Việc xây dựng, kết nối và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của Đặc khu ủy Quảng Đà không phải bắt đầu từ số không tay trắng mà đã kế thừa được cách nghĩ cách làm và cả kinh nghiệm quý của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Đà từ những-năm-trước-hợp-nhất. Trước hết có thể kể đến sự kiện tháng 11 năm 1964 - khoảng thời gian xảy ra trận lụt Giáp Thìn. Bút ký Tuổi trẻ biết xông pha của nhà văn Hồ Duy Lệ đăng trên Trang thông tin điện tử Văn nghệ Quảng Nam kể rằng “vào giữa tháng 11 năm 1964, có 32 cơ sở cách mạng cốt cán từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Định, tập kết đúng hẹn tại các địa bàn ở Thanh Trung, Phong Thử, Giáng La và La Huân để lên chiến khu học chính trị. Lớp học mới khai mạc một ngày thì trời đổ mưa. Mưa lớn kéo dài, núi lở, cây đổ... Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Hồ Nghinh cho ngừng lớp học, biết lụt to nên không thể kéo dài hết 10 ngày mà lo cho anh em xuống núi sớm”.
Trong số cơ sở cách mạng cốt cán ấy, có 16 người đến từ bên kia đèo Hải Vân với các gương mặt quen thuộc như hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan hay như Trần Quang Long - tác giả bài thơ Thưa mẹ, trái tim nổi tiếng... Do lụt lớn nên những kiến thức về chính trị mà Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng dự kiến trang bị cho học viên qua lớp học 10 ngày đã không đến được với họ đúng như kế hoạch. Thế nhưng chính những gì diễn ra trong thực tế Quảng Đà mà họ tận mục sở thị lại làm bùng cháy trong họ ngọn lửa nhiệt tình cách mạng. Bút ký Tuổi trẻ biết xông pha của Hồ Duy Lệ dẫn lời của Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi chuyến vượt Hải Vân không thể nào quên này là “chuyến đi trưởng thành của Hội Liên hiệp Sinh viên học sinh Giải phóng Trung Trung Bộ, mà hầu hết mới lần đầu ra sinh hoạt ở vùng giải phóng (…) Chúng tôi đã có mặt trên mảnh đất nhỏ này và ra đi theo hướng bão, tới những chiến trường xa xôi khác nhau, trưởng thành trong những hoàn cảnh chiến đấu khác nhau. Ngày về bạn bè đếm lại nhau, một nửa còn, một nửa kia đã không bao giờ trở lại, nhưng tất cả đều chia sẻ một niềm tự hào thầm kín: mỗi cuộc hành trình riêng đều mang dấu ấn tâm truyền của mảnh đất đã trao phần đạn cho chúng tôi lúc lên đường, mỗi người trong lý lịch chiến đấu của mình, đều xuất thân từ một ngôi làng nhỏ đất Quảng tên là Giáng La”.
Đáng chú ý, trong hồi ức của Hoàng Phủ Ngọc Tường về chuyến đi này có hình ảnh một nhà thơ đất Quảng: “Đêm đầu tiên ở vùng căn cứ, chúng tôi gặp một người mặc quần cọc, áo cổ vuông, gùi một con heo lớn, bấm đèn pin từ dưới suối đi lên, ướt sũng, vạm vỡ, mông và vai căng tròn dưới sức nặng mang trên lưng, hoàn toàn giống một đồng chí anh nuôi miền Thượng vẫn thường thấy ở vùng căn cứ. Đến lúc giới thiệu, tất cả anh em mới lên đều nẩy bật vì lấy làm lạ: đó chính là nhà thơ Thu Bồn, nhiều anh em từng đọc thơ anh. Lạ lùng và cảm động hơn nữa khi biết anh đã đi nhiều ngày đường tới những làng núi để gùi heo về chuẩn bị đón anh em thành phố lên ăn Tết. Đêm ấy, Thu Bồn đọc thơ cho chúng tôi nghe đến sáng, và tuyên bố một câu gây xúc động: Đây là mười sáu chiếc máy cái của phong trào sinh viên học sinh miền Trung”. Sự có mặt của nhà thơ Thu Bồn ở đây không thể nói là ngẫu nhiên mà nằm trong kế hoạch do lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng sắp xếp để đón tiếp những chiếc máy cái của phong trào sinh viên học sinh miền Trung - theo cách nói của chính tác giả trường ca Bài ca chim chơ-rao. Rõ ràng hình ảnh nhà thơ Thu Bồn đã tạo được ấn tượng sâu sắc với những vị khách “đặc biệt” này và do vậy có thể xem đây là sản phẩm của một cách nghĩ cách làm đầy sáng tạo.
