Níu giữ khung trời tuổi thơ

.

Đi về các vùng quê bây giờ, thật hiếm khi bắt gặp con trẻ đắm chìm trong những trò chơi ô ăn quan, nu na nu nống, chơi chuyền, rồng rắn lên mây, kéo cưa lừa xẻ những đêm trăng sáng. Hình ảnh những cậu nhỏ thả diều trên cánh đồng, tóc màu râu ngô, da đen nhẻm, riêng nụ cười, ánh mắt lấp lánh nắng cũng vắng dần.

Những trò chơi quen thuộc của tuổi thơ, được truyền từ đời này sang đời khác, dù chiến tranh, khó nhọc cũng không mất đi. Mà nay mới chừng chưa đầy hai chục năm đất nước bước sang thế kỷ mới, hỏi, bé nào cũng lắc đầu “con không biết”…

Thả diều, một trò chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam được trẻ em ở phường Hòa Quý giữ gìn qua Ngày hội vào hè. Ảnh: H.N
Thả diều, một trò chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam được trẻ em ở phường Hòa Quý giữ gìn qua Ngày hội vào hè. Ảnh: H.N

Mai một trò chơi dân gian

Cách đây hai năm, bạn tôi quyết định bày cho cậu con trai chơi trò ô ăn quan, khi thấy con có dấu hiệu mê trò chơi điện tử. Thế là những ngày sau đó thằng bé đi kiếm sỏi ở đống sạn chỗ nhà đang xây trong xóm, rồi rủ mấy đứa bạn trai, bạn gái chơi.

Thằng bé chắc là học được nhiều thứ từ trò chơi ấy, nên bữa ăn nào cũng kể cho mẹ nghe chuyện con chơi thế nào, con học được “nước đi” gì, có hôm đến giờ đi ngủ nó còn bắt mẹ chơi vài ván. Lên trường, cậu mang sỏi theo để chơi trong giờ nghỉ và học trò Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) mấy năm trước rộ lên trò chơi ốc sảy.

Và đến giờ vẫn duy trì trò bắn bi nhờ phía sau lớp học còn một khoảnh sân đất. Thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn cho biết, giờ trường nào cũng học sinh đông, sân trường bê-tông gần hết nên chỗ chơi cho các em cũng thiếu.

Các em chơi theo từng cụm như nhảy dây, bắn bi. Lớp nào trống tiết sẽ được cô giáo hướng dẫn một số trò chơi, nhưng không nhiều. Hiệu quả nhất có lẽ là các em học được hô hát bài chòi và thể hiện trong chương trình Ngày hội văn hóa dân gian của trường. Thầy Nhứt cũng hy vọng các năm sau nhiều trò chơi được đưa vào chương trình học – chơi của các em.

Nói ở phố nhà chật, trẻ con đi học cả ngày, không có chỗ chơi, không có hội chơi có phần nào chấp nhận được; nhưng ở ngay cả vùng quê, trò chơi truyền thống cũng dần bị quên lãng. Bé Đặng Nguyễn Thanh Uyên, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) thú nhận bé không hề biết chơi trò gì, cô giáo hay bố mẹ cũng chưa hề bày các trò chơi.

Vậy thì không thể đổ cho cái sự chật, cái sự bận học hay các em nhỏ bị ti-vi, trò chơi điện tử lôi kéo. Trò chơi cũng cần phải học, làm quen, và chơi theo hội, theo nhóm, theo phong trào chứ một cá nhân khó duy trì một trò chơi, nhất là khi nó cần sự hợp tác, thậm chí cả sự ganh đua để các em chơi giỏi hơn, khéo hơn.

Bên cạnh những trò chơi, luôn đi kèm với các bài hát đồng dao. Từ các trò chi chi chành chành, trồng đậu trồng cà, thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ, nu na nu nống, lộn cầu vồng, chơi chuyền… đều có những bài hát đồng dao hay một bài vè ngắn dễ thuộc, dễ nhớ. Cuộc chơi vì thế cũng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Có thể nói, những trò chơi dân gian có sự tác động không nhỏ đến sự phát triển cả về thể chất, tâm hồn và trí tuệ các em. Giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo; mà nâng cao hơn, nói như bây giờ là sự hình thành các kỹ năng. Qua trò chơi, các em sẽ biết đến sự hợp tác, phân công từng vị trí trong trò chơi và quyết định ai là thủ lĩnh…

