Vết thương mang trong mình ngày trở trời lại đau nhức, nhưng họ, những thương binh đã cống hiến những năm tháng tuổi xuân cho đất nước, đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, trở thành nông dân sản xuất giỏi.
Trở về sau cuộc chiến với thương binh hạng 4/4, bà Lê Thị Tịch trở thành nông dân sản xuất giỏi. |
Ông Huỳnh Văn A mở đầu câu chuyện của mình bằng kỷ niệm về những ngày trước năm 1975. Năm 1973 ông gia nhập tiểu đoàn R20 (giờ là trung đoàn 971), lúc đó 17 tuổi, mà giấy tờ ghi 19 (khai tăng thêm 2 tuổi). Cha ông đi bộ đội hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân. Mảnh đất Trường Định quê hương ông nằm bên dòng sông Cu Đê, trước mặt là sông, sau lưng là núi, anh dũng kiên cường mà cũng lắm đau thương. Ông là con đầu, sau có 4 em, mà giờ còn một. Mẹ ông ở vậy thờ chồng, nuôi con, giờ đã 84 tuổi. Ông bảo đó cũng là niềm hạnh phúc cho những người như ông, đã có cháu nội ngoại mà vẫn còn mẹ để chăm nom.
Ông A bị thương ở vùng bụng vào ngày 26-3-1975, thì hôm sau Hội An được giải phóng. Đồng đội đưa ông cùng những thương binh khác về bệnh xá Hội An điều trị. Năm 1976 ông mới về quê, tìm mẹ tìm em giữa cảnh quê hương đổ nát, phải xây dựng lại từ đầu. Những năm đó ông làm ruộng, đánh cá tôm trên sông nuôi các em, rồi lập gia đình riêng. Năm 1980 ông cùng một thương binh nữa, ông Hồ Văn Hai (cũng là nông dân sản xuất giỏi, ông Hai mất năm 2016 - PV) ra mảnh đất cuối làng, sát bờ sông, tên là xóm Đùi để vỡ đất trồng trọt. Cả làng ai cũng cười hai ông vì giống như tên xóm, đất cát ở xóm Đùi khô rang không trồng trọt được, phía trước con sông đến mùa mưa là nhấn chìm nhà cửa, vườn tược trong biển nước. Ông A cùng vợ soi tôm cá hằng đêm bán kiếm tiền nuôi con. Rồi vợ chồng ông đắp đất để ngăn một con lạch dài tách ra từ dòng sông, kiếm tôm cá giống dưới sông thả vào để nuôi. Đó là năm 1986. Những năm sau đó, bằng sức người, ông khẩn hoang cả một vùng rộng đến 3ha, đào từng ao nhỏ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh. Ông làm được mấy năm thì bắt đầu vào năm 1998, dân Trường Định học theo ông, đào ao nuôi tôm, cá. Giờ cả vùng này trở thành đầm tôm, cua, nức tiếng một vùng.
Nhà ông A nằm ở giữa, day mặt ra sông. Hai bên cạnh là nhà con trai lớn, con trai thứ, gần đó là nhà con gái. Gió sông thổi lên tràn trề. Ông bảo, chỗ này phải gọi đúng là bãi cát sa mạc. Ngày xưa mới ra đây khẩn hoang, ông đưa dương liễu, bạch đàn về trồng, mộng sau này sẽ làm du lịch mà vẫn chưa làm được. Hai năm nay ông chuyển sang trồng dừa, được 200 gốc rồi, sắp trồng thêm 150 gốc nữa. Cỡ 3 năm dừa sẽ cho trái, ông định làm du lịch sinh thái. Có cá, tôm, cua, gà cũng thả vườn, cây trái quanh nhà, mình phải làm cái gì đó cho vùng này phát triển lên... Nhìn mắt ông ánh lên niềm tin về một tương lai xán lạn phía trước, tôi tin người thương binh già, vẫn giữ nét rắn rỏi và quyết liệt như tố chất của người lính ấy sẽ làm được. Khi ông đã trải qua một thời gian khó và cứ nhắc đi nhắc lại: “Chừ thong thả ri chứ hồi trước cực lắm!”.
Chưa hết, ngoài 3ha mặt nước với 13 ao nuôi, ông chỉ nuôi tôm, cua một phần, còn là giao cho các con và cho người khác mướn, ông A còn trồng 10ha rừng, cũng gần 25 năm rồi. Ông bảo, thu nhập từ nuôi tôm, sau khi trừ hết chi phí, thong thả mỗi năm ông thu cỡ năm chục triệu, rừng cũng cho chừng đó. Với một thương binh như ông, so ra đã hơn hẳn người bình thường.
