Được triển khai từ năm 2010 đến nay, đề án Đào tạo nghề lao động nông thôn thu được hiệu quả bước đầu khi tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn tăng lên đáng kể, nhiều nông dân chuyển đổi ngành nghề hiệu quả, cho thu nhập cao hơn trước. Tuy nhiên người tham gia đề án vẫn chủ yếu là lao động lớn tuổi, người dưới 40 tuổi vẫn chưa quan tâm đến đề án đào tạo nghề miễn phí này.
Sau khóa học sơ cấp về nuôi trồng thủy sản, nhiều nông dân xã Hòa Khương đầu tư nuôi cá nước ngọt. Ảnh: H.A |
Nghề nông nghiệp chiếm ưu thế
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, trong 5 năm từ 2011-2015, có hơn 6.000 người được đào tạo nghề, số có việc làm chiếm hơn 82%, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Đề án đào tạo nghề được triển khai khi diện tích đất sản xuất của nông dân bị thu hồi bởi các dự án công nghiệp hay phát triển cơ sở hạ tầng, hoặc sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả thấp. Sau một thời gian các lớp học nghề, dạy nghề mở ra, trên địa bàn huyện Hòa Vang đã hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất hoa cây cảnh, nấm, thủy sản ở các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Châu và Hòa Bắc.
Ông Thi Lý Thọ (50 tuổi, thôn Dương Lâm 2, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Gò Giảng, xã Hòa Phong) nhớ lại, trước đây, vùng đất Gò Giảng khô cằn, không sản xuất được, đến gieo cây sắn cũng không đem lại hiệu quả kinh tế. Từ ngày lớp học trồng hoa được đưa về dạy tại xã, hơn 30 người dân đã tham gia lớp học. Sau 4 tháng, theo nguyện vọng của bà con, UBND xã Hòa Phong thành lập HTX hoa Gò Giảng với khoảng 31 hộ (hiện tại còn 22 hộ) trồng chủ yếu các loại hoa cúc chậu, vạn thọ và sắp tới là hoa trang trí như ly, lay ơn... “Trước đây, chúng tôi trồng lúa mỗi sào thu được 3 triệu đồng. Từ ngày chuyển qua trồng hoa, 1 sào tôi thu được từ 40-50 triệu đồng, tức là gấp 10 lần”, ông Thọ nói.
Nếu Hòa Phong “nổi lên” các HTX hoa, nấm thì ở xã Hòa Khương là các mô hình nuôi cá nước ngọt. Ông Phan Công Tích (thôn Phú Sơn 2) kể, năm 2014, ông cùng gần 40 người dân trên địa bàn tham gia lớp học nuôi cá. Mặc dù trước đây, rải rác một số hộ dân cũng nuôi cá nước ngọt nhưng không đem lại hiệu quả do cá bệnh chết nhiều. Từ ngày tham gia lớp học, đa số học viên đều về đào ao thả cá tại nhà. Trước đây, mỗi con cá bệnh là họ đi mua hết thuốc này đến thuốc kia chữa, giờ đây, họ biết được rõ nguyên nhân, từ đó có cách xử lý ngay, không để cá lây bệnh cho cả ao. Với những lớp học chăn nuôi thì cung cấp cho người dân kiến thức để tự xử lý khi gà, heo bị bệnh, tránh để lan thành dịch... “Riêng thôn Phú Sơn 2 hiện có hơn 60 hộ nuôi cá, chủ yếu là cá trê phi. Ngoài lớp học sơ cấp 4 tháng trước đây, hiện tại, năm nào chúng tôi cũng đi tập huấn từ 3-4 lần cho nên có thể nói, kỹ thuật nuôi chúng tôi đã nắm “trong lòng bàn tay”, giờ chỉ lo đầu ra thôi”, ông Tích nói.
