Kỹ năng cho trẻ: Không chỉ một mùa hè

.

Việc phụ huynh cho con em đi học những lớp kỹ năng sống dịp hè giờ đây không còn mới. Họ kỳ vọng con cái sẽ có những trải nghiệm mới ngoài trường học, sách vở, mong con tự tin, trưởng thành hơn. Song, học kỹ năng như thế nào thì đúng, đủ; trẻ sẽ được gì sau một, hai khóa học là chuyện không dễ tìm câu trả lời.

Các học viên khóa “Tôi xuất sắc” đang theo học tại Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống Đồng Đội thích thú trải nghiệm thực tế với việc tham gia bán hàng tại các quán cà-phê.Ảnh: T.T
Các học viên khóa “Tôi xuất sắc” đang theo học tại Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống Đồng Đội thích thú trải nghiệm thực tế với việc tham gia bán hàng tại các quán cà-phê.Ảnh: T.T

Niềm vui con trẻ, kỳ vọng của cha mẹ

Theo chân một buổi đi thực tế khóa học kỹ năng “Tôi xuất sắc” của Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống Đồng Đội(*) có thể cảm nhận được niềm vui, sự thích thú của các bé (từ 6-12 tuổi) khi được làm những việc trước nay các em chưa từng như dọn vệ sinh chợ, tự đi mua đồ về bán để làm từ thiện, tự đi chợ nấu cơm cùng ăn với bạn bè…

“Em rất thích đi bán hàng, so với ngồi trong lớp học, đi ở ngoài thế này thích hơn nhiều”, Lê Hà Thiên Bảo (11 tuổi, trú đường Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê) hồ hởi nói, vừa khoe giỏ kẹo mút trên tay đã vơi đi phân nửa (sau khi rao bán tại một quán cà-phê trên đường Lê Thanh Nghị). Thiên Bảo cho biết, em mong bán được thật nhiều tiền để mua nhiều quà cho các bệnh nhân ung bướu và em rất háo hức chờ ngày được xuống Bệnh viện Ung bướu tự tay trao những phần quà động viên các bệnh nhân ở đây.

Tại nhóm làm vệ sinh (tại chợ Đầu mối Hòa Cường), một nhóm 5 bạn nhỏ cũng đang cật lực quét rác tại khu bán trái cây. Mồ hôi nhễ nhại khắp mặt, lưng, song, Phùng Nguyễn Gia Thịnh (8 tuổi) vẫn hớn hở: “Quét rác không mệt chút nào cô ơi, rất vui nữa ạ.

Các bà, các cô ở chợ khen tụi con giỏi, ngoan, còn cho tụi con quà nữa”. Thầy Lê Văn Quý, huấn luyện viên kỹ năng của Trung tâm cho biết, khóa học “Tôi xuất sắc” kéo dài 7 ngày. Tại đây, các học viên sẽ được học các kỹ năng giao tiếp lễ phép, tự tin, kỹ năng thuyết phục, làm việc nhà, sinh hoạt nhóm… Thời lượng đi thực tế, dã ngoại và học lý thuyết là 50/50, nghĩa là, mỗi ngày học, các bé sẽ được học lý thuyết, thực hành một số kỹ năng trong nhà vào buổi sáng, còn buổi chiều (từ 15 – 18 giờ) sẽ là các buổi đi trải nghiệm ngoài trời như dọn vệ sinh, làm công ích… Đặc biệt, kết thúc mỗi khóa học, các em sẽ có một buổi đi bán hàng làm từ thiện ý nghĩa.

Tại Đà Nẵng, các khóa Học kỳ quân đội do Thành Đoàn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố mở ra trong dịp hè nhằm mục đích giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống và được hưởng ứng khá rầm rộ những năm gần đây. Trải qua 9 năm tổ chức, khóa học kỳ quân đội năm nay tiếp tục thu hút 121 học viên nhí tham gia. Học kỳ quân đội được cho là nơi rèn luyện cho các học viên nhí thói quen nền nếp, ý thức kỷ luật, ý chí vượt khó… Đồng thời, một điều rất quan trọng được nhiều bậc phụ huynh ghi nhận sau khi cho con em theo học khóa học kỳ quân đội, là khóa học giúp các học viên biết trân trọng hơn tình cảm gia đình, sau chuỗi ngày rời khỏi vòng tay cha mẹ, sống tách biệt trong môi trường quân đội.

Từ khi chuyển về địa chỉ mới, số lượng học viên đăng ký học các lớp năng khiếu, kỹ năng sống tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng tăng vọt. Năm nay, riêng môn kỹ năng sống, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng mở đến 3 lớp (trước kia chỉ 1 lớp), mỗi lớp có từ 32-35 bé theo học. Chưa phải là tất cả, song, những con số tại một số trung tâm huấn luyện kỹ năng uy tín trên cho thấy, nhu cầu học kỹ năng sống hiện là rất lớn.

