Chín tháng qua, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 3 vụ ngộ độc thức ăn tập thể. Đây là cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên diện rộng, nhất là các nhà hàng, quán ăn phục vụ trực tiếp cho thực khách.
Các ngành chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Đầu mối Hòa Cường. Ảnh: D.N |
Theo số liệu đã công bố, nạn nhân 3 vụ ngộ độc thực phẩm đều phải nhập viện cấp cứu. 75 nạn nhân hầu hết là du khách, đều sử dụng đồ ăn thức uống của các nhà hàng, quán ăn lớn trên địa bàn thành phố. Điều đáng nói, các nhà hàng quán ăn nói trên đều được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn đều được chấm điểm hằng năm. Thế nhưng khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng tiến hành xử lý mới thấy “lỗ hổng” lớn từ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Việc cấp giấy “thông hành” cho các nhà hàng, quán ăn hiện nay còn khá là dễ dãi, chỉ tập trung đầu vào, nhưng thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên sau khi cấp các loại giấy tờ.
Qua ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều thời điểm thành phố diễn ra các sự kiện lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế; nghỉ lễ 30-4, 1-5, 2-9… lượng khách đến Đà Nẵng rất đông. Kéo theo đó các dịch vụ ăn uống sôi động, nhưng đồng thời cũng bộc lộ rõ nhiều hạn chế về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua đó, hàng chục trường hợp nhà hàng, quán ăn không đảm bảo các điều kiện phục vụ thực khách đã bị xử phạt hành chính. Trong mùa du lịch, các cơ sở kinh doanh ăn uống sử dụng thực phẩm không an toàn vì mục tiêu lợi nhuận vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Anh Trần Đình Vinh, một khách du lịch đến từ Hải Phòng chia sẻ: “Chúng tôi ở nơi khác tới nên không rành những nhà hàng nào đạt chuẩn hay không đạt chuẩn, khi chọn nơi ăn uống chủ yếu dựa vào mối quan hệ giới thiệu của bạn bè, hoặc chọn những nơi có đông người địa phương lựa chọn. Nhưng đó chỉ là niềm tin chủ quan, bởi thực tế có những nhà hàng uy tín chỉ vì không quản lý tốt các khâu thu mua, chế biến và bưng bê cũng có thể xảy ra ngộ độc dễ dàng…”.
Sau những vụ ngộ độc nói trên, các ngành thừa nhận, công tác điều tra thông tin gặp khó khăn, trở ngại do triển khai còn chậm, có trường hợp không lấy được mẫu thực phẩm tại các cơ sở xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Ba ngành phối hợp cũng gặp khó
Theo đánh giá của các ngành y tế, công thương và nông nghiệp (ba ngành được giao quản lý an toàn thực phẩm từ gốc đến ngọn), công tác kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài con số 140.000 tấn rau, củ, quả; 45.912 tấn thịt gia súc, gia cầm; 1.000 tấn thủy sản nước ngọt nuôi trồng, 80.000 tấn thủy sản đánh bắt được tiêu thụ vào mỗi năm, tại thành phố còn một lượng lớn thực phẩm được đóng bao, gói sẵn được đưa đến tiêu thụ tại 70 chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị lớn, nhỏ và trên 7.000 cơ sở chế biến thực phẩm tại chợ, vỉa hè.
Sở Công thương cho rằng, chính thực tế này đang gây nhiều khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm còn quá mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, kiểm tra chủ yếu bằng trực quan, test nhanh, trong khi thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái, sử dụng hóa chất cấm lại ngày càng tinh vi, khó lường.
Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, bên cạnh nguồn nhân lực phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn thiếu và yếu thì việc kiểm tra, kiểm soát các vấn đề về thực phẩm thời gian qua cũng chưa đạt theo yêu cầu.
Trong khi đó, các dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm ngày càng nở rộ, tràn lan. Nhiều chủ cơ sở vì lợi nhuận mà chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc để chế biến, nấu nướng chưa tuân thủ theo đúng quy định... dẫn đến nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương nhìn nhận: Công tác phân cấp quản lý an toàn thực phẩm giữa các sở: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã được triển khai, mang lại hiệu quả, nhưng vẫn còn chồng chéo, chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn, khó khăn trong việc triển khai thực hiện quản lý các cơ sở thực phẩm trên địa bàn.