Tiếp theo là sự kiện tháng 8 năm 1965 - mấy tháng sau khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng: Theo giới thiệu của nhà thơ Phan Duy Nhân/Phan Chánh Dinh, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức đón Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái ở vùng giải phóng. Hồi ức của Nguyễn Hữu Thái về chuyến đi này đầy ấn tượng: “Tôi vội vã đi tìm đầu mối Mặt trận Giải phóng theo như sự sắp xếp trước đây của một số bạn hữu ở Đà Nẵng và Sài Gòn để đi tham quan một mật khu giải phóng. Người đó cũng đang nóng lòng chờ tôi. Thì ra, không ai xa lạ mà là Phan Duy Nhân, một nhà thơ sinh viên mà tôi đã có dịp đăng thơ anh sáng tác khi phụ trách tạp chí Mai ở Sài Gòn mấy năm trước (…) Tôi được hai cán bộ vào độ tuổi trung niên tiếp. Một anh tên Võ Văn Đặng, cao gầy, khá lớn con và vui tính, dáng dấp nông dân rặt, chào hỏi tôi với một giọng đặc Quảng Nam ồm ồm, có lẽ từng bám trụ “nằm vùng” lâu năm tại chỗ. Người kia là Hà Kỳ Ngộ, thấp người nhưng rắn chắc, mang nét công nhân, bình lặng ít nói, có lẽ đã tập kết ra Bắc rồi trở về Nam chiến đấu vì giọng anh đã pha tiếng Bắc...” (Dẫn theo Hồ Duy Lệ: Tuổi trẻ biết xông pha). Nếu như trong sự kiện tháng 11 năm 1964, nhà thơ Thu Bồn được phân công đến giao lưu cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Quang Long… thì trong sự kiện tháng 8 năm 1965, nhà thơ Phan Duy Nhân được phân công đưa Nguyễn Hữu Thái vào vùng giải phóng. Đặc biệt lần này Nguyễn Hữu Thái được hai cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng là Võ Văn Đặng và Hà Kỳ Ngộ trực tiếp đến gặp.
Trong bài giới thiệu sách Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2009), tôi đã dẫn bài viết của Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an - bài Dấu ấn anh Hồ Nghinh - nhà trí thức cách mạng, trong đó có đoạn: “… Một lần nhận được điện của văn phòng, báo có đồng chí Thái bác sĩ đến thăm, tôi thấy từ sáng sớm anh đã dậy và dặn tôi dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị pha trà để tiếp bác sĩ Thái. Anh nói: “Anh Thái là trí thức đó, phải tiếp chu đáo” (…) Việc trên là dấu ấn khắc sâu trong tâm trí tôi đến bây giờ”. Có thể nói hồi ấy, mỗi khi đón tiếp trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng đều “xuất tướng”, đều thể hiện sự trọng thị đúng mức, đồng thời cũng trực tiếp “điều chỉnh” một số quan điểm chưa đúng về trí thức, văn nghệ sĩ như lời kể của nhà giáo Nguyễn Đình An: “Có ai đó nói với anh Nghinh rằng mấy anh em báo chí văn nghệ chúng tôi là tiểu tư sản. Anh cười nói lại: “Mấy ông ăn chuối cây, chúng nó cũng ăn chuối cây. Mấy ông thái to chấm mắm. Nó xắt nhỏ như thuốc rê lại bóp bột cam Mỹ, ăn ngon hơn, thế là chúng nó văn minh hơn chứ” (Nguyễn Đình An: Những ngày ấy anh Nghinh và báo chí văn nghệ, đăng trong sách Hồ Nghinh - một chiến sĩ, một con người, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2009)…
