Trận lũ rừng năm 1974 cuốn phăng người họa sĩ trong chớp mắt. Chừng 4-5 ngày sau nước rút, chúng tôi lặn lội tìm xác bạn mình, họa sĩ Hà Xuân Phong. Mấy anh em chúng tôi đi xuôi con suối, một ngày rồi hai ngày, ba ngày. Con suối sắp đổ vào sông Thu Bồn, giới hạn cuối cùng chúng tôi có thể đến. Chỉ một thôi đường ngắn nữa là đến vùng địch. Thất vọng quay về.
Nhưng rồi lại nghe phong thanh đâu đó một thi thể nằm kẹt trong khối đá ở nhánh suối đổ ra sông Trường... mấy anh em lại tiếp tục xuôi suối. Suối nhỏ, suối lớn giữa khu rừng bạt ngàn. Ngồi nghỉ chân bên bờ đá, ngắm nhìn con suối trôi chảy về xuôi. Chỉ mới mấy ngày trước, cũng con suối này đây, lồng lên, hung dữ như trăm ngàn mãnh hổ.
Bây giờ hiền hòa, như một thiếu nữ mềm mại, e ấp. Dòng nước trong veo, mát rượi. “Phong ở nơi nào, hãy giúp chúng mình, lên tiếng”. Lời cầu mong dường như linh ứng. Bỗng nghe tiếng bầy quạ chao chác đâu đây. Nhìn sâu vào hẻm đá dây rừng chằng chịt. Khi đến gần, diện mạo qua cả chục ngày không còn nguyên vẹn, nhưng nhìn chiếc áo mặc trên người, họa sĩ Nguyễn Văn Vết khẳng định, không còn lẫn vào đâu. Bạn của chúng tôi úp nửa phần mặt vào gốc cây sung rừng... Thật kinh ngạc. Chúng tôi chôn cất anh nơi gò đất con suối nhỏ.
Tôi biết Hà Xuân Phong từ năm 1971, trong chuyến đi công tác đầu tiên xuống Bình Định, một chuyến đi kéo dài hơn một tháng, dầm dề trong mưa. Quê anh ở Đà Nẵng, một làng chài bên sông Hàn. Khuôn mặt anh từng trải, phảng phất đâu đó nét khắc khổ dai dẳng không nhòa, song anh hồn nhiên như trẻ nhỏ. Anh thường thích kể chuyện phiếm, buộc người nghe cười hết cỡ. Cũng trong chuyến đi kéo dài 8 tháng vào vùng sâu Bình Định ấy, khi ở Tam Quan, Phù Mỹ, khi ở An Lão, Hoài Ân, tôi mới bắt đầu hình dung ra con người anh. Thấp thoáng tuổi thơ kiếm sống và lăn lộn, thấp thoáng nỗi buồn và những khao khát muộn màng.
Thật lạ lùng cuộc đời một họa sĩ. Anh tập kết ra Bắc, làm nhân viên hớt tóc trong Văn phòng Trung ương Đảng. Thế rồi anh có tranh cổ động trong ngày tuần hành phản đối vụ thảm sát Phú Lợi năm 1959. Bức tranh bất ngờ lọt vào mắt nhà thơ Tố Hữu, ngày đó là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Liền sau đó anh được đi học bổ túc, được gửi sang Trường Đại học Nghệ thuật Ukraina. Tốt nghiệp, anh xin về Nam, hăm hở, khao khát. Nhưng khi đặt chân vào chiến trường, ước vọng làm họa sĩ của anh như bị dập tắt. Cõng gạo, làm rẫy, tự túc lương thực... nuốt chửng thời gian, toàn bộ sức lực. Trong đêm khó ngủ, hai đầu võng chúng tôi sát kề vào nhau. Chờ cho nước lũ rút, chúng tôi mới tiếp tục đi. Hà Xuân Phong thổ lộ tâm tình. Anh nóng nảy về Đà Nẵng, quê anh. Tuổi thơ, kỷ niệm, những dự định cho nghệ thuật. Anh nói không văn vẻ. Mộc mạc lời tâm sự nôn nóng như chính sự nôn nóng hằng ngày của anh.
