Mùa của tuổi thơ

.

Mùa hạ là mùa của tuổi thơ. Nhà thơ Xuân Tâm đất Điện Bàn khi còn là cậu bé đã cùng chúng bạn bỏ lại sách vở sau lưng tung tăng nhảy chân sáo trên mảnh đất làng quê mình, hẳn không nghĩ rằng sự hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ ngày đó về sau trở thành thi hứng để ông viết bài “Nghỉ hè” đăng trong tập thơ Lời chim non xuất bản gần 80 năm trước.

Trường tiểu học Ngô Quyền xây dựng cảnh quan sư phạm thân thiện với học sinh, tạo nền cho các hoạt động hè ở trường diễn ra tươi vui, bổ ích. Ảnh: V.T.L
Trường tiểu học Ngô Quyền xây dựng cảnh quan sư phạm thân thiện với học sinh, tạo nền cho các hoạt động hè ở trường diễn ra tươi vui, bổ ích. Ảnh: V.T.L

Rất nhiều thế hệ người Việt nhớ nằm lòng khổ đầu của bài thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Bạn đường và sau đó được chọn vào sách giáo khoa văn cấp tiểu học: “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ. Thời gian trôi qua, hình ảnh “mùa xuân trong mùa hạ” trong thơ của Xuân Tâm đã phai nhạt dần so với cuộc sống đương đại. Giờ đây, khi con kết thúc năm học, nhiều bậc cha mẹ muốn cho con có được “chín mươi ngày nhảy nhót ở vùng quê” e cũng khó.

Hè về, cùng với các bậc phụ huynh, các cơ quan, đoàn thể cũng mong muốn tìm lại cho các em một mùa tuổi thơ đúng nghĩa.

Thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, là một trong những địa phương còn giữ được phong cảnh thiên nhiên của làng quê trên địa bàn huyện Hòa Vang, rất thích hợp cho tuổi thơ “nhảy nhót” ngày hè. Chị Trần Trương Thi, Bí thư Chi đoàn thôn Quang Châu, cho biết hè năm nay đơn vị lập kế hoạch gồm nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng dành cho học sinh các nơi về địa phương sinh hoạt hè; trong đó đình đám nhất là cuộc thi làm và thả diều, diễn ra từ 19 đến 24-6.

Gần 50 em được chia làm 3 đến 4 đội, tập trung về nhà văn hóa thôn. Ban Chấp hành Chi đoàn cấp giấy, các em mang đến vật liệu, dụng cụ làm diều như: thanh tre, dây cước, hồ dán, màu vẽ... Ban giám khảo chấm điểm, chọn ra những con diều đẹp. Sau đó, tất cả từ phụ huynh đến “thí sinh” tập hợp tại sân vận động thôn, các em chơi trò chơi nhỏ và thả ước mơ tuổi thơ của mình bay lên trời xanh qua những cánh diều nhiều sắc màu, kiểu dáng. Tháng 7, Chi đoàn tiếp tục tổ chức làm thiệp tri ân người lính. Các em sẽ được cung cấp giấy bìa, giấy màu, để thỏa sức trổ tài dán, vẽ cho ra những tấm thiệp đẹp, ý nghĩa. Mỗi em viết một bài viết ngắn, tới ngày thi sẽ vừa giới thiệu thiệp, vừa thuyết minh. Hoạt động này sẽ vừa giúp các em bồi dưỡng năng khiếu vừa giáo dục các em tinh thần tri ân những người lính ngày đêm giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc. Tháng 8, học sinh tiểu học trong thôn lại được tham gia giải bóng đá mi-ni dành cho lứa tuổi mình.

Chị Thi kể, nghe nói đến các hoạt động của Chi đoàn thôn, một số phụ huynh lâu nay cho con đi học ở xa, hay một số ở phố về quê cũng đưa con đến sinh hoạt hè.

Ông Trần Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo hoạt động hè xã Hòa Châu nhận xét: Chi đoàn thôn Quang Châu là một đơn vị mạnh, hè năm nào cũng tổ chức cho học sinh trong thôn nhiều hoạt động sôi nổi, giúp các em có được một mùa hè vui tươi, bổ ích.  

Xã Hòa Phước đang diễn ra thi đấu các nội dung trong khuôn khổ Đại hội Thể dục - Thể thao xã. Ông Lê Viết Tân, cán bộ văn hóa - thể thao xã cho biết, trong đó có hai nội dung dành cho học sinh tiểu học là điền kinh và cờ tướng. Các em tham gia điền kinh chỉ mang tính chất thử nghiệm, vì sức lực của học sinh tiểu học không thể đọ lại với học sinh THCS, THPT. Riêng 4 em tham gia giải cờ tướng là học sinh 2 trường tiểu học trên địa bàn xã, các em có năng khiếu cờ tướng nên được trường cử đi dự thi. “Đây là các nhân tố đầy tiềm năng, địa phương và nhà trường sẽ phối hợp bồi dưỡng để các em tiếp tục thi cấp huyện, cấp thành phố (nếu đạt). Dù kết quả mang lại như thế nào thì đó cũng là niềm động viên, khuyến khích để phong trào thể dục - thể thao tạo nên một sân chơi cho các em mỗi khi vào hè”, ông Tân bày tỏ.

Bắt đầu từ hè năm ngoái, sau khi Sở GD&ĐT Đà Nẵng đề xuất, UBND thành phố đã ký quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố. Theo đó, kể từ năm học 2016-2017, học sinh, giáo viên Đà Nẵng sẽ được nghỉ hè trọn vẹn đủ 3 tháng. Cùng với đó, ngành Giáo dục Đà Nẵng đã đưa ra đề xuất mở cửa trường học trong dịp hè. Tất cả trường học (trừ mầm non) sẽ mở cửa, các thư viện, khu thể thao để người dân và học sinh có thể vào vui chơi, đọc sách, tập thể thao trong khuôn viên trường.

Các trường, như Trường tiểu học Ngô Quyền, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, cử cán bộ trực để phục vụ người dân và học sinh. Thư viện mở cửa suốt tuần, kể cả Chủ nhật. Theo cô Hiệu trưởng Đặng Thị Thùy Liên, thứ ba hằng tuần các đơn vị luân phiên tổ chức cho học sinh rèn kỹ năng sống. Các thành viên đến từ Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống Đồng Đội tổ chức cho các em nối ghép tranh, chơi các trò chơi dân gian và hiện đại. Đoàn phường Khuê Trung chia học sinh ra 4 nhóm tùy theo lứa tuổi, mỗi nhóm chơi một trò riêng. Đoàn trường tổ chức cho các em từ lớp 1 đến lớp 3 vui chơi ngoài sân trường; lớp 4, lớp 5 thi Rung chuông vàng, Đố vui để học trong hội trường. Trường tiểu học Ngô Quyền từ khi dời từ ngã tư Cẩm Lệ về đường Lương Định Của đã xây dựng cảnh quan sư phạm thân thiện với học sinh, tạo nền cho các hoạt động hè ở trường diễn ra tươi vui, bổ ích.

Hè về, nếu có một số học sinh bỏ quyển sách cũ, ôm quyển sách mới và tiếp tục... đi học thì số đông còn lại vẫn đi tìm cho mình một mùa hè cho tuổi thơ êm đềm, nhiều kỷ niệm. Bởi lẽ, nhiều mùa hè đi qua trong đời người, nhưng chỉ những mùa hè tuổi thơ mới để lại trong ký ức con người những dấu ấn khó phai mờ nhất.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.