đời sống của NLĐ ngày càng cao, nhiều khách sạn, khu nghỉ mát, nhà hàng mới ra đời với mức lương chào đón rất hậu hĩnh chắc chắn sẽ làm dao động phần lớn lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch. Và đơn vị chúng tôi cũng không nằm ngoài các khó khăn trên”, bà Hương phân tích.
Chính việc nhận thức phải đối đầu với khả năng sẽ có những lao động có tay nghề, các quản lý có kinh nghiệm sẽ “nhảy việc”, rời bỏ đơn vị đến các cơ sở mới có mức lương hấp dẫn nên Ban lãnh đạo cùng Công đoàn công ty thường xuyên phối hợp nắm bắt tình hình tư tưởng NLĐ, giải quyết kịp thời các đề xuất của NLĐ để nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện điều kiện lao động một cách phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Cùng với đó, bà Hương cho biết thêm, đơn vị đẩy mạnh văn hóa doanh nghiệp giúp NLĐ có niềm tin, sự tự hào vì làm trong một đơn vị luôn coi trọng và đề cao đội ngũ nhân viên. Quan trọng hơn, đơn vị phải tìm mọi giải pháp để tăng hiệu quả kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập của NLĐ.
Bao giờ hết lo người lao động nhảy việc?
TƯLĐTT cũng được các DN tại KCN Hòa Cầm ký kết với mức lương trả cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Để tạo điều kiện cho NLĐ ổn định đời sống, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại đây đã quan tâm hỗ trợ chi phí tiền thuê nhà ở trọ cho công nhân. Cụ thể như, Công ty TNHH Điện tử Foster trợ cấp thuê nhà 200.000 đồng/người/tháng, trợ cấp đi lại 100.000 đồng; Công ty TNHH Yonezawa hỗ trợ 150.000 đồng; Công ty TNHH Associated hỗ trợ 50.000 đồng/tháng…
NLĐ thường lấy thu nhập (lương và phụ cấp) để đo “độ kết dính” của mình đối với DN, nhưng không hiểu tường tận rằng mình đang ở đâu trong sự phát triển của DN. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, đưa ví dụ một số người phàn nàn sao lương công nhân ở các DN sản xuất đồ chơi, may mặc,... quá thấp. Điều này dễ hiểu, bởi lao động có hàm lượng chất xám thấp thì không thể hưởng lương cao như ở các công ty công nghệ cao được; bởi khi chính thức được nhận vào làm việc tại các đơn vị “kén” lao động, NLĐ không chỉ có bằng cấp phù hợp mà còn phải được “thử thách” kỹ năng qua thực tế.
Ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng), dẫn Bộ luật Lao động ban hành từ năm 1994 và được dẫn lại khi sửa đổi luật này vào năm 2012, để chứng minh rằng, sức lao động được coi là một hàng hóa đặc biệt, tiền lương được coi là mức giá của sức lao động và được quyết định bởi sự thỏa thuận giữa hai bên. Cả NLĐ và người sử dụng lao động đều có những quyền cơ bản đảm bảo cho việc tham gia thị trường lao động.
Dịch vụ du lịch là một trong những ngành có NLĐ “nhảy việc” xoành xoạch. Ông Ánh lập danh sách quản lý lao động, nay thấy họ chỗ này, mai đã xuất hiện chỗ khác với mức lương cao hơn. Cách tính bảo hiểm xã hội (BHXH) mới cũng không “bó chân” NLĐ, họ có thể “nhảy việc” nhiều nơi, miễn là ở các nơi đó họ được tham gia đóng BHXH và họ được cộng dồn thời gian tham gia BHXH để tính lương hưu sau này.
Sáng 25-5 vừa qua, tại lớp tập huấn về kỹ năng tổ chức hội nghị NLĐ, thương lượng ký kết TƯLĐTT và đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Đà Nẵng tổ chức, TS. Trần Thị Thanh Hà, Phó ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá bản TƯLĐTT nhóm du lịch - dịch vụ Đà Nẵng là tốt nhất trong 5 bản thỏa ước của 5 địa phương tham gia thí điểm. Tin rằng sẽ có nhiều nhóm khác tham gia ký kết TƯLĐTT để DN không phải lo ngay ngáy chuyện lao động “nhảy việc”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Hoàng Hữu Nghị: Giữ người lao động là giữ phần hồn chứ không nên giữ phần xác. NLĐ một khi coi DN như nhà của mình thì cho dù DN có khó khăn hay thuận lợi họ cũng đều ở lại. Đầu tháng 2 năm nay, khi Nhà máy Ô-tô Trường Hải ở Quảng Nam bị cháy, gây thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng, DN trả tiền lương nghỉ việc tạm thời cho NLĐ, nhưng NLĐ không nhận, họ trả lại để chung tay cùng DN khắc phục sự cố. Theo tôi, có 3 tiêu chí quyết định sự đi hay ở của NLĐ đối với DN: Tổng thu nhập (lương, phụ cấp, hỗ trợ), đời sống tinh thần và môi trường làm việc. Môi trường làm việc ở đây không hẳn là có an toàn lao động hay không mà là thái độ của chủ DN với NLĐ. Nếu giới chủ coi NLĐ như làm thuê thì có thể nhất thời NLĐ “cắn răng” chịu đựng để có thu nhập nuôi sống gia đình. Xác họ ở đó mà hồn thì nghĩ đến một DN nào khác, dù có trả lương thấp hơn nhưng xem họ như người bạn đồng hành thì họ sẽ sẵn sàng chia tay với DN đó ngay. |
VĂN THÀNH LÊ