Nguyễn Mỹ và "cái màu đỏ ấy"

Những năm tháng tuổi đôi mươi, chúng tôi lần lượt bước vào chiến trường. Nguyễn Mỹ mở đường vào mùa hè 1968, sau đó là những cuộc “chia ly” của Thanh Quế, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai... và của chúng tôi cùng bao đồng đội khác; chỉ tiếc là không có “sắc đỏ chói ngời” nào cả. Chúng tôi đã đi dọc dài Trường Sơn,  qua nhiều cánh rừng bạt ngàn săng lẻ. Trong ký ức chiến tranh, bao nhiêu dòng sông ầm ào thác trắng, bao nhiêu  đường rừng thẳm dốc không thể nào nhớ hết. Bỗng một lần ngước nhìn bầu trời hẹp giữa rừng già, bên bờ con suối nhỏ Nước Oa: Một rừng chuối hiện ra. Những búp hoa chuối đỏ chói ẩn hiện trong ánh vàng nắng sớm. Tôi chợt nhớ đến Nguyễn Mỹ, nhớ thơ anh.

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là màu hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh non cao vẫy gọi đoàn người...

Vâng. Đúng vào khoảnh khắc ấy tôi đang đứng trên đỉnh non cao nhìn sang bên kia con suối mùa mưa thác đổ, ngắm nhìn màu đỏ tươi hoa chuối lấp lánh trong nắng vàng rực rỡ Trà My. Lòng xôn xao, dư vị ngọt ngào, nhớ về Hà Nội. Tôi nhớ đến con phố nhỏ duyên dáng Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhớ cánh cổng mở vào số nhà 19 giấu mình dưới hàng cây xanh. Nơi đó nhà thơ Nguyễn Mỹ đã sống và anh đã mang theo cả “màu đỏ ấy” vào chiến trường. Từng bước đi trèo non lội sông suối ròng rã đêm ngày, tôi lại nhủ lòng, Nguyễn Mỹ ơi. Tôi đã thấy sắc hoa chuối đỏ tươi của anh rồi đấy, một hai hôm nữa lại được nghe lại giọng khàn đặc thuốc lào để rồi cùng lặng lẽ nhớ Hà Nội, lo cho Hà Nội những đêm, những ngày bom đạn.

Ngày ấy phố Nguyễn Bỉnh Khiêm yên tĩnh vô cùng. Đó là con phố nhỏ khuất sau hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất. Nơi đây tôi đã đến nhiều lần cùng Trần Vũ Mai bạn tôi và nhà thơ Nguyễn Mỹ làm việc trước khi vào chiến trường miền Nam.

Cũng chỉ thảng hoặc thôi, tôi với Nguyễn Mỹ, Trần Vũ Mai, mỗi người xách một cặp lồng cơm, một cốc bia, mấy bìa đậu. Vậy là có một buổi chiều vui vẻ dưới lùm cây. Đó là những năm chiến tranh, Hà Nội náo loạn vì còi rúc liên hồi báo động. “Đồng bào chú ý ...”. Cũng chính vào những ngày đạn bom đó, một bài thơ nổi tiếng đã ra đời trên gác xép ngôi nhà 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ. Nhà thơ lúc đó còn khá trẻ, em trai nhạc sĩ Nhật Lai tập kết ra Bắc từ năm 1954. Tứ thơ ấp ủ trong những ngày anh chuẩn bị cho một chuyến đi dài. Ngay lập tức bài thơ thành hiện tượng đặc biệt trong lớp trẻ thời bấy giờ. Nguyễn Mỹ đã thay cho cả một thế hệ “chia ly”. Một cảm xúc mang hơi thở thời đại, cảm giác lãng mạn, lung linh, ngời sáng. Ngày ấy, mỗi chàng trai vào chiến trường, dường như ai cũng chép bài thơ vào cuốn sổ con và coi như quà tặng của nhà thơ cho riêng mình.

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bóng nắng vàng lên rực rỡ

Trong quầng sáng mờ của ngọn đèn Hoa Kỳ, chúng tôi nghe anh, giọng Khu 5 đã pha chút Bắc, khàn và ấm. Chính cái giọng khàn chậm rãi hơi hướng thuốc lào ấy lại có sức truyền cảm lạ. Một câu chuyện kể, kể về giây phút chia ly. Nhưng là cuộc chia ly trong nắng vàng rực rỡ mùa thu, trong chói ngời sắc đỏ.

Vườn cây xanh và chiếc nón kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che nổi nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời
Cháy trên bình minh đang hé giữa làn môi...

Nỗi xúc động lặng lẽ tràn vào trái tim trai trẻ chúng tôi, chớm hé một tình yêu vụng dại đầu đời. Chính cái bình minh của Nguyễn Mỹ là nỗi khát khao cháy bỏng của chúng tôi, của cả một thế hệ. Khi mang ba lô vào chiến trường, bên tai như nghe lời ai đâu đó.

