Xoa dịu nỗi đau

.

Có một nơi mà những nỗi đau thể xác và tinh thần tưởng chừng vượt quá sức chịu đựng của con người được xoa dịu. Giành mọi nỗ lực để giúp người bệnh và thân nhân vượt qua nỗi đau một cách nhẹ nhàng, bình thản nhất, đó là những gì đang diễn ra tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ - Điều trị tích cực (CSGN - ĐTTC) - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Bệnh nhân tại khoa CSGN - ĐTTC được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình mỗi ngày.  Ảnh: T.T
Bệnh nhân tại khoa CSGN - ĐTTC được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình mỗi ngày. Ảnh: T.T

Tình người ấm áp

Trong một căn phòng của bệnh nhân khoa CSGN-ĐTTC, anh L.V.H (trú đường Lê Hữu Kiều, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đang vừa xoa bóp chân vừa tỉ tê trò chuyện với cha anh - ông L.V.Th, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối. Anh kể cho cha nghe những chuyện ở nhà, thằng Tư, thằng Út vẫn đi biển, mấy đứa cháu đang nghỉ hè tụ tập lại là vui chơi… Mắt ông Th. hấp háy niềm vui, khi nhắc đến lũ trẻ: “Chiều đưa tụi hắn vô thăm ba nghe, ba nhớ sắp nhỏ quá!”.

Ông Th. phát hiện bệnh từ tháng 8 năm 2016. Ông Th. vốn là ngư dân. Đi biển lạnh, lại làm ngày làm đêm, hầu hết ngư dân đều hút thuốc rất nhiều. Họ cho rằng hút thuốc là cách “giữ ấm” cơ thể. Ông ho nhiều nhưng gia đình cứ nghĩ bị phổi hoặc lao bình thường. Lúc đưa vào bệnh viện, phát hiện ông bị ung thư thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối. Có điều, cho đến nay, cả nhà vẫn giấu không cho ông biết, mong ông lạc quan những ngày cuối đời.

Ở giường bên cạnh, bà Ph. T. M (64 tuổi, quê Điện Bàn, Quảng Nam) đang giặt khăn lau mặt cho chồng - ông L.Đ.B (74 tuổi), cũng là bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà lau mặt, lau tay, chân cho ông chăm chút, yêu thương. Ở căn phòng này, vợ chồng bà M. được mệnh danh “vợ chồng son”. Vợ chồng bà có 6 người con nhưng họ hoặc đi làm ăn xa, hoặc còn vất vả, nghèo khó nên không phụ giúp được gì cho cha mẹ. Bà M. kể, ngày nhận kết quả ông bị ung thư, bà và các con đều suy sụp. Từ khi theo ông vào viện, được sự động viên của các y, bác sĩ, bà M. nhận ra mình không được phép gục ngã, lúc này bà cần mạnh mẽ hơn bao giờ hết!

“Hôm nay bác B. có gì vui không ạ? Nhìn mặt bác tươi quá!”, giọng nữ điều dưỡng Trần Thị Cẩm Vân (sinh năm 1990) nhẹ nhàng cắt ngang câu chuyện giữa chúng tôi với bà M. Dù còn khá trẻ  nhưng cô có tiếng tận tình, chu đáo. Đến giường bệnh nào, cô cũng nắm tay bệnh nhân, tận tình thăm hỏi và không quên nở nụ cười hiền dịu. Vân nói, là người trong ngành, cô hiểu những cơn đau của bệnh nhân ung thư. Vì vậy, nếu nụ cười, lời nói dịu nhẹ có thể giúp họ phần nào vơi bớt nỗi đau thì cô sẵn sàng cười nhiều hơn thế, ngọt ngào hơn thế.

Tại khoa CSGN - ĐTTC này, mọi bệnh nhân dù giàu nghèo đều được đối xử bình đẳng, thậm chí, những bệnh nhân không có người thân còn được ưu ái hơn. Nhiều bệnh nhân kể, hầu như ai vào đây cũng đều được bác sĩ hỏi: “Có bảo hiểm hộ nghèo không?” và nếu ai chưa có đều được bác sĩ “rỉ tai” phải về xem lại điều kiện để xin bảo hiểm hộ nghèo nhằm miễn giảm chi phí chữa bệnh bởi tiền chữa ung thư không có điểm dừng.

