Trong cuốn “Phan Công Thiên và công cuộc trấn thủ đất Hóa Châu” của Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phan Văn Bé (*) có một nội dung trọng tâm viết về Phan Công Thiên. Bài viết này không đề cập tất cả vấn đề về Phan Công Thiên như tác giả đã nêu, mà chủ yếu trao đổi một số nội dung liên quan đến Phan Công Thiên, nhưng trong Phan tộc phổ chí Đà Sơn - Đà Ly nhị xã (viết tắt là Tộc phả)(1) không ghi chép. Đây là tài liệu duy nhất ghi chép về Phan Công Thiên và cũng là tài liệu nền của cuốn sách.
1. Theo tác giả, “Phan Công Thiên sinh ngày mồng 6 tháng giêng năm Mậu Ngọ (1318), tại Thanh Lam động, tỉnh Thanh Hóa (nơi sau này Lê Lợi tụ nghĩa khởi binh chống quân Minh)”, “ngày 14 tháng 4 âm lịch (1405), Thuận Quốc Công Phan Công Thiên qua đời”.
Nhưng theo Tộc phả, thủy tổ của dòng tộc “Thời thượng cổ lưu dấu cũ ở động Thanh Lam hiệu là bộ Việt Thường. Thời trung cổ dời vào Lâm Châu (nay là đất Lâm Bình)(2). Thời cận cổ lại dời vào Đà Bàn (nay là đất Bình Định) đổi hiệu là nước Chiêm Thành, bao trùm cả Thanh Hà (nay là Thanh Hoa), về nam tới động Thạch Bi (nay là đất Thuận Thành). Tiếp nối các đời làm chủ đất nước gồm 68 thế kỷ (đất cũ thổ âm gọi là “dung anh”). Các thế hệ trong tộc đều dùng chữ khoa đẩu(3) để ghi chép”. Như vậy, động Thanh Lam không phải là nơi sinh của Phan Công Thiên mà là nơi phát tích của thủy tổ dòng tộc.
Theo Tộc phả, ông được tôn là Tiên công đời thứ nhất là do “không họp mặt được hết nên không thể tra cứu tường tận để ghi chép đầy đủ, bèn kính cẩn tạm đặt Tiên công ta làm “vị cao tổ đời thứ nhất”. Vì thế, trước vị Tiên công Phan Công Thiên còn nhiều thế hệ nữa nhưng không ghi chép trong Tộc phả. Điều này cũng đã được con cháu của dòng tộc khi dịch Tộc phả sang chữ quốc ngữ vào năm 1989 ghi nhận: “Phan Công Thiên phải có nhiều đời Phan tiên công trước đó”.
Theo Tộc phả, ông mất vào “năm thứ ba niên hiệu Hồ Khai Đại, tháng tư ngày mười bốn”, tức ngày mười bốn tháng tư năm 1405; lễ sinh của ông chỉ ghi ngày 6 tháng 1, không ghi năm. Như vậy, Tộc phả không ghi năm sinh của ông như tác giả đã thể hiện trong sách - năm 1318.
2. Về vị trí xã hội, chức tước và sắc phong của Tiên công Phan Công Thiên, Tộc phả có ghi: “Hậu chúa chúng ta đi sứ triều cống Trung Hoa thấy tận mắt nền văn minh đã xâm nhập vào các lân bang của chúng ta là hai bộ Giao Chỉ và Tượng Quận nhà nhà kinh sử, xứ xứ cày bừa, không như tập tục lạc hậu của nước ta, chỉ biết đốn cây gieo lúa, đốt núi trồng ngô… Khi nghe tin Hậu chúa chết, ngụy Mật bèn giết phó chúa tự lập làm vua nước Đà Giang. Tiên công chúng ta là em ruột Hậu chúa… Tiên công ta liệu sức không thể chống cự lại được, bèn ủy quyền cho ông Bí động trưởng động Thượng Thành (nay là đồn Quy Nhơn) giữ nước, còn Tiên công mang quốc ấn và giấy tờ sổ sách của tộc chạy sang đất Giao Chỉ, tìm đến vua Trần xin binh tướng về diệt Mật…”. Nhà Trần đã phong cho Tiên công các chức tước: “Đô chỉ huy kinh lược chiêu dụ sử trí sứ”, “Thành hoàng tướng quân Thuận quốc Công”. Tiên công được vua Lê phong “Hữu Dực thánh thành hoàng”.