Gió nói tôi nghe những tiếng thầm thì
Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau...

Nguyễn Mỹ sinh ra trong một gia đình có 6 người con ở làng quê Tuy Hòa, Phú Yên. 15 tuổi anh “Bảy Mỹ” đã tham gia kháng chiến đánh Pháp, thuộc đơn vị chủ lực Quân khu 5. Năm 1954 tập kết ra Bắc, Nguyễn Mỹ  sớm  có thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ 1957. Năm 1968, anh về Nam, công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5, là phóng viên chiến trường báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ. Anh nổi tiếng không chỉ làm thơ, viết báo, sáng tác ca dao phục vụ kịp phong trào mà còn nhiều tài lẻ, đặc biệt là săn bắt thú rừng. Bình thường anh thâm trầm, ít nói, nhưng khi vào chuyện, anh có lối kể chuyện hóm hỉnh hiếm ai bắt chước được.

Vào những ngày cuối tháng 5 năm 1971, chỉ một thôi đường rừng nữa là gặp nhau, nhìn anh trên đầu dốc như hồi nào hồn nhiên, cởi mở, chúng tôi bỗng lặng người khi hay tin anh đã mất trong một trận càn, cùng với tin Trần Tiến - Chu Cẩm Phong hy sinh tại mặt trận Quảng Đà. Đêm đó chúng tôi không ngủ, trăn trở trên chiếc võng dù, thương tiếc Chu Cẩm Phong, thương tiếc Nguyễn Mỹ, những con người tài năng, nhiệt huyết.

Vào những năm 1970-1971 địch thường xuyên càn lên căn cứ. Chúng tổ chức từng tốp nhỏ, trang bị gọn, cùng lính Mỹ ém quân lâu dài theo chiến thuật du kích, chúng tôi thường gọi là “Mỹ lết”. Khi đụng độ, chúng chỉ nổ vài ba viên đạn rời rạc rồi lặng lẽ rút. Mùa hè năm 1971, địch bất ngờ thọc sâu vào vùng đầu não Khu ủy. Ngày đó mỗi đơn vị, cơ quan chia nhỏ, ở cách nhau khá xa, ít có thông tin qua lại. Sau hàng loạt tiếng nổ từ nhiều phía, cả khu rừng chìm trong im lặng. Buổi chiều tiếng súng đã vãn, chợt thấy mấy người lính, súng ống trong tư thế sẵn sàng,  quân phục gọn ghẽ, Nguyễn Mỹ vẫy tay vui mừng chào gọi. Nhưng không ngờ đó là tốp biệt kích giả trang. Chúng nổ súng, và nhà thơ “Cuộc chia ly” lặng lẽ  ngã xuống. Đó là ngày 16 tháng 5 năm 1971. Thi thể Nguyễn Mỹ nằm trên một gò đất nhỏ cận kề con suối. Anh em xếp đất, đá, mai táng anh ngay nơi anh nằm xuống. Sau chiến tranh những người bạn đã cùng anh chung sống những năm gian khổ, ác liệt, trở lại khu đồi Dơn, xã Trà Dơn, nơi Nguyễn Mỹ hy sinh. Hài cốt anh không còn. Chỉ tìm thấy một vài vật dụng cá nhân mang theo bên người... đôi dép cao su, chiếc bi đông dúm dó đã giúp bạn bè nhận biết nấm mồ xưa, nơi nhà thơ yên nghỉ. Di vật ít ỏi của nhà thơ Nguyễn Mỹ được gom lại, mai táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My. Trên mộ khắc họa chân dung của ông và 4 câu thơ trong bài thơ bất hủ: “Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/Tươi như cánh nhạn lai hồng/ Trưa một ngày sắp ngả sang đông/ Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ…”. Gần nửa thế kỷ trôi qua những vần thơ như ngọn lửa hồng vẫn hừng lên, đỏ thắm.

Nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ đã được Nhà nước truy tặng “Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” và “Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật”.

Hết chiến tranh được ít lâu tôi trở về Hà Nội. Thăm lại con phố cũ. Phố Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn như hồi nào, yên ả, dịu gió hàng cây xanh. Chỉ tiếc là không còn Nguyễn Mỹ trên căn xép phía sau như hồi nào. Anh đã cho tôi cái màu đỏ ấy để cùng bạn bè trai trẻ sống những ngày gian khổ, rình rập hiểm nguy, song cũng là những ngày đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình. Con phố Nguyễn Bỉnh Khiêm như ẩn giấu những giấc mơ, chứng nhân một thời tuổi trẻ của tôi cùng với những người bạn mà tôi yêu mến. Mỗi chúng tôi sâu nặng tri ân nhà thơ Nguyễn Mỹ đã cho chúng tôi mang theo “cái màu đỏ ấy” như không hề có cuộc chia ly.

ĐOÀN TỬ DIỄN

;
.
.
.
.
.