Sự chăm sóc tận tình, không mệt mỏi và toan tính của người nhà đối với thân nhân không còn hy vọng sống là điều khiến chúng tôi xúc động. Nhưng, xúc động hơn chính là những ân tình từ những y, bác sĩ đối với bệnh nhân ung thư tại khoa CSGN - ĐTTC này. Bên cạnh không gian sống chan hòa, đầy sẻ chia từng bát cháo, gói bánh, hộp sữa giữa những người nhà bệnh nhân đi theo chăm sóc thân nhân lâu dài ở đây, đã có những câu chuyện cảm động về những hộ lý không chỉ lo thuốc men, mà còn săn sóc từng bữa ăn giấc ngủ, tắm rửa, gội đầu cho người bệnh. Như chuyện ông Ng.V. Đ (Thừa Thiên Huế), bị ung thư não giai đoạn cuối, vào viện một thân một mình đã gần năm nay. Những bữa ăn của ông khi thì nhờ người nhà bệnh nhân khác, khi thì điều dưỡng phải xuống tận bếp lấy giúp. Những công việc khác như ký giấy tờ, nhận thuốc men… đều được điều dưỡng làm giúp và đưa đến tận giường. Khi chúng tôi đến giường hỏi thăm ông, điều dưỡng Bùi Văn Hoàn vừa phát thuốc xong đã nán lại kể cho chúng tôi về bệnh tình cùng hoàn cảnh éo le của ông Đ. Ông Đ. không có con, có vợ bị nhược thị, mới đây còn bị tai nạn giao thông gãy chân, nên không thể vào viện chăm ông. Căn bệnh u não của ông Đ. hiện đã di căn khắp cơ thể khiến thần kinh ông không bình thường, cơ thể kiệt quệ.  Ông lại thích đi lang thang khắp nơi trong bệnh viện, đến khi không đi nổi nữa thì bạ đâu ngồi đó rồi các điều dưỡng, y, bác sĩ lại  đưa về giường… Cũng tại khoa này, nhiều bệnh nhân khi còn sống không có người chăm sóc, đến lúc họ ra đi cũng không ai đến nhận. Khi đó, chính các y, bác sĩ là người đứng ra tổ chức tang lễ trọn vẹn ân tình... Họ đã gieo ánh sáng tình người ấm áp an ủi bệnh nhân bất hạnh, những ngày cuối đời.

Còn lắm trăn trở

Theo bác sĩ Nguyễn Danh Hiền, Trưởng khoa CSGN - ĐTTC, bệnh ung thư thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, vì vậy, bệnh nhân phải gánh chịu hàng loạt biến chứng do bệnh tật và biến chứng của các phương pháp điều trị gây nên. Và khi đã phát hiện ở giai đoạn muộn, thì mọi nỗ lực điều trị cũng chỉ giúp kéo dài sự sống. Sau những đợt điều trị, người bệnh ở giai đoạn cuối vẫn sẽ phải đối mặt với di căn, tái phát, biến chứng và chết một cách đau đớn. Ngoài sự đau đớn thực thể, hầu hết người bệnh ung thư bị chấn thương tâm lý nặng nề, bởi sự khủng hoảng tinh thần khi hay “tin dữ”. Chính vì vậy, khoa CSGN - ĐTTC ra đời tại bệnh viện từ ngày thành lập nhằm xoa dịu, chia sẻ nỗi đau người bệnh những ngày cuối đời, bằng các liệu pháp thuốc men, trị liệu tâm lý và cả tấm lòng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên.

Có điều, đối với bệnh ung thư, dù có muốn trấn an bệnh nhân và người nhà thế nào đi nữa, y, bác sĩ tại khoa CSGN - ĐTTC cũng không được phép vẽ nên “bức tranh tươi hồng” về căn bệnh quái ác này trước mắt họ. Điều cần đầu tiên là phải để chính bệnh nhân và người nhà nhận thức đầy đủ tính chất, phương pháp điều trị bệnh, từ đó hợp tác, chuẩn bị tối đa mọi mặt tinh thần để điều trị hiệu quả nhất. Bệnh ung thư nếu dừng điều trị, “bệnh sẽ tiến triển không kiểm soát”, bác sĩ Hiền lưu ý. Cần quan niệm bệnh ung thư cũng như các bệnh khác, bệnh nào không được điều trị đúng cách cũng đều đi đến cái chết, ung thư cũng vậy. Không phải ai mắc bệnh ung thư cũng chết, đặc biệt với một số loại ung thư và nếu được phát hiện, điều trị sớm. Cũng theo bác sĩ Hiền, một “ám thị” phổ biến nữa cần được loại bỏ với cả bệnh nhân ung thư và người nhà là sự hiểu lầm về những triệu chứng đi kèm của các liệu pháp điều trị hóa trị, xạ trị với diễn tiến của bệnh. Các liệu pháp hóa trị, xạ trị sẽ gây đau đớn, suy kiệt gần như cùng cực thể chất người bệnh, nhưng rồi sẽ qua, nếu người bệnh hiểu rõ, kiên trì đối mặt, không nên hiểu lầm đó là diễn tiến xấu của bệnh.

