Tháng 10-2015, tại căn nhà số 78 Châu Thượng Văn, Đà Nẵng, có một cuộc gặp bất ngờ. Người đàn ông tóc điểm bạc tuổi 70 cứ ôm lấy Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thời mà khóc. Trong niềm xúc động, vị khách lạ tự giới thiệu là Trương Duy Thái, chiến sĩ được má tặng chiếc võng vải dù 50 năm trước…
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thời (hàng đầu, bên trái) và CCB Trương Duy Thái (ngoài cùng bên trái, hàng đứng) tại Đà Nẵng (2015). Ảnh: Gia đình cung cấp |
Lần theo câu chuyện kể của những người thân gia đình má Thời, và theo địa chỉ giới thiệu của gia đình má, chúng tôi tìm đến số nhà 351 A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội tìm gặp người cựu chiến binh (CCB) Trương Duy Thái. Giã từ quân ngũ và ra làm việc bên ngoài từ rất lâu, nhưng với ông những tháng ngày cầm súng luôn khắc khoải không nguôi. Trong câu chuyện, nhiều lần ông lại thổn thức khi nhớ đến sự hy sinh vĩ đại của các bà má xứ Quảng.
Từ Bắc hành quân vào Mặt trận 44 Quảng Đà, người lính trẻ không tưởng tượng hết sự khốc liệt của cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước. Đánh giặc liên miên, mọi tài sản của người lính đều trên ba lô. Mảnh khảnh thư sinh nhưng lúc nào lưng cũng trĩu xuống khi mang vác trên 30kg quân tư trang, súng đạn, lương thực. Riêng anh còn có khẩu trung liên RPD và đôi khi có cả thùng thiếc mắm cái. Trái tim sục sôi máu nóng, mọi vất vả hầu như không cản được bước chân tuổi trẻ. Anh không thể nào quên lúc đơn vị hành quân qua một làng quê địch vừa tàn sát, nhà cửa đồng bào bị đốt sạch. Một bà má gầy guộc bên cột nhà cháy còng lưng nhặt từng hạt thóc giống vương vãi để giữ cho mùa sau. Chính hình ảnh ấy càng thúc giục các anh đạp bằng mọi gian lao, chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Đến năm 1967, tình hình khó khăn hơn. Lúc này đơn vị chiến đấu địa bàn ven huyện Quế Sơn, Đại Lộc. Địch phong tỏa mọi ngả đường nên nguồn lương thực, thực phẩm trên tiếp tế về không đến được. Tất cả dựa vào dân. Mỗi đợt, đơn vị lại phân công chiến sĩ về các làng mua hoặc xin gạo, đủ thì rút ngay, nếu không chờ đến vài ngày. Một đêm, trung đội anh Thái từ căn cứ Đồng Làng đi qua chợ Phú Thuận. Đây là vùng tranh chấp, không hiếm lần địch đưa quân càn quét nhưng người dân vẫn một lòng theo cách mạng. Cán bộ đưa anh và các chiến sĩ Bảo, Ưỡng đến nhà má Thời, một gia đình có 7 người con. Chồng má và người con trai đã “nhảy núi”. Vừa thấy anh với khối hàng đồ sộ trên người, má đã kêu lên: “Trời, mày cõng chừng này thứ thì làm sao đi nổi hả con?”. Má giúp anh đặt ba lô xuống đất. Nhìn chiếc võng và cả tấm tăng bọc dày cộm đến vài ký, má nói: “Để kiếm cho con cái khác chứ cái này nặng quá”. Ba ngày ở nhà má là những ngày thần tiên. Má bắt gà làm mì Quảng, rồi mua đường tán về nấu chè đậu đen. Với kiến thức đã hết cấp 3, anh tranh thủ bày toán cho những đứa con của má. Biết anh cùng tuổi con trai mình nên má càng yêu thương. Ngày anh đi, má đưa cho anh một chiếc võng và tấm bọc bằng ni-lon màu trắng rất mỏng nhưng chắc chắn vô cùng. Điều anh thích nhất là nó nhẹ bâng, có thể cuộn tròn, giắt ngay thắt lưng chứ không phải cõng trên ba lô cồng kềnh như loại đơn vị cấp. Chiếc võng và tấm bọc này má lấy từ miếng dù pháo sáng của Mỹ và tẩn mẩn hằng đêm may từng đường kim mũi chỉ mà thành.
