Kết nối cung - cầu trong đào tạo, tuyển dụng: Cần sự nỗ lực từ hai phía

.

Hiện vẫn chưa có một cơ chế nào để ràng buộc các doanh nghiệp (DN) cung cấp cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực DN cần trong khoảng thời gian ngắn cũng như lâu dài, để các trường, các cơ sở đào tạo nghề căn cứ vào đó đào tạo đúng và trúng, tránh đào tạo dư thừa, mất cân đối. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể dự báo nguồn nhân lực, những ngành nghề sẽ cần cho thị trường lao động trong tương lai… Câu chuyện kết nối cung - cầu trong đào tạo được nhắc đến nhiều nhưng xem ra vẫn khó thực hiện khi nơi đào tạo và nhà tuyển dụng chưa có tiếng nói chung về mặt chiến lược nhân lực.

Các bạn trẻ luôn mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm sau thời gian học tập. Ảnh: H.N
Các bạn trẻ luôn mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm sau thời gian học tập. Ảnh: H.N

Khoảng trống thông tin thị trường lao động

Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán trường ĐH Duy Tân gần 4 năm nhưng H.V, nhân viên một siêu thị trên đường Nguyễn Chí Thanh, bảo rằng từ hồi ra trường đến giờ mình chưa hề dùng đến kiến thức chuyên môn cho công việc. Và V. tìm được công việc bán hàng bây giờ là “khá may mắn vì nhiều bạn cùng khóa phải chấp nhận làm công nhân, có bạn thất nghiệp về quê làm đủ thứ nghề nhưng vẫn phải sống dựa vào bố mẹ”.

Năm H.V vào đại học, kế toán, kiểm toán, tài chính là một trong những ngành “hot”, đi đâu cũng nghe người ta nói đến, “là ngành nghề của tương lai”. Bạn cùng lớp với V. thời phổ thông có hơn mười đứa chọn học ngành này ở các trường đại học. Đang học đến năm thứ 2 thì thông tin việc làm cho ngành tài chính-ngân hàng sẽ trở nên dôi dư trong vài năm nữa khiến V. không biết lựa chọn của mình có đúng không, nhưng cũng đành “ngó lơ” để gắng học cho xong. Và kết quả là V. có hơn một năm thất nghiệp, trước khi tìm được công việc bán hàng hiện nay.  

Những thông tin mang tính dự báo để phục vụ cho việc đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay khá chung chung, không có những tính toán cụ thể giữa cơ sở đào tạo và các DN, khiến cho thị trường lao động trong tương lai như thế nào mang màu sắc cảm tính. Như thông tin về nhân lực của ngành tài chính-ngân hàng khoảng 8 năm trước được đưa ra ồ ạt, nhưng không có con số cụ thể sẽ cần bao nhiêu, cần đến khoảng thời gian nào là đủ, khiến hàng loạt trường đại học công cũng như tư mở rộng số lượng tuyển sinh, mở thêm ngành đào tạo. Và con số dôi dư cuối cùng người học phải gánh chịu, tạo nên sự lãng phí lớn cho gia đình cũng như xã hội.

Những năm gần đây, người cần việc luôn đông hơn đầu việc, nếu đăng thông báo tuyển dụng sẽ có nhiều hồ sơ gửi đến nên nhu cầu nhân lực lâu dài, cần tiêu chí gì thì DN không đưa ra. Và chúng ta được nghe DN “than phiền” về chuyện không tuyển được người, người dự tuyển tay nghề chưa đạt, thiếu nhiều kỹ năng… một cách chung chung. Có lẽ không có sinh viên (SV), học viên nào sau khi học nghề xong có ngay được kinh nghiệm, đã có sự “cọ xát” trong thực tế nếu chưa được trải qua môi trường rèn luyện. Đại diện một số DN cho rằng ứng viên họ phỏng vấn được tại phiên chợ việc làm chỉ đáp ứng khoảng 70% yêu cầu, 30% còn lại họ phải đào tạo lại hoặc mất một thời gian học việc mới có thể tham gia suôn sẻ vào bộ máy của công ty… Những “thiệt thòi” nếu có này của DN đều do lỗi một phần họ không đưa ra yêu cầu cụ thể thì cơ sở đào tạo và người lao động dễ đi theo lối mòn định sẵn, để không phù hợp với A thì phù hợp với B, là mặt trái của đào tạo đại trà, không có địa chỉ cụ thể.

