Không tài nào kể hết vô số câu chuyện về những người thương binh với cuộc vật lộn đầy vất vả cả thể xác lẫn tinh thần để mưu sinh. Không thể nào kể hết những con người vì Tổ quốc quên mình, khi sống có tên, khi hy sinh thành liệt sĩ vô danh. Và không tài nào biết và kể hết biết bao nhiêu chiến sĩ vì nước quên thân còn nằm đâu đó dưới lòng đất. Những mẩu chuyện này chỉ góp phần hiểu hơn về nỗi đau của chiến tranh.
Toàn cảnh Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên quần đảo Trường Sa tháng 3-2017. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ |
1
Từ 6 giờ sáng ngày 5-5-1968, sau ba tốp máy bay phản lực F.105 của Mỹ ném bom dữ dội xuống làng, thì từng đoàn máy bay trực thăng loại H.34, gần trăm chiếc, ào ạt đổ quân xuống dọc theo con đường từ tháp Bàng An đến ngã ba Trùm Giao, xã Điện Hồng... Cuộc hành quân kéo dài 21 ngày.
Căn hầm bí mật của Quận ủy Quận Nhất ở Điện An có ba nam, ba nữ. Đó là anh Hồng Râu, phụ trách biệt động của Quận đội, anh Tân cán bộ của Hòa Cường, anh Tam bảo vệ cho Hồng Râu, chị Mười Hoa và chị Năm Cao là cán bộ phụ nữ thành phố và cô Bảy giao liên. Núp công sự mật có nam, có nữ thì vui, nhưng rắc rối khi phải ở trong công sự đến ngày thứ hai, thứ ba…
Đói thì nữ giỏi chịu, nhưng khát thì nữ thua nam. Không tắm, các anh quần đùi, ở trần, còn các chị thì không chịu thấu. Đến ngày thứ năm, thứ sáu thì không ai ở sạch hơn ai và bắt đầu uống nước tiểu. Mấy anh uống ngon lành, mấy chị thì khát đắng cả miệng, khô cháy cổ, nhưng không tài nào uống được.
Đến ngày thứ bảy, lính Mỹ nằm trên đất có tăng che, phần ăn thì thừa bứa, nhưng tên Mỹ nào cũng như gà mắc dịch, nhiều tên ôm cây súng ngủ gà ngủ gật. Đây là cơ hội cho nhiều anh em ta bò lên kiếm cái ăn hoặc thoát ra khỏi vòng vây.
Cô Bảy, là một giao liên lanh lợi, kiêm chị nuôi tận tình, bữa cơm nào cũng kiếm chút rau, đi bất cứ giờ nào khi có thư hỏa tốc. Tối lại, thấy im, hễ anh Hồng Râu hé nắp công sự lên xem tình hình bọn Mỹ thì cô Bảy đòi cho cô lên kiếm chút chi cho mấy anh, mấy chị ăn. Chị Năm Cao đun cái đầu lên liền bị Hồng Râu nhận cái đầu chị xuống, nói “bà lên bà đi ngã hết cỏ, mai bọn chúng lần theo bắt cả đám!”, nhưng với cô Bảy thì Hồng Râu dặn bò thật chậm, “có mấy thằng Mỹ ngồi như cọp rình mồi chỗ bụi tre. Chúng thả đèn sáng, sáng như có trăng. Bảy cẩn thận!”.
Đêm nào cô Bảy rúc lên được thì anh em trong công sự có thức ăn khô, hỏi tìm đâu ra, thì cô Bảy nói của anh em du kích Điện An, của bộ đội D3 (tiểu đoàn 3). Mỗi đêm, được một lần rúc lên là dịp cô Bảy được thở thoải mái, khi quay về hầm mấy chị nhận thấy mặt cô Bảy tươi rói, áo quần cô Bảy thì ướt như vừa ở dưới sông lên. Ôm vào người cô Bảy nghe mát lạnh!