Chính tấm võng của má đã cứu mạng chàng trai Hà Nội. Vài tháng sau, làm trinh sát ở khu vực đèo Đá Trắng, đang trèo lên cây cao quan sát máy bay thì anh bị pháo chụp của địch hất tung bất tỉnh, máu tuôn xối xả. Trên người lúc này chỉ còn chiếc võng của má Thời cho mà anh luôn quấn trong thắt lưng. Đồng đội đơn vị bạn đã dùng chiếc võng ấy khiêng anh đi tìm bệnh xá. Ai cũng thắc mắc sao anh lại có hàng “độc” như thế. Nếu không có nó, không tìm đâu ra cáng lúc bấy giờ. Được ra Bắc tiếp tục chữa trị vết thương, anh tặng chiếc võng và tấm đắp cho những đồng chí ở lại dù trong lòng rất tiếc nuối muốn giữ làm kỷ niệm.
Cuộc sống vất vả, bận rộn, mãi đến sau này thong thả, ông Thái mới quyết đi tìm má Thời. Địa danh Phú Thuận (nay là xã Đại Thắng, Đại Lộc) nhắc ông tìm đến chợ để hỏi dù làng quê thay đổi. Gần 50 năm, nhưng nhiều người vẫn biết má và chỉ ông ra Đà Nẵng tìm kiếm. Má Thời nay tuổi đã 90, sau cơn bạo bệnh đã yếu nhiều, trí nhớ cũng kém đi nhưng nghe kể về chiếc võng dù thì vẫn nhớ và xúc động rớm nước mắt. Bà nói: “Ngày đó má may cho con là như con trai của má”. Bây giờ thì ông Thái mới biết rằng, người con trai má yêu quý chính là liệt sĩ Lâm Quang Thời (Quảng Nam), đã được truy tặng Anh hùng LLVTND. Cô gái nhỏ được ông bày toán năm nào cũng đã hy sinh như anh và cha mình. Bản lĩnh kiên cường của phụ nữ xứ Quảng không cho phép má gục ngã mà chạy chợ nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng. Má động viên các con theo nghề y như người cha liệt sĩ thời trẻ từng chữa bệnh cứu người bằng thuốc nam. Tâm nguyện ấy thành sự thật khi nhà má có 8 người gồm con, dâu, cháu nội, ngoại là bác sĩ. Trong đó con gái má, bác sĩ Lâm Thanh Phong hiện ở Đà Nẵng là Thầy thuốc Ưu tú.
Sau chuyến thăm của CCB Trương Duy Thái, hai gia đình thường xuyên gặp gỡ thân thiết. Ông Thái nói rằng, cứ mỗi lần gặp người Đà Nẵng ra là mỗi lần ông nhớ lại 3 năm ở chiến trường. Điều ông day dứt là đến nay không thể nào tìm ra chính đơn vị mình ngày trước. Do bí mật nên lúc mới vào Nam, chỉ biết là chiến sĩ trinh sát đại đội 3, tiểu đoàn 314. Sau này bị thương, mất hết giấy tờ, ông được điều trị ở bệnh xá CT 21 (Trung đoàn 21, tăng cường cho Sư đoàn 2, sau đó thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng) rồi về Ban Chính trị Trung đoàn theo ý kiến của Chủ nhiệm Chính trị tên là Mai Thanh Chiêm và Chính ủy tên là Trường. Kỷ vật duy nhất còn lại một thời đi B là tấm giấy ra viện của đơn vị CT21 đã bắt đầu ố vàng. Bị thương thật sự, đem tấm giấy này đi làm thương binh nhưng cơ quan sở tại bắt phải xác minh đủ loại giấy tờ từ các nhân chứng. Điều mà do sức khỏe kém, ông không thể đi tìm đồng đội và không biết họ ở đâu khi nghe phong thanh hầu hết đã hy sinh.
Vậy là CCB Trương Duy Thái không hề có chế độ thương binh từ đó đến nay. Mong muốn gặp lại đơn vị cũ cũng xem chừng xa vời. Nhưng ông nói rằng điều ông vui nhất là thấy má Thời còn sống và còn nhớ đến mình từ chiếc võng năm xưa.
HỒNG VÂN