Tham gia cùng các trường đào tạo SV được xem là cách đi mới, là trách nhiệm xã hội của DN hiện nay. Một chuyên viên của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, dây chuyền sản xuất của nhà máy luôn hiện đại hơn phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo, nếu DN không cùng tham gia đào tạo với các trường, không giúp các trường đưa SV đến học, thực tập ngay tại xưởng thì khó có được nguồn lực được đào tạo bài bản.

Tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH về tình hình đào tạo nghề trên địa bàn thành phố vào cuối năm 2016, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, tồn tại lớn nhất của công tác dạy nghề là nhà trường mới dạy cái mình có, chưa dạy cái xã hội cần. Cái xã hội cần chính là thông tin về nhu cầu nguồn lực, là chiến lược nhân sự của mỗi DN. Vì vậy rất cần đẩy mạnh công tác điều tra khảo sát chi tiết, cụ thể về nhu cầu tuyển dụng của DN, cũng như định hướng được xã hội cần nghề gì, trên cơ sở đó mới xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.

Giải bài toán nhân lực

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, cho biết bên cạnh các lớp đào tạo theo chương trình truyền thống với khoảng 200 SV/năm; nhằm tăng cường chất lượng cũng như ngoại ngữ cho SV, từ năm 2011, mỗi năm có 30 SV được đào tạo theo chương trình chất lượng cao Việt - Pháp, 45 SV/năm của chương trình chất lượng cao tiếng Anh (tăng cường tiếng Anh và tiếng Pháp). Từ năm 2015 khoa có thêm chương trình đào tạo theo chuẩn kỹ sư CNTT Nhật Bản với 45 SV/năm (tăng cường tiếng Nhật). Hầu hết SV các chương trình này có việc làm từ năm cuối, tức khi chưa tốt nghiệp. Và với vốn tiếng Nhật được đào tạo suốt 5 năm học, những công ty có vốn đầu tư của Nhật ở Đà Nẵng cũng như các tỉnh thành khác sẵn sàng mời chào nhóm kỹ sư này khi họ tốt nghiệp. Đây là bài toán căn cơ đang được một số trường đại học áp dụng trong chương trình đào tạo chất lượng cao, bởi ngoài kiến thức chuyên môn thì trình độ ngoại ngữ là ưu tiên hàng đầu mà nhiều DN đang cần ở người lao động.

Tại Ngày hội việc làm do Trường ĐH Bách khoa tổ chức mới đây, thu hút hơn 3.000 SV đến từ các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng và một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố, có 10 DN phỏng vấn 750 vị trí việc làm ở các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, điện… Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động thường niên với mục đích nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ nhận thức về cơ hội nghề nghiệp, bồi dưỡng và phát triển năng lực, đào tạo, huấn luyện kỹ năng mềm cho SV. Nói như GS.TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng nhà trường: “Ngày hội việc làm là hoạt động cầu nối giữa SV và các nhà tuyển dụng, đồng thời thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của nhà trường trong hợp tác với DN nhằm góp phần giải quyết việc làm cho SV chuẩn bị tốt nghiệp ra trường vào tháng 6-2017 sắp tới”.