Tuy nhiên, theo tác giả, Phan Công Thiên là vị Thuận Quốc Công “54 năm trấn thủ đất Hóa Châu”; năm 1339 ông là “Thượng tướng quân” hay Đại tướng quân” tức Điện tiền chỉ huy sứ (gọi tắt là điện súy) chỉ huy quân cận vệ” của nhà Trần; “năm 1346, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông và Hoàng Đế Trần Dụ Tông ra chỉ dụ tấn phong ông là “Đô chỉ huy kinh lược sứ”, “mang theo 20 phiên đoàn và một binh đoàn hải quân vào trấn giữ đất Hóa Châu”; “Quân đội thường trực của nhà Trần ở Hóa Châu, lúc nào cũng có 20 phiên đoàn (ít nhất là trên 5 ngàn quân trở lên)”; ông “được vua Trần Dụ Tông ban tước Thuận Quốc Công”.
Trừ tước hiệu “Thuận Quốc Công” và chức “Đô chỉ huy kinh lược sứ”, những thông tin mới và cụ thể còn lại của tác giả về Phan Công Thiên không có trong Tộc phả. Chính sử Đại Việt cũng hoàn toàn không ghi chép về vị tướng Phan Công Thiên nào ở châu Hóa trong giai đoạn lịch sử trên.
3. Đặc biệt, một thông tin chắc sẽ làm giới sử học không thể không ngạc nhiên khi tác giả cho rằng Phan Công Thiên 4 lần đánh bại Chế Bồng Nga trên đất Hóa Châu.
Theo tác giả, “trong các năm 1361, 1362, 1365, 1366, Chế Bồng Nga liên tục đưa đại quân gồm: Thủy quân, bộ binh, kỵ binh, tượng binh đồng loạt tiến đánh thủ phủ Trà Ngâm Động của Phan Công Thiên. Khi thủy quân hùng mạnh của Chế Bồng Nga giăng buồm đi vào cửa Đại Chiêm, cửa sông Cu Đê, cửa sông Hàn bị hải quân của Đại Việt dùng hỏa công đánh cho tơi tả, buộc phải rút chạy ra biển. Lực lượng bộ binh, kỵ binh và tượng binh của địch xuất phát từ Cổ Lũy, Chiêm Động vượt sông Thu Bồn, sông Cầu Đỏ tiến vào Trà Ngâm, Trà Na, Lầu Cấn, Nô Cố, Đồng Quang, Phú Thượng, Cổ Mân… thủy binh và các phiên đoàn hùng mạnh của quân Đại Việt đã chiến đấu anh dũng, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch. Đặc biệt, đồng bào Chiêm đã mang phèng la, thanh la, cồng chiêng ra khua khiến tượng binh, kỵ binh của quân Chiêm hốt hoảng chạy tán loạn tạo điều kiện cho quân Trần phản công tiêu diệt và đánh đuổi địch chạy về bên kia biên giới”.
Tôi xin trích lại các hoạt động quân sự của vương quốc Chiêm Thành trong 4 thời điểm mà tác giả nêu trên trong bộ chính sử Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng như trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục.
Năm 1361, “Tháng 3, giặc cỏ Chiêm Thành vượt biển đến cướp dân ở cửa biển Dĩ Lý. Quân của phủ ấy đánh tan bọn chúng”. Cửa biển Dĩ Lý thuộc xã Lý Hòa, huyện Bố Trạch, phía bắc tỉnh Quảng Bình ngày nay, tức châu Bố Chính cũ.
Năm 1362, “Tháng 3, Chiêm Thành cướp Hóa Châu. Mùa hạ, tháng 4, sai Đỗ Tử Bình duyệt bổ quân ở Lâm Bình, Thuận Hóa và đắp thành Hóa Châu”. Sử chỉ ghi “cướp Hóa Châu” nhưng không ghi cụ thể ở đâu và cũng không ghi bị Đại Việt đánh bại. Lâm Bình là vùng phía nam của tỉnh Quảng Bình ngày nay; Thuận Hóa là đất Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế và một phần đất từ Hải Vân đến sông Thu Bồn ngày nay. Thành Hóa Châu ở phía bắc thành phố Huế, thuộc huyện Quảng Điền, gần tỉnh Quảng Trị.