Đến ngày thứ mười mấy không nhớ, vẫn còn nghe tiếng súng giao tranh rất gần. Cô Bảy rúc lên khỏi công sự một lúc, thì anh em ở trong hầm nghe một loạt tiểu liên nổ cái rẹt, quá gần. Nín thở chờ. Không thấy cô Bảy về lại hầm, Hồng Râu mở nắp công sự rúc lên, sè sẹ bò ra xóm nhà của cơ quan.
Cô Bảy nằm chết bên cái thùng đựng nước, máu hòa với nước ướt cả áo quần cô Bảy. Hồng Râu ôm cô bò ra khoảnh đất vườn sau nhà, lấy mấy tàu lá chuối che thân, sợ bọn Mỹ thấy xác Bảy lôi đi phơi nắng tội nghiệp. Đến ngày thứ 21, địch rút quân. Hồng Râu ứa nước mắt nói với hai chị: Tôi lên chôn em Bảy.
Sau đó một thời gian ngắn, trên đường đột nhập vào lại Đà Nẵng thì anh Hồng Râu, rồi anh Tân lần lượt hy sinh. Sau này, hỏi ông Sáu Hưng, cựu Bí thư quận Nhất, rồi hỏi chị Năm Cao, không ai biết gì thêm về cô Bảy... Sau mấy lần cày trắng, không biết hài cốt của cô Bảy có còn để được quy tập thành liệt sĩ vô danh?
Đất này, rất nhiều chiến sĩ, nhiều những gia đình chết và hy sinh hết, không có người khói hương. Họ hưởng hương hoa từ nghĩa trang, đài tưởng niệm.
2
Chuẩn bị biểu diễn mừng xuân Mậu Thân 1968, Đoàn văn công Quảng Đà ở trong nhà ông Trùm Hưng, xã Điện Quang, Gò Nổi. Nhà có một cái hầm nổi trong nhà và một cái hầm chìm cạnh nhà bếp. Ông Trùm Hưng rất mê văn nghệ, lại có lòng vì cách mạng nên sẵn sàng dành nhà cho đoàn văn công ăn ở, tập tành ngay trong nhà. Một trận bom tọa độ rơi trúng nhà ông Trùm Hưng.
Nguyễn Văn Tỷ ôm cây guitar chạy sau lưng Lan xuống cái hầm chìm thì một quả bom quét, quét từ trước sân nhà vào miệng hầm. Một cái chân Tỷ tê chết, một cái thì như sắp rời ra làm anh quỵ xuống. Tỷ lấy hai tay tì trên thành miệng hầm, máu tuôn ra xối xả, ướt cả cái đầu tóc của người yêu Hoàng Thị Ngọc Lan.
Những ai chưa kịp chạy vào hai cái hầm thì rơi vào tầm sát thương tàn khốc của quả bom quét. Đó là Trưởng đoàn Trần Tân Nhân, Phó đoàn Đoàn Duy Nghĩa, cây đàn cò Trịnh Thành, nhạc sĩ Văn Cận, các diễn viên Minh Châu, Yến Nhi, Kim Xuyến, y tá Văn Trung... và nhiếp ảnh Thế Ngô. Bị sức ép của bom, cả người Thế Ngô không còn da, phơi cả xương sườn. Cuộn phim trong máy ảnh của Thế Ngô bật ra vắt qua người anh trông thật rùng rợn. Phút chốc 7 người hy sinh.
Mấy anh em không tập, không ở trong nhà ông Trùm Hưng thì sống sót. Họ lặng lẽ xúm nhau lấy mấy tấm ván đặt từng thi hài lên, khiêng ra bãi Vân Ly - Gò Nổi để chôn. Sau ngày giải phóng năm 1975, trong chiến dịch quy tập hài cốt liệt sĩ, có 9 diễn viên của đoàn được di dời vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Điện Quang, nhưng, tất cả thành liệt sĩ vô danh. Đồng đội sau này có tìm đến nghĩa trang, thì không biết bạn mình nằm ở nấm mộ nào mà thắp hương, mà tâm sự những điều riêng tư mà những ngày bên nhau chưa nói hết.