Tôi thực lòng nói với Phong:
- Chúng mình chân ướt chân ráo, biết gì chiến trường. Ông già Linh bảo mình làm toán trưởng, đơn giản là cậu vừa mới ở viện về, vết mổ chưa lành. Già Linh nói đi với cậu là yên tâm. Sức vóc cậu bằng năm bằng mười người khác.
Phong có vẻ bối rối, nhưng từ ngày đó Phong năng động hẳn, hối thúc chúng tôi đi. Mưa còn kéo dài thêm 2 tháng nữa. Dừng lại, nghĩa là hết lương ăn.
Bao giờ Phong cũng là người đi trước. Khi tôi vượt con suối nhỏ, nước chỉ mới tới bắp chân. Người thứ ba, nước đã ào lên bắp vế. Phong chuyển ba lô cho từng người. Tôi ái ngại nhìn Phong run rẩy cõng bạn qua suối, bám từng mô đá, hồng hộc thở như trâu cày. Lúc này suối đã dâng đến bụng, nhiều mô đá chìm trong dòng xoáy. Đành ở lại bên này suối. Cơm chín, Phong khéo léo nắm hai nắm, buộc vào một sợi dây rồi ném sang bên kia suối. Nhìn thấy hai gói đã gọn trong tay Chiến, chúng tôi yên tâm ngồi vào “mâm”.
Hàng ngồi trái sang: Các họa sĩ Giang Nguyên Thái, Đoàn Văn Nguyên, Hà Xuân Phong, Nguyễn Viết Ngọc Hàng đứng trái sang: Các họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, Triệu Khắc Lễ, Trân Trung Chính, Lê Khắc Cường, Trần Anh Tuấn.(Ảnh tư liệu) |
Đến Bình Định, chúng tôi xuống ngay đồng bằng, nơi đang căng thẳng vào chiến dịch. Đầu tháng 5 hai thị trấn Tam Quan, Bồng Sơn được giải phóng. Tôi gặp lại Hà Xuân Phong. Anh đã có một tệp ký họa. Khi vẽ, anh hoàn toàn điềm tĩnh, mất đi vẻ nôn nóng thường ngày. Tỉa tót đến từng chi tiết trên khẩu pháo địch bỏ lại ở Gò Loi. Tôi buột miệng.
- Cậu vẽ tranh mà như kiểm tra khí tài vậy. Có gì nghệ thuật ở mấy ốc vít lem nhem ấy.
Anh coi tôi như kẻ ngoại nghề. Không có tranh luận. Miệt mài vẽ dưới cái nắng khô khốc vùng đồi tháng 5. Nhưng rồi một lần, không nhớ nhân chuyện gì, anh trở lại với mấy ốc vít pháo hồi nào.
- Ông này. Mấy thứ sắt thép đó, chả có gì là nghệ thuật. Đúng thế. Nhưng mỗi khi nhớ lại, gợi ghê lắm. Nó làm sống lại tất cả, như hiển hiện trước mắt mình cả một vùng cứ điểm. Sau này tranh tôi dựng lại trận Gò Loi, có thể không ốc vít, không pháo nhưng những thứ đó nó hun nóng bức tranh. Từng li ti vật thể ấy cho tôi cảm giác chiến trường.
Có lẽ anh có lý. Hà Xuân Phong đi nhiều, vẽ nhiều. Biển Tam Quan, những vườn dừa trơ trụi, chân dung du kích Hoài Thanh, căn cứ Đệ Đức, Đồi Mười... đứng trước một bức tranh, tôi thốt lên: “Dừa sao mà tua táp, tàn lụi”...
Chừng một tháng sau, tạp chí Văn nghệ Trung Trung Bộ xuất hiện truyện ngắn của Nguyễn Thị Chiến, khá hay. Tôi chợt nhớ tới những bức tranh xơ xác thân dừa của Phong hồi nào. Chiến bảo, anh Phong gợi cho em tên truyện “Dừa không lá” đấy. Được lắm, phải không anh. Năm 1973 anh được ra Bắc để củng cố sức khỏe, và để dựng tranh. Nhưng hè năm 1974 đã thấy anh vào. Hà Xuân Phong xuống ngay Nông Sơn, Thượng Đức vừa giải phóng.