Ông Huỳnh Văn A bên ao nuôi tôm của mình. |
Năm 1993, cùng với thời gian trồng 10ha rừng, ông Huỳnh Văn A với vai trò là Chi hội trưởng Cựu chiến binh Trường Định và 10 cựu chiến binh của thôn khai khẩn và trồng được 50ha rừng, kín núi Trà Ngâm. Hơn hai chục năm qua, sau khi chia tiền bán cây rừng mỗi kỳ thu hoạch, các ông để lại một ít cho quỹ hội hoạt động. Hiện quỹ Chi hội Cựu chiến binh của ông có 25 triệu đồng tiền mặt, dành để thăm anh em khi ốm đau, ma chay... Thôn có đến 15 thương binh, hầu hết đều từ chiến trường chống Mỹ trở về, trên tổng số 28 cựu chiến binh. Trường Định ngày mới giải phóng có được chừng 40 hộ dân, nay có 268 hộ; thôn có trên 130 liệt sĩ, 27 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (chỉ một Mẹ còn sống), khoảng 90% gia đình có người có công... Vết thương chiến tranh hiện diện lên từng gia đình, từng người có tuổi ở làng quê yên bình này. Nhưng bằng sự quyết tâm vượt lên số phận, ông A cùng bao nhiêu người con Trường Định khác đang làm giàu trên chính quê hương nghèo khó của mình. Đó cũng là niềm tin cho người khác trông vào, để nơi đây trở thành thôn kiểu mẫu, phát triển về mọi mặt mà xã Hòa Liên đang xây dựng.
Cũng giống như ông Huỳnh Văn A, bà Lê Thị Tịch, 65 tuổi, ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang ngồi kể chuyện của mình, giọng nhẹ tênh trước những vất vả khó khăn mà bà từng nếm trải, khó gọi tên thành lời.
“Năm 1964, bà mới 11 tuổi. Nhà có ông chú là du kích xã, cậu ruột cũng ở lại bám trụ, bà là con lớn, sau còn 11 đứa em cả trai lẫn gái. Ban đầu bà làm liên lạc, rồi vô du kích, tham gia hợp pháp. Công việc thì hết chuyển đạn, chuyển gạo, phá nhà định cư dồn dân để cho dân về, rồi bảo vệ, liên lạc cho anh em hoạt động bất hợp pháp. Cũng chẳng nhớ mình bị bắt mấy lần, có lần bà ở tù hơn năm; chúng đánh, tra khảo đủ kiểu, cứ một mực không nhận, rồi cũng thả. Về vẫn hoạt động, hận thù lắm nên có biết sợ là chi đâu. Em trai kề bà cũng vào du kích, em thứ 5 thì đi chiến trường K...”, bà kể. Đi qua chiến tranh, người phụ nữ nhỏ bé xây dựng hạnh phúc với một anh bộ đội, bệnh binh khi đã 24-25 tuổi. Những vết thương do chiến tranh để lại, cộng với chất độc hóa học nhiễm phải khi ở rừng, khiến ông phải cắt cả hai chân, giờ phải ngồi xe lăn.
Trong câu chuyện với tôi, bà Tịch không hề nhắc đến từ khổ. Bà bảo, làm nông cũng không đủ sống, khi một mình nuôi chồng bị bệnh và hai đứa con, còn lo cho các em còn nhỏ dại. Đến hồi em trai mở trại nuôi gà, mỗi ngày bà đạp xe về bến cá Thuận Phước từ lúc 4 giờ sáng để mua cá vụn về cho em. Mấy năm sau cậu em mua được chiếc xe máy cũ, bà mới đỡ đạp xe. Chừng 10 năm đi chở cá như vậy. Đến năm 2002, bà nhận nuôi heo cho Công ty CP Chăn nuôi CP. Nhận công quản lý và chăn nuôi như vậy, mỗi tháng được trả khoảng 10 triệu đồng, chừng đó cũng chưa nhiều nhưng đủ để lo cho chồng, cho con, và lo cho các em, đặc biệt là làm điểm tựa tinh thần cho chồng.
Trong khu vườn một mẫu đất thuê giá rẻ của xã, ngoài khu chăn nuôi, bà trồng đủ thứ rau, bí. Có lẽ giờ tiếp khách đến thăm là phút hiếm hoi bà được ngơi tay chân.
Trong số 1.050 thương binh, bệnh binh (214 người trực tiếp tham gia kháng chiến) của huyện Hòa Vang, số thương binh làm kinh tế giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng họ đã để lại một nghị lực phi thường cho những người khác. Nhìn họ, để soi chiếu vào những cuộc đời đủ đầy hơn, để biết rằng nhận được quả ngọt, phải trải qua bao đắng cay, khó nhọc. Và trái ngọt hái được, là những trái ngon nhất, ngọt nhất, mà họ dâng cho đời, từ tuổi thanh xuân cho đến khi tóc điểm sương. Nhìn họ, để thấy rằng những khó nhọc mà mình có trải qua, cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc, để biết vươn lên mà sống.
HOÀNG NHUNG