Chẳng hạn, trong số hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh do Sở Y tế bàn giao cho Sở Công thương quản lý thì có đến 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện nay rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh này đề nghị xin được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhưng theo đúng quy định hiện hành, thì các đối tượng sản xuất ban đầu hoặc kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chỉ có 2 lao động trở xuống trực tiếp tham gia sản xuất thì không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thực hiện Quyết định 35 của UBND thành phố về việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm tại Cảng cá Thọ Quang và chợ Đầu mối Hòa Cường, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của mặt hàng nông sản, hải sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, việc làm này góp phần khoanh vùng ngăn chặn và loại trừ nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Điển hình mới đây, Chi cục này đã phát hiện một số lượng lớn măng nhập về Đà Nẵng tiếp tục có chứa chất vàng ô. “Qua truy xuất nguồn gốc, chúng tôi nhận thấy số lượng măng này được nhập về từ một tỉnh Tây Nguyên. Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh đó, tiến hành kiểm tra, xử phạt chủ cơ sở tại tỉnh này. Đây có thể được xem là cách xử lý hiệu quả, giải quyết tận gốc của vấn đề”, ông Tứ cho biết.
Song theo nhìn nhận, đánh giá của ông Tứ, việc áp dụng các chế tài xử lý trong vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. “Một số vụ vi phạm trong lĩnh vực này được áp dụng xử lý hành chính theo Nghị định 178 của Chính phủ, nhưng mức phạt này theo tôi vẫn còn quá nhẹ. Nên chăng, thành phố cần nghiên cứu, ban hành các mức hình phạt nặng hơn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm mới đủ sức răn đe”, ông Tứ cho biết.
Cùng quan điểm này, anh N.V. Hải, chủ một nhà hàng trên đường Hồ Nghinh (quận Sơn Trà) cho rằng, nên phạt nặng những cơ sở kinh doanh ẩu, biến tướng, làm ăn chụp giật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương. “Trong kinh doanh, ngoài yếu tố lợi nhuận, rất cần đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Tôi ủng hộ cơ quan chức năng phạt nặng những trường hợp vi phạm, bởi có như vậy thì mới đem lại công bằng cho những cơ sở kinh doanh chân chính và quan trọng hơn là chất lượng bữa ăn của người dân, du khách được đảm bảo”, anh Hải chia sẻ.
Có thể thấy, sự phát triển du lịch nóng trong thời gian qua trên địa bàn thành phố là cơ hội của các loại hình dịch vụ kinh doanh ăn uống phát triển, mang lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, thực tế này cũng mang lại nhiều thách thức cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý, giám sát. Những vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng hàng chục người thời gian qua là minh chứng rõ ràng, thực tế mà các ngành, cấp phải đối diện và tìm giải pháp hiệu quả hơn.
Anh Trần Văn Khánh (trú tại tổ 24, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà): Những sự cố ngộ độc thực phẩm này cho thấy, chất lượng thực phẩm hiện nay đang có vấn đề. Do nguồn cung dồi dào, đa dạng, nhìn một cách khách quan, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại Đà Nẵng vẫn chưa bức thiết, dù lượng du khách đến ngày một đông. Tuy nhiên, nếu sự phát triển du lịch quá nóng, nguồn cung không đáp ứng được cầu thì chất lượng thực phẩm sẽ bị giảm. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hiện nay là một minh chứng. Theo tôi, Đà Nẵng nên lường trước điều này để chuẩn bị và kiểm soát tốt hơn về chất lượng thực phẩm. Bà Hoàng Thị Hoa, (chủ nhà hàng Cua Đỏ, quận Sơn Trà): Với nghề “làm dâu trăm họ” như phục vụ ăn uống, sơ suất trong chế biến là có, nhưng nếu người chủ nào cũng nhìn thấy trách nhiệm của mình thì đã không có chuyện đáng tiếc. Do đó, nhiều năm qua chúng tôi luôn nhắc nhở các bộ phận nhân viên phải hết sức lưu ý từ bếp ra bàn ăn. Đặc biệt là nhà hàng không bao giờ làm chín trước thực phẩm, trữ trong tủ lạnh vì như thế là lừa dối thực khách, lỡ có vấn đề gì không an toàn cho sức khỏe du khách thì bản thân sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi. Nếu người kinh doanh chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt thì trước sau cũng phải đóng cửa... |
DIỆP NHƯ - ĐẠI BÌNH