Theo chia sẻ của nhiều bậc phụ huynh, việc họ cho con tham gia các khóa kỹ năng sống với mong muốn con có thể thay đổi lối sống, tự tin phát huy được những sở trường… Song, không phải phụ huynh nào cũng thỏa mãn kỳ vọng mà ngược lại, điều họ nhận được chỉ là những thay đổi tích cực mang tính “tức thời” của con em mình. “Bé nhà tôi đã tham gia một khóa học kỳ quân đội, một khóa kỹ năng sống vào mùa hè năm ngoái. Thời gian đầu, phải nói tôi rất mừng vì những thay đổi của con, nhưng chỉ được vài ba tháng thì đâu vẫn hoàn đó”, chị Nguyễn Thùy Mai (quận Hải Châu) chia sẻ.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đồng Xuân Tứ - người sáng lập, Giám đốc Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống Đồng Đội cho rằng, nếu phụ huynh hy vọng con học một khóa kỹ năng sống vào dịp hè mà có thể thay đổi toàn diện, tuyệt đối là điều không thể. Vì bản chất kỹ năng sống là môn học thay đổi từ nhận thức cho đến hành vi, cảm xúc, vì vậy cần cả một quá trình lâu dài. Sự tác động tại các lớp kỹ năng trẻ thường chỉ kéo dài một tuần, mười, mười lăm ngày, chỉ có thể thay đổi ý thức và một số thói quen, cách nghĩ, nhưng sau đó, trở về với gia đình, trong vòng tay bảo bọc, cưng nựng của cha mẹ, ông bà, phụ huynh không tác động thì những kỹ năng đã học được của con sẽ nhạt dần. Cũng theo ông Tứ, tâm lý chung của phụ huynh Đà Nẵng còn khá dè chừng, thường họ chỉ cho con tham gia một khóa học, hiếm phụ huynh cho con em đi học các khóa liên tiếp, nâng cao để khắc sâu. Ngoài ra, để kèm cặp con, phụ huynh cũng cần được học những kỹ năng cơ bản, song các lớp học kỹ năng tại Đà Nẵng dành cho phụ huynh không ai mặn mà. Vì vậy, việc dạy và học khó đạt hiệu quả mong muốn.

Khó kiểm soát chất lượng

Nắm bắt nhu cầu học kỹ năng sống dịp hè, hiện không khó để các bậc phụ huynh tìm địa chỉ để gửi gắm con em. Rất nhiều trung tâm huấn luyện kỹ năng sống được thành lập. Riêng đường Lê Thanh Nghị có đến 3 trung tâm huấn luyện kỹ năng sống. Để thu hút học viên, hầu hết các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn đều mở kèm môn học kỹ năng. Thông tin chi tiết về khóa học, học phí cũng được mở ra chỉ sau một thao tác tìm kiếm từ khóa “lớp học kỹ năng sống” trên mạng, và chỉ cần một cuộc điện thoại là phụ huynh có thể hoàn tất việc đăng ký một lớp học kỹ năng sống cho con em mình.

Có rất nhiều trung tâm huấn luyện kỹ năng, song để tìm một địa chỉ đáng tin cậy là điều không dễ dàng. “Tôi đã đến khá nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống để tìm hiểu, tất cả đều đưa ra những chương trình học hoành tráng, hấp dẫn, nhưng khi hỏi về giáo viên giảng dạy và phương pháp học đều nhận được câu trả lời khá chung chung, na ná nhau, kiểu như “ở đây chúng tôi tập hợp những phương pháp dạy kỹ năng tiên tiến nhất”...”, chị Trần Tuyết Lan (quận Thanh Khê) thổ lộ. Tìm hiểu tại một số trường tiểu học được giao thí điểm mở các lớp dạy kỹ năng sống như tiểu học Núi Thành, tiểu học Phù Đổng…, nguyên nhân các lớp học kỹ năng sống tại đây không thể tiếp tục duy trì xuất phát từ tâm lý chưa tin tưởng của các bậc phụ huynh về chất lượng giáo viên kỹ năng. Do phải “chạy sô” nhiều nơi nên các giáo viên kỹ năng tại các lớp liên tục được thay mới và ngày càng “trẻ hóa”. Phần lớn đều là những sinh viên sư phạm tâm lý vừa tốt nghiệp nên kinh nghiệm chưa nhiều. Mặt khác, chương trình học kỹ năng thường lặp đi lặp lại, ít đổi mới nên các bé thường chỉ hứng thú khóa học đầu tiên, qua kỳ thứ 2, thứ 3 thì bắt đầu chán…

Theo các chuyên gia, trước khi cho con đi học kỹ năng sống, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ lưỡng về nội dung, mục tiêu chương trình học, những trải nghiệm cụ thể của con em, chất lượng giáo viên giảng dạy… Đặc biệt, phụ huynh không nên chỉ dựa vào những quảng cáo trên Internet, bởi công nghệ quảng cáo hiện nay rất dễ gây choáng ngợp. Phụ huynh nên tìm đến những trung tâm chuyên dạy kỹ năng sống thay vì đến những nơi kỹ năng sống chỉ là một môn học kèm.

Có thể nói, việc tổ chức các khóa học kỹ năng sống nói chung hiện nay rất đa dạng. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Tất nhiên, nhược điểm không ai dại “vạch áo cho người xem lưng”. Vì vậy, phụ huynh cần tỉnh táo lựa chọn. Và dù là phương pháp nào thì các khóa học vẫn chỉ mang tính chất hỗ trợ. Quyết định việc thành công hay không trong giáo dục con trẻ luôn nằm ở mức độ quan tâm, tình yêu thương, lòng kiên trì và cách sống, thói quen sống hằng ngày của ông bà cha mẹ, rộng hơn nữa là môi trường sống lành mạnh dành cho trẻ, ông Đồng Xuân Tứ nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày. Kỹ năng sống được chia thành hai loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với 10 yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận và phê phán, cách quyết định, giao tiếp hiệu quả và cách thương thuyết…

THANH TÂN


(* ) Đơn vị duy nhất được Sở Giáo dục-Đào tạo TP. Đà Nẵng cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường học và các hoạt động giáo dục kỹ năng ngoài giờ chính khóa từ bậc mầm non đến đại học.

;
.
.
.
.
.