Tháng 11 năm 1967, Đặc khu Quảng Đà được thành lập nhằm tăng cường sức mạnh cho mặt trận Đà Nẵng - nơi có “cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó, cứ đêm đêm nức nở gọi ta về” như cách nói đầy hình ảnh của nhà thơ Lê Anh Xuân khi nghĩ về mặt trận Sài Gòn những năm đánh Mỹ, Đặc khu ủy Quảng Đà càng có điều kiện phát huy cách nghĩ cách làm và cả kinh nghiệm quý của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Đà từ những-năm-trước-hợp-nhất trong việc xây dựng, kết nối và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Cũng chính vì hướng về mặt trận Đà Nẵng nên trong suốt những năm từ 1967 đến 1975, Đặc khu ủy Quảng Đà hết sức quan tâm đến hoạt động trí vận trong nội thành. Ngày mồng 7 tháng 8 năm 1969, Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh đã ký ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Đặc khu ủy (bí số C.50) về việc đẩy mạnh đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên ở Đà Nẵng và Hội An, nêu rõ cần “tiếp tục đẩy mạnh dư luận rộng rãi trong học sinh, sinh viên, trí thức ủng hộ cuộc đấu tranh của sinh viên Sài Gòn” chống quân sự hóa học đường; “cử phái đoàn của thanh niên học sinh vào Sài Gòn tỏ tình đoàn kết với sinh viên Sài Gòn”, “hình thành các ban hành động ở các trường hưởng ứng phong trào Sài Gòn, lãnh đạo đấu tranh chống quân sự hóa thanh niên, học sinh, thiếu nhi, chống bắt lính, bắt vào phòng vệ dân sự, nhân dân tự vệ, đồng thời chống thi cử gian lận, lệ phí, học phí cao…”, “để phát động đấu tranh cần mở các cuộc hội thảo ở từng trường của học sinh, có kiến nghị hoặc thỏa thuận thống nhất hành động đấu tranh, tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các giáo sư…”, “vận động học sinh đi dự đông đảo, có cử đại biểu đọc tham luận xoay quanh các vấn đề chống bắt lính, đòi dân chủ hòa bình, chấm dứt chiến tranh…” tại Đại hội Thanh niên học sinh Phật tử ngày 24 tháng 8 năm 1969… (tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thanh ủy Đà Nẵng, số 121-II). Chỉ thị này cho thấy sự nhạy bén của lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà khi chủ trương kết nối giữa phong trào đấu tranh của trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn Đặc khu với phong trào đấu tranh chung của trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên các thành thị miền Nam.
Cách đây gần 30 năm, vào ngày 24 tháng 5 năm 1990, tại Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có một cuộc tọa đàm về vai trò trí thức Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1955-1975 với sự tham gia của ba diễn giả chính: Trần Hưng Thừa, Võ Văn Đặng và Nguyễn Phúc. Qua biên bản hội thảo đang lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng (số YIII-295), có thể thấy ba diễn giả chủ yếu trao đổi về vai trò trí thức Đà Nẵng trong giai đoạn 1969-1975, tức là từ sau khi thành lập Đặc khu Quảng Đà cho đến ngày thống nhất đất nước. Đáng chú ý là thời gian này, Đặc khu ủy Quảng Đà đã thành lập Ban Cán sự Trí vận Đà Nẵng trực thuộc Đặc khu ủy, hoạt động cả trong Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà mới mở năm 1974.
Hơn 40 năm đã qua kể từ ngày Đặc khu Quảng Đà kết thúc vai trò lịch sử của mình, hôm nay nhìn lại quá trình xây dựng, kết nối và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của Đặc khu ủy, của Ban Thường vụ Đặc khu ủy trong những năm tháng chiến tranh, có thể khẳng định sự sáng tạo đáng khâm phục của một tập thể cấp ủy và của cá nhân những người đứng đầu cấp ủy trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng - một chiến trường được xem là gian khó, ác liệt vào bậc nhất thời chiến tranh giải phóng của Khu 5 và không chừng là gian khó, ác liệt vào bậc nhất thời chiến tranh giải phóng của cả miền Nam.
BÙI VĂN TIẾNG