3
Hôm ấy, rạp xi-nê Li Đô (nay là rạp Lê Độ) chiếu cuốn phim Thập Tam Thái Bảo, nhân bà chủ trả lương, Phần xin bà chủ cho đi xem phim, tối về làm bù. Xem phim ra, định uống ly nước ngọt, thì một người lính bước lại đập vai Phần, nói như lệnh: Nhỏ, mua tau điếu thuốc. Thấy người lính, mặt mày trông ngầu, Phần sợ, lại quầy thuốc lá trước rạp xi-nê mua nửa bao CAPSTAN đưa cho người lính (sau này biết đó là một thương phế binh).
Cầm nửa bao thuốc, người lính nói như trách nhẹ: Sao tau biểu mua một điếu mi mua nửa bao? Dạ, em đi ở có tiền, mua cho anh hút. Người lính nhìn đăm đăm mặt Phần, hỏi: Mi ở mô nói giọng nhà quê rứa? Dạ, em ở trong chợ Bà, bom đạn cha mẹ chết hết, đói, ra đây kiếm việc làm... Phần mới nói tới đó thì người lính chỉ cái bảng hiệu to đùng: Đoàn kết Trung tâm phục vụ Honda – Yamaha, nói: Mi có ưng học nghề sửa xe không tau xin cho. Phần mừng quýnh, chưa kịp nói thì người lính cầm tay Phần dắt lại chỗ cái bảng hiệu Đoàn kết Trung tâm. Vừa đến trước tấm bảng hiệu thì người lính gọi to: Bà chủ Phi Hùng đâu? Nghe một tiếng dạ thì một người đàn bà mập ú bước ra: Dạ, ông Thiếu úy gọi tui? (Thật ra chỉ là lính trơn, nhưng bà chủ gọi vậy cho oai vậy). Nè, tôi có thằng cháu đang thất nghiệp, muốn học nghề, bà nhận cháu tôi hỉ. Dạ, cháu muốn học thì tôi nhận.
Bà chủ nhìn Phần, người cao ráo, mặt mày sáng sủa, hỏi: Mi mấy tuổi rồi, tên chi? Dạ, cháu năm nay mười bảy. Thật ra, năm ấy, 1970, Phần đã hai mươi hai, phải khai nhỏ sợ bị bắt quân dịch. Còn tên? Dạ, con tên Phần. Bà chủ trề cái môi, nói giọng lớ lớ: Cái tên chi xấu rứa. Có thằng làm cho tau tên là Phước, hắn bỏ đi mất, thôi mi lấy tên Phước hỉ? Dạ. Phần nhận lời. Từ đó, Phần có cái tên do bà chủ đặt cho là Phước: Võ Thành Phước.
Bà chủ Phi Hùng người Hoa, ông chồng là người Nhật, có người con trai tên là Phi Hùng học Trường Trung học Sao Mai. Một hôm, Phi Hùng nói với Phần: Em phải làm giấy khai sinh và đi học. Phải có cái bằng trung học nếu có đi lính thì cũng được cái trung sĩ, không thì cả đời làm lính trơn. Phần nói, em đã học đến lớp Ba chuẩn bị lên lớp Bốn thì trường bị bom sập. Vậy thì, anh kiếm cho em cái chứng chỉ Tiểu học để em nộp đơn xin học Đệ thất ban đêm. Nhờ học lớp ban đêm và được anh Phi Hùng kèm, ngày đi làm, đêm cày cái chữ, Phần cày trầm trầy đến lớp Đệ Ngũ thì Đà Nẵng giải phóng...
Ngày 28-11-1976, bà Võ Thị Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Châu thông báo thanh niên thành phố đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Phường Hải Châu chỉ có 6 thanh niên được xét đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Trong đó có một tiêu chuẩn bắt buộc là lý lịch tốt – tức gia đình có truyền thống cách mạng. Bấy giờ, Phần ở chung nhà, chung hộ khẩu với Tào Hường. Một hộ khẩu có hai thanh niên thì chỉ chọn một. Phần thấy Tào Hường đang yêu chị Mười, họ sắp thành vợ chồng nên Phần xung phong đi, để Tào Hường ở nhà cưới vợ. Vả lại, Tào Hường bị bệnh tim, sợ xét không được.