Nếu như các lớp học nghề nông nghiệp được người nông dân đón nhận bởi những kiến thức về khoa học kỹ thuật giúp ích rất nhiều cho họ trong canh tác, nuôi trồng thì các lớp học nghề dịch vụ (nấu ăn, phục vụ nhà hàng) lại đang gặp khó. Dù cán bộ địa phương đến từng thôn, xã để chiêu sinh, vận động người dân đi học nghề nhưng người lao động ít mặn mà. Rất nhiều lần các lớp học vì chiêu sinh không đủ thành viên đành phải bỏ dở hoặc ghép đi học với các lớp học nghề tại các trung tâm dạy nghề dưới thành phố. Lý giải nghịch lý dù được học nghề miễn phí nhưng cán bộ phải đến tận nhà “năn nỉ” người lao động, ông Trần Văn Liên, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang cho biết, thứ nhất, việc trải qua lớp học sơ cấp 3 tháng (dù có được hỗ trợ phí xăng xe) nhưng xem như người dân mất thu nhập trong 3 tháng ròng đủ khiến người ta ngần ngại. Thứ hai, đề án chỉ đào tạo nghề sơ cấp nên tay nghề người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thường sau khi được nhận vào, doanh nghiệp sẽ tiến hành đào tạo lại khiến thời gian thử việc kéo dài, người lao động nản. Do đó, họ chọn cách không tham gia khóa học mà vào thẳng doanh nghiệp làm việc và được đào tạo. Tuy nhiên, người dân không hiểu rằng, khi tham gia khóa sơ cấp nghề, họ sẽ được cấp chứng chỉ, còn nếu vào thẳng doanh nghiệp thì chỉ làm mà không có chứng nhận. Nếu sau này nghỉ việc, muốn xin qua nơi khác làm họ phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu.
Người lao động cần thêm sự hỗ trợ
Trung bình mỗi năm Đà Nẵng chi 2 tỷ đồng cho chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Trần Văn Liên cho biết, hằng năm, trên cơ sở đề xuất của địa phương, thành phố sẽ mở các lớp học phù hợp. Tuy nhiên, để người lao động yên tâm theo học đến cùng thì chính sách hỗ trợ học nghề cần có nhiều thay đổi. Như cần nâng mức trợ cấp cho người đi học, hỗ trợ vốn sau khi học để họ xây dựng mô hình làm ăn phù hợp với kiến thức đã có, như vậy đề án mới có sức lan tỏa. Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho biết, bên cạnh các lớp học nghề nông nghiệp, một trong những lớp học nghề của đề án nhận được sự quan tâm của người lao động địa phương đó là lớp học nấu ăn. Tuy vậy, chỉ một số ít người dân có điều kiện về kinh tế để mở dịch vụ nấu ăn phục vụ đám tiệc, số còn lại chỉ học để... cho biết vì không có vốn. Do vậy, để đánh giá hiệu quả đề án, thì không chỉ căn cứ vào số lượng học viên được chiêu sinh mà phải căn cứ vào việc người dân học xong có được giải quyết việc làm theo ngành nghề đào tạo, có tăng thu nhập không...
Riêng trên địa bàn 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc (trong đó 3 thôn có người Cơ tu sinh sống), nhận thấy nghề nấu rượu cần truyền thống của bà con dân tộc mai một, năm 2013, với kinh phí từ đề án, gần 20 người dân Cơ tu được tạo điều kiện để lên các tỉnh Tây Nguyên học lại nghề. Những ngày đầu hăm hở, một số người dân đi học về cũng mở lò nấu rượu, nhưng cho đến nay, chỉ còn một hộ duy trì. Hiện tại, đa số người dân tộc Cơ tu vẫn chủ yếu sống dựa vào lâm nghiệp. Làm thế nào để thay đổi cách tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động là công việc đang khiến ngành
LĐ-TB&XH Hòa Vang trăn trở.
Trong giai đoạn từ 2010-2016, Đề án đào tạo nghề nông thôn đã đào tạo nghề cho 6.555 lao động, trong đó có 1.817 lao động các ngành nghề nông nghiệp, 4.738 lao động ngành nghề phi nông nghiệp. Sau khi tham gia đề án, 5.824 lao động có việc làm. Trong đó, 1.829 lao động được doanh nghiệp tiếp nhận (chiếm 31,41%), 3.668 lao động tự tạo việc làm (chiếm 62,98%), 327 lao động tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã (chiếm 5,61%). Nguồn : Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng |
HẢI ÂU