Những trò chơi, những câu hát đồng dao đi cùng tuổi thơ, để lại những kỷ niệm đẹp mãi không quên, in dấu trong tâm trí từng người qua từng năm tháng. Còn gì đẹp hơn, sâu sắc hơn khi người ta nhớ về quê hương, về bạn bè, về những tháng ngày vô tư trong trẻo, qua những ngày đắm chìm trong các trò chơi. Để rồi khi lớn lên, khi già đi, có cái mà kể cho cháu con với giọng bùi ngùi: ngày xưa…

Những trò chơi dân gian vẫn luôn cuốn hút trẻ em. (Nguồn: Phòng VH-TT quận Liên Chiểu)
Những trò chơi dân gian vẫn luôn cuốn hút trẻ em. (Nguồn: Phòng VH-TT quận Liên Chiểu)

Níu giữ trò chơi dân gian

Nhớ ngày xưa, nghỉ hè là những ngày tươi đẹp, từ sáng đến chiều cùng bạn bè hết nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê, đến rồng rắn lên mây những đêm trăng sáng sân nhà. Chơi quên cả ăn, cả ngủ, ba mẹ nào muốn đi tìm con chỉ cần đến nơi có tiếng trẻ hò reo hay cười khúc khích trong các ngõ xóm...

Ngày x​ưa, vào những giờ ra chơi trên lớp, học sinh tụm năm, tụm ba cùng nhau chơi đánh chuyền, nhảy dây, đá cầu, chơi ô ăn quan, mèo đuổi chuột. Những trò chơi không đòi hỏi tốn nhiều thời gian chuẩn bị; chỉ cần vài chiếc que, quả cà pháo, ít đá cuội và khoảng thời gian nho nhỏ là một hội chơi, một trò chơi bắt đầu. Chúng tôi nào đâu có biết đó là trò chơi dân gian, chỉ biết là anh chị mình từng chơi, trò nào chưa biết thì có người lớn chỉ dạy. Rồi đứa này nhìn đứa kia mà học theo. Bạn bè cũng từ đó mà thành.

Ông Đặng Khôi, 86 tuổi, người vừa được bầu lại làm Trưởng ban lễ hội Đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) từ sau mùa lễ tháng Giêng vừa qua, kể trước năm 1945, ông từng tham gia trong đoàn trẻ em cầm đèn trong lễ rước của ngày hội làng, vừa đi vừa hát: muôn phước, muôn phước/Chúc làng ta làng thành nam bình ca/Tiếng ngâm nga ngọn đèn rực rỡ/Túy Loan gọi là.

Từ ngày Đình làng được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999, hội làng được mở lại với nhiều trò chơi dân gian như hát bội, hô hát bài chòi, gói bánh tét, nướng bánh tráng, kéo co, đập om, đua ghe, vật tay, đấu võ, leo chuối, trẻ con thì chơi trò bịt mắt bắt vịt. Ông bảo, đúng ra ở trò leo chuối, mỗi lần leo sẽ có đội đứng dưới hát theo; giờ leo theo kiểu thi, như kiểu “đuổi gà qua đám giỗ” nên không hấp dẫn.

Xuôi về thành phố, nếu quận Liên Chiểu có lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức trên dòng sông Cu Đê; lễ hội đình làng Hòa Mỹ, Trung Nghĩa; lễ cầu ngư ở phường Hòa Hiệp Nam… vẫn giữ một số trò chơi truyền thống như đua thuyền trên cát, kéo co, đan lưới, lắc thúng, thì quận Ngũ Hành Sơn có đua thuyền, kéo co, đẩy gậy trong Lễ hội Quán Thế Âm.