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc khu vực miền Trung trường Hướng nghiệp Á Âu, cho biết năm 2017 là năm “thịnh vượng” nhất từ trước đến nay của ngành du lịch Đà Nẵng khi nhiều lễ hội được tổ chức, cuối năm nay là Tuần lễ Cấp cao APEC tác động khiến lượng khách tăng đột biến. Và cái khó của ngành du lịch hiện nay là cầu vượt cung (các cơ sở đào tạo chỉ có thể đáp ứng được hơn 50% nhu cầu cả vị trí thấp cũng như vị trí cấp cao). Với khoảng 500 học viên được đào tạo trong suốt 5 tháng qua, gần 100% học viên của Á Âu có việc làm ổn định. Ngoài ra đơn vị này cũng tham gia cung ứng lao động ngành du lịch cho SV các trường khác, với con số khoảng 120 ứng viên các vị trí trong tháng 4 và gần 200 ứng viên trong tháng 5. Ông Lập cho rằng ngoài việc “bảo hành chất lượng” đội ngũ SV do Á Âu đào tạo, thì việc trường đàm phán trực tiếp để có mức lương khởi điểm tốt cho người lao động (cao hơn 600.000-700.000 đồng/vị trí so với trước đây) cũng là tiêu chí để lao động trong ngành du lịch ở Đà Nẵng có thu nhập tốt hơn, giữ chân họ làm việc lâu dài.

Giải quyết độ “vênh” giữa cung và cầu

TS. Nguyễn Thanh Hội, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng, cho biết từ tháng 3-2016 đến nay trường nhận đào tạo nâng bậc ngắn hạn cho 118 học viên đến từ nhiều công ty thuộc ngành hóa, nhiệt và vệ sinh thực phẩm. Việc bồi dưỡng đội ngũ để nâng bậc nghề chứng tỏ đây là một trong những địa chỉ có uy tín trong đào tạo. Chuyện “đào tạo theo đơn đặt hàng” dù có một số DN đề cập đến với nhà trường, nhưng vẫn là câu chuyện bên lề khi DN không xúc tiến được. “Đa số DN chưa có kế hoạch cụ thể. Các trường vẫn giữ vai trò là địa chỉ để DN đến tìm SV phỏng vấn tuyển dụng. Nếu họ có chiến lược nhân sự cho 2-3 năm sau thì các trường sẵn sàng linh động đào tạo cái họ cần. Còn hiện nay chúng tôi phải đào tạo nền, cơ bản, để SV có thể đáp ứng bất kỳ DN nào”.  

Hiện nay mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và DN đã được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, mối quan hệ này vẫn lỏng lẻo, mang tính tự phát, tình cảm nhiều hơn là mang tính pháp lý, trách nhiệm. Các cơ sở dạy nghề chưa có được thông tin đầy đủ từ DN về nhu cầu cụ thể về số lượng, về cơ cấu ngành nghề, về kỹ năng DN cần có cho mỗi nghề. Ngược lại, DN chưa có đầy đủ thông tin về năng lực đào tạo của nhà trường. Chính vì vậy, luôn có độ “vênh” giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực. Giải quyết được hai vấn đề này, nguồn nhân lực được đào tạo và cơ hội việc làm do phía DN tạo ra được gặp nhau, thì người lao động mới thực sự thấy việc bỏ công sức học hành của mình là đúng.

Mới đây, tập đoàn Empire và 5 trường: ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng),  ĐH Đông Á, ĐH Duy Tân, CĐ Pegasus, CĐ Việt Úc (Đà Nẵng) cùng ký bản thỏa thuận liên kết hỗ trợ và phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, thực tập, học việc, tuyển dụng, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên; giải quyết vấn đề khan hiếm nhân sự chất lượng cao. Đây là lần đầu tiên ở Đà Nẵng một DN công bố chiến lược nhân sự và kế hoạch tuyển dụng sau khi dự án chính thức vận hành. Ngay sau đó Empire tổ chức Ngày hội tuyển dụng tại Cocobay Đà Nẵng với quy mô tuyển dụng 2.000 người nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự của dự án trong giai đoạn I và công bố  sẽ tạo thêm 10.000 việc làm cho thị trường lao động miền Trung đến năm 2020.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.