Theo lý thuyết, cùng với nhiều bệnh đe dọa tính mạng, mãn tính nguy hiểm khác, đối tượng nên được đánh giá chăm sóc giảm nhẹ gồm tất cả bệnh nhân ung thư, xuyên suốt quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, người bệnh được đưa vào điều trị tại khoa CSGN - ĐTTC mới ở các đối tượng: bệnh nhân không còn cơ hội chữa khỏi; những trường hợp biến chứng xấu; những trường hợp diễn biến xấu của các bệnh kèm theo bệnh ung thư như tiểu đường, suy thận, tăng huyết áp... Tại đây, người bệnh sẽ được các y, bác sĩ thực hiện các biện pháp chuyên môn hồi sức tích cực và điều trị giảm nhẹ các triệu chứng đau đớn, động viên tinh thần cho đến lúc qua đời. Đồng thời, là các giải pháp tâm lý đối với người nhà, bởi theo bác sĩ Hiền, trong nhiều trường hợp, “người nhà còn suy sụp hơn cả người bệnh”. Cụ thể, hằng tuần, tại khoa CSGN - ĐTTC sẽ tổ chức những buổi sinh hoạt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cả bệnh nhân và người nhà về bệnh ung thư. Và những tuyên truyền viên đôi khi không phải là các y, bác sĩ mà chính là những người nhà đã có kinh nghiệm trong chăm sóc người bệnh ung thư trước đó. Bên cạnh đó là những hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện sức khỏe, tinh thần người bệnh.

Hiện 6 bác sĩ, 23 y tá cùng 4 hộ lý của khoa CSGN - ĐTTC đều đã được học qua các lớp tập huấn, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều trị cho 60-75 bệnh nhân của khoa. Tuy nhiên, việc CSGN - ĐTTC còn nhiều vấn đề đáng bàn. Chỉ tính riêng nhu cầu bệnh nhân được CSGN - ĐTTC tại bệnh viện, tối đa 75 giường bệnh tại khoa chỉ đáp ứng chưa đến 10% (hiện bệnh viện đang có 750-800 bệnh nhân). Và xét đúng chuyên môn, việc CSGN trong một số trường hợp cần được tiến hành tại nhà - nơi quyền lợi người bệnh được bảo đảm tối đa. Hiện tại, các bệnh nhân chỉ được can thiệp nội trú, tại bệnh viện. “Nếu triển khai được mô hình chăm sóc tại nhà, sẽ là điều tốt nhất đối với bệnh nhân và người nhà. Và quan trọng, tôi nghĩ Đà Nẵng hoàn toàn đủ điều kiện để triển khai”, bác sĩ Hiền trăn trở.

Hiện ở Đà Nẵng chỉ có Bệnh viện Ung bướu là nơi duy nhất có khoa CSGN - ĐTTC, trong khi nhu cầu thực tế của người bệnh là rất lớn. Có điều, trong một số trường hợp, dường như chưa có sự gặp gỡ giữa nhu cầu bệnh nhân và khoa, đơn vị điều trị. Bởi năm 2015, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng đã thành lập chuyên khoa CSGN - ĐTTC, tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, bệnh viện này chỉ tiếp nhận 4 ca bệnh. Số ca bệnh quá ít khiến bệnh viện không đủ kinh phí để duy trì, buộc phải đóng cửa.

"Nếu triển khai được mô hình chăm sóc tại nhà, sẽ là điều tốt nhất đối với bệnh nhân và người nhà. Và quan trọng, tôi nghĩ Đà Nẵng hoàn toàn đủ điều kiện để triển khai"

Bác sĩ Nguyễn Danh Hiền - Trưởng khoa CSGN - ĐTTC - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

THANH TÂN - QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.