Anh nói, Khu 5 sắp mở lớp sáng tác cho họa sĩ, mình là trưởng nhóm, phải có gì để thi thố với anh em trẻ. Sau hơn một tháng, Hà Xuân Phong mang về một cuộn giấy bọc trong ni-lông. Không đợi đến triển lãm, anh bày tranh ngay trên nền đất, cho chúng tôi xem những ký họa mới rợi. Nhưng khi bày đàng hoàng trong gian triển lãm, ngót 50 ký họa của Phong cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, đầy sức sống cả một vùng đất Quế Sơn đến Đại Lộc, Thăng Bình, mới hơn một tháng trước còn trong vòng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Nếu như loạt tranh Bình Định năm 1971 - 1972 phẳng lặng, có gì đó như xơ xác sau trận bão, thì loạt tranh 1974 của Phong dồi dào sự sống. Sau loạt tranh Nông Sơn, Thượng Đức, anh phấn chấn chuẩn bị cho khóa sáng tác đầu tiên được mở trên vùng căn cứ. Trong một đêm khó ngủ, anh tâm sự:
- Những ngày ra Bắc, tưởng là sẽ yên tâm ngồi vẽ. Bao nhiêu dự định hôi hổi trong loạt tranh ký họa. Nhưng khi lòng không yên, khó bàn đến sáng tác. Nhắm mắt lại là thấy Đà Nẵng, sông Hàn. Nhìn trời, nhìn đất nơi nào cũng hiện lên Non Nước, Ngũ Hành Sơn. Năm 1953-1954, tôi đã là liên lạc viên, ngõ ngách Đà Nẵng nào với tôi cũng thân thuộc, đêm đêm hiện lên trong giấc chiêm bao. Khi nào được đặt chân lên Đà Nẵng, tôi sẽ đưa ông về làng biển quê tôi, đãi ông bữa gỏi sò mệt nghỉ. Cần nhất là chanh, tiêu và một lò than thật đượm.
Anh nói rồi ôm lấy tôi mà cù. Bộ xương của tôi kêu lạo xạo. Rõ là anh đang phấn khích. Nhưng dự định về lại làng biển của Phong, mãi mãi vẫn là niềm khao khát. Một mình tôi về đất Quảng quê anh trong cơn mưa sì sụt tháng mười. Còn Hà Xuân Phong thì nằm lại bên con suối Nước Tum, thượng nguồn sông Thu Bồn. Trong nhật ký tôi có ghi lại: “Vĩnh biệt Hà Xuân Phong, bạn tôi. Ngày 4 tháng 10 năm 1974”.
Dịu đi những ngày nôn nao sau giải phóng, tôi bình tĩnh đi dọc sông Hàn. Màu xanh như thăm thẳm ngời lên trong sắc nắng chói chang. Sông Hàn tuổi thơ của Phong đấy. Nhưng người họa sĩ đất Quảng thì không còn nữa. Chúng tôi tìm về ngôi nhà gia đình anh sát bãi biển. Những người ruột thịt của anh vẫn đánh cá, trông ngóng anh về. Chúng tôi cùng gia đình ngược rừng, tìm về nơi anh yên nghỉ. Một nấm mồ chôn vội trong chiến tranh. Đã hiện dần tấm ni-lông xanh. Phong ơi, hãy về với những người ruột thịt 20 năm trông đợi. Gò cát, biển rì rào như buổi sinh thời anh đã từng nghe.
Chiến tranh mất còn, không chỉ riêng với anh, song chúng tôi thật có lỗi khi hàng trăm ký họa hôi hổi sự sống của anh, nay không còn mấy nữa. Anh đã từng thầm lặng mơ tới một ngày về lại thành phố. Thành phố rợp trời cờ bay trong tinh mơ mùa hè 1975. Trở về quê hương, thành phố trái tim mình với đầy ắp những dự định, những sắc màu cuốn hút. Nhưng chỉ một thôi đường ngắn trước mặt nữa thôi, anh không kịp về.
ĐOÀN TỬ DIỄN