Năm 1365, “Mùa xuân, tháng giêng, người Chiêm Thành cướp dân đi chơi xuân của Hóa Châu. Trước đây, theo tục Hóa Châu, tháng giêng hằng năm, trai gái họp nhau ở Bà Dương chơi trò đánh đu. Người Chiêm đã nấp sẵn ở đầu nguồn Hóa Châu từ tháng 12 năm trước, đến khi ấy ập tới cướp bắt đem về”. Vậy là Chiêm Thành đã thành công trong việc bắt người ở Hóa Châu, họ không bị đánh bại. Địa danh Bà Dương của Châu Hóa cũng không rõ ở đâu.
Năm 1366, “Tháng 3, người Chiêm cướp phủ Lâm Bình. Quan phủ Phạm A Song đánh bại chúng. Thăng A Song làm đại tri phủ Lâm Bình, Hành quân thủ ngự sử”. Lần này quân Chiêm Thành lại đánh ra tận Lâm Bình như năm 1361, Phạm A Song đánh bại và được phong làm tri phủ của Lâm Bình, không liên quan đến vùng đất phía nam Hải Vân.
Có thể các sử quan Đại Việt không thể ghi chép đầy đủ tất cả sự việc đã diễn ra, nhưng rất khó tin rằng họ đã không biết chiến công vang dội và chấn động 4 lần đánh bại đội quân hùng mạnh của Chế Bồng Nga của một vị “Thuận Quốc Công” ở Châu Hóa nên đã không chép vào sử sách. Trong các công trình của các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Champa, trong đó có các nhà nghiên cứu là người Chàm như Po Dharma, Trà Thanh Toàn… cũng không ghi nhận có sự kiện 4 lần đánh bại Chế Bồng tại Châu Hóa.
Tác giả cung cấp được sử liệu mới về sự kiện 4 lần đánh bại Chế Bồng Nga thì đó sẽ là một đóng góp đáng kể cho sử học.
4. Trong Lời nói đầu của cuốn sách, tác giả cho rằng: “Có một Huyền Trân công chúa nên đã có một thành phố Đà Nẵng đẹp như hôm nay. Vậy mà ở thành phố này chưa hề có một am thờ, miếu thờ bà Huyền Trân công chúa!”... “Vậy mà khắp Đà Nẵng chẳng có một đường phố nào được “vinh dự” mang tên ngài và con cháu của ngài... Đó là lỗi của những người hậu thế”.
Trên địa bàn Đà Nẵng, từ xưa đã có ít nhất 2 miếu thờ Huyền Trân, một ở Ngũ Hành Sơn và một ở ngay làng Nam Ô, dưới núi Xuân Dương, quận Liên Chiểu, không xa với làng Đà Sơn của ông Phan Công Thiên. Ngày nay, các miếu thờ này vẫn còn.
Đặt tên đường là vinh danh những người có công với đất nước, với quê hương. Một số nhân vật chưa làm rõ thân thế, sự nghiệp, chiến công và đóng góp của họ, chưa tổ chức hội thảo khoa học để làm sáng tỏ và thống nhất nên chưa đặt tên đường, trong đó có Phan Công Thiên.
Một số vấn đề trao đổi lại với Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phan Văn Bé, tác giả cuốn sách trên, cũng là mong muốn góp phần làm sáng tỏ thêm về Phan Công Thiên.
VŨ HÙNG
(*)Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, phát hành năm 2014.
(1) Bản “Phan tộc phổ chí Đà Sơn - Đà Ly nhị xã”, do con cháu đời thứ 21 và 22 tộc Phan Đà Ly, tức Phong Lệ, nay là thôn Phong Bắc và thôn Phong Nam dịch sang chữ quốc ngữ, ngày 28-12-1989; và bài viết “Một phổ chí nói về quan hệ Việt - Chăm” của nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng công bố vào năm 2009, kèm theo phần dịch âm và dịch nghĩa của Tộc phả trên.
(2) Lâm Châu, nay thuộc tỉnh Quảng Bình.
(3) Chữ khoa đẩu là chữ Chàm.
Bài viết có tham khảo nhiều sử liệu liên quan.