Tào Hường là con út của ông Tào Thôn. Tào Hường sinh tháng 3-1954, thì ngày 25-10-1954, cha ông bị bắn chết, bỏ lại mẹ là bà Huỳnh Thị Thôn và ba anh em Tào Hường. Năm 2017 - Đinh Dậu, bà Thôn tròn 95 tuổi. Nhắc đến chồng, bà kể: Ổng sợ không dám ngủ ở nhà, đi ngủ nhờ nhà người quen. Sáng hôm ấy ổng lại về nhà sớm hơn thường lệ. Thấy ổng vừa bước vào nhà, chưa kịp ăn cơm, thì một tốp người ập vào nhà.
Ông quyết định bỏ chạy để cho chúng bắn chết, chết để vợ con còn lấy được cái xác đem về chôn, để chúng bắt, thì vừa bị hành hạ, tra tấn cực hình rồi thủ tiêu như những đồng chí của ông, mất xác, vợ con biết đâu mà tìm, mà chôn, cho có cái mả để thắp cây hương. Năm 1965, bà Thôn bồng con chạy ra Đà Nẵng. Tào Hường đi học nghề sửa xe. Quầy sửa xe của chủ bỏ chạy, Tào Hường và Võ Thành Phước bám cái quầy bên cạnh rạp hát Trưng Vương để làm nghề sinh sống.
Trúng tuyển, Phần đi bộ đội, đánh quân Pôn Pốt bị mìn KP2 cắt mất hai cái chân, thành thương binh đưa về Trại Thương binh nặng Cẩm Hà, Hội An. Ở trong trại, tù túng quá, Phần trốn trại chạy ra Đà Nẵng, dựa vào cái quầy của anh Tào Hường sửa xe, kiếm thêm tiền để cưới vợ.
Trước ngày nhập ngũ, Phần đã đem trầu cau đến nhà cha mẹ cô gái Nguyễn Thị Thư. Thư sinh năm 1958, là cô gái thuộc diện đẹp ở chợ Bà lúc bấy giờ. Khi Phần bị thương nằm điều trị ở Quy Nhơn, được tin, Thư đón xe hàng vào Quy Nhơn thăm Phần. Phần yêu Thư, không chỉ vì Thư cao ráo, đẹp nết, đẹp người mà còn vì một lòng thủy chung. Phần lập nghiệp bằng cái nghề sửa xe Honda, biết ơn bà Phi Hùng và anh Tào Hường.
Thời buổi thành phố còn nhiều thiếu thốn, khó khăn vậy mà, Phần mở miệng xin cái chi là mấy anh cán bộ phường, cán bộ quận Hải Châu, nhìn cặp chân giả của Phần thì khó lòng mà không chiếu cố. Anh em quen biết đến sửa xe Honda thì Phần làm rất chu đáo nhưng tiền công thì anh em cho bao nhiêu cũng được. Sau khi có được cái nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh, vợ Phần có cái đại lý bia nước ngọt, nuôi ba con... Hằng năm, Tào Hường và Võ Thành Phước có một ngày bên nhau để nhắc về hôm qua: ngày 27-7.
Khi viết về những nhân vật này, tôi lại nhớ đến, trong tiểu thuyết Quy luật của muôn đời, nhà văn Nodar Dumbatze viết: ‘‘Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử... Ông giúp cho tâm hồn tôi trở nên bất tử, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa, cứ thế đến vô cùng. Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống”.
Những người hy sinh xương máu, hằng năm có một ngày kỷ niệm. Tôi muốn gọi ngày 27-7 này là ngày thiêng liêng dành cho nhiều số phận không may nhất, nhiều nỗi đau buồn nhất và là một ngày kỷ niệm chỉ có nỗi nhớ, nhiều hoa và hương.
HỒ DUY LỆ