Nhưng những trò chơi trong các hội làng kể trên mang đậm tính chất thi hơn là chơi. Trò chơi giản dị hơn nhiều, ít kể đến chuyện thắng thua và có thể thực hiện ở bất cứ đâu, với những dụng cụ đơn giản nhất. Lê Hoàng Long, chuyên viên Phòng Văn hóa-Thể thao quận Ngũ Hành Sơn, 29 tuổi, kể những trò chơi bạn đã trải qua hồi nhỏ như đập om, bịt mắt bắt dê, cướp cờ, chơi u, chơi tổng (chơi khăng), ô làng (ô ăn quan), cờ gánh, nhảy lò cò, nhảy sập…

Không có đồ chơi, các bạn kiếm đất sét nặn thành đồ chơi, kiếm những khúc gỗ nhỏ đẽo thành khăng, kiếm sỏi, cành cây nhỏ, cái gì vào tay các bạn cũng có thể biến thành một trò chơi hấp dẫn. Và giờ, Long bày lại một số trò chơi cho hai con trai nhỏ của mình. Con không thể ra đường lập hội chơi với các bạn thì ông bố trẻ bày cho hai con chơi với nhau, buổi tối thì bố chơi cùng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Đình Bình, Bí thư Đoàn phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, từ đầu mùa hè 2016, Đoàn phường quyết định tổ chức Ngày hội vào hè mang tên Xin một vé về tuổi thơ, với đầy đủ ý nghĩa nhất của một ngày hội, các em được thả mình vào những trò chơi và những cuộc thi.

Trước đó 2 tháng, nhiều công việc được triển khai về 16 chi đoàn, chú trọng vào trò chơi dân gian. Đó là những trò chơi làm từ lá dừa như chong chóng, con cào cào, quả banh phạt. Cánh diều phải mang đậm màu sắc tuổi thơ, tức làm từ khung tre, dán bằng giấy vở hoặc giấy báo và chất liệu để dán phải là cơm chứ không được dán hồ. Những chiếc xe được làm từ vỏ lon sữa đặc.

Dùng vỏ nghêu hoặc nắp ken để chơi cờ gánh. Rồi trò ô ăn quan, cù xoay (được làm từ vỏ lon sữa bò thay vì đẽo từ gỗ), đánh tổng, ống thụt (không kiếm ra hạt bù lời nên các bạn thay bằng quả trứng cá non)… Vừa làm để chơi, vừa thi, xấp xỉ 100 đoàn viên, thanh niên được đắm mình trong một ngày hội thật vui, tràn trề kỷ niệm. Năm nay, ngoài những trò chơi cũ, ngày hội vào hè của tuổi trẻ phường Hòa Quý có thêm trò nhảy dây, nhảy chồng cao. Bình cho biết, nhiều trò chơi mình cũng không nhớ chính xác nên nhờ mạng Internet hỗ trợ cách chơi, và học thêm các bài vè, bài hát đồng dao đi kèm.

Anh Nguyễn Đình Bình cho biết sau các ngày hội, các trò chơi vẫn được duy trì trong các em thiếu niên của phường. Nhưng muốn trò chơi gắn với cuộc sống các em, cần phải tổ chức thường xuyên các ngày hội, còn không thì với nhiều em trò chơi chỉ thấm qua chứ khó đọng lại. Các trường học phải tính toán sao để giữ các trò chơi trong học sinh, đừng để sức hút công nghệ kéo các em ra khỏi tuổi thơ hồn nhiên trong sáng.

Trong cuộc sống hiện đại, mặt mạnh, mặt yếu của trò chơi dân gian càng bộc lộ rõ. Và khi chơi, trẻ con chỉ được chứ không hề mất, học được nhiều thứ, chơi được nhiều trò giữa muôn thứ để các em lựa chọn, và cái gì thuộc về văn hóa truyền thống cần được giữ gìn. Vậy thì ngay từ bây giờ, tùy vào điều kiện từng gia đình, từng khu phố hay làng quê, mỗi bậc cha mẹ hãy bày cho con, cùng chơi với con; các trường học khuyến khích các em chơi những trò phù hợp với không gian trường học. Chỉ có thể giữ gìn qua từng thế hệ, trò chơi dân gian mới là bản sắc, văn hóa giữa nhiều thứ na ná nhau của thời đại toàn cầu hóa.

Những trò chơi, những câu hát đồng dao đi cùng tuổi thơ, để lại những kỷ niệm đẹp mãi không quên, in dấu trong tâm trí từng người qua từng năm tháng. Còn gì đẹp hơn, sâu sắc hơn khi người ta nhớ về quê hương, về bạn bè, về những tháng ngày vô tư trong trẻo, qua những ngày đắm chìm trong các trò chơi. Để rồi khi lớn lên, khi già đi, có cái mà kể cho cháu con với giọng bùi ngùi: ngày xưa…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.