Ngày Sân khấu Việt Nam là một ngày âm lịch, cách tết Trung thu ba hôm: ngày 12 tháng 8 hằng năm. Bản thân việc chọn ngày âm lịch để giỗ các tổ nghề cũng như để tôn vinh nghề và những người làm nghề đã nói lên tính truyền thống sâu sắc của Ngày Sân khấu Việt Nam. Điều này cũng rất phù hợp với sân khấu Đà Nẵng vốn đang có thế mạnh về bảo tồn di sản nghệ thuật sân khấu cổ truyền: không phải ngẫu nhiên mà hai năm 2015 và 2016, nghệ thuật tuồng xứ Quảng rồi nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian ở Đà Nẵng liên tiếp được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Một cảnh trong trích đoạn “Mạnh Lương ra hang” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
Nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với tư cách là một nghệ thuật trình diễn dân gian. Thật ra tuồng Việt nói chung/ tuồng xứ Quảng nói riêng không chỉ là nghệ thuật trình diễn dân gian mà còn là và chủ yếu là một loại hình trình diễn hàn lâm chỉ có thể phát huy hết hiệu ứng nghệ thuật khi được biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp như Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với đầy đủ đạo cụ, phục trang… cần thiết. Nhiều nhà nghiên cứu sân khấu cho rằng về mặt loại hình, nghệ thuật tuồng có nhiều điểm tương đồng với nghệ thuật sân khấu giả định/ gián cách Bertolt Brecht - một kịch tác gia nổi tiếng của Đức.
Khó có thể hình dung không gian diễn xướng của nghệ thuật hô/hát bài chòi là một sân khấu trong nhà, ngược lại cũng khó có thể hình dung không gian diễn xướng của nghệ thuật tuồng là một sân khấu ngoài trời, thậm chí là một sân bãi ngoài trời. Chính vì vậy chỉ nên xem việc Đà Nẵng đưa tuồng xuống phố thời gian gần đây như một hình thức quảng cáo/ tiếp thị nghệ thuật tuồng, một giải pháp tình thế nhằm giúp hành trình bảo tồn di sản nghệ thuật tuồng sớm vượt qua sự hững hờ của công chúng đương đại.
Ngay hành trình bảo tồn di sản nghệ thuật hô/hát bài chòi hiện nay ở Đà Nẵng chủ yếu cũng mới dừng lại ở việc sân khấu hóa, trong khi bản chất của bài chòi là một trò chơi dân gian với những người chơi bài cụ thể ngồi trên các chòi hào hứng thắng - thua. Rõ ràng sức hấp dẫn của bài chòi không chỉ nằm ở những lời hô/hát tương thích với mỗi quân bài - điều đó đã đành - mà còn nằm ở sự bất ngờ khó đoán định của các quân bài ấy.
Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là sân khấu kịch nói vốn một thời sôi động ở thành phố bên sông Hàn với việc công diễn nhiều kịch bản nổi tiếng của kịch tác gia quê Đà Nẵng Lưu Quang Vũ như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ chín, Tôi và chúng ta… - và không chỉ của Lưu Quang Vũ - lại đang trở nên mờ nhạt. Năm thì mười họa mới có một vở kịch nói xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp của Nhà hát Trưng Vương. Gần đây tuy thông điệp nghệ thuật mà Lưu Quang Vũ từng gửi đến người dân đất Quảng qua vở kịch nói Chuyện tình bên dòng sông Thu viết chung với Hồ Hải Học vẫn được công chúng Đà Nẵng khát khao đón nhận, nhưng là bằng hình thức chuyển thể dân ca kịch - chứ không phải bằng nguyên bản thoại kịch - và cũng chỉ được phục dựng trên sân khấu Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Đương nhiên ở thời điểm này, Đà Nẵng khó lòng gầy dựng một sân khấu kịch nói chuyên nghiệp với lực lượng tác giả kịch bản/ đạo diễn/ diễn viên kịch nói tại chỗ hầu như rất mỏng nếu không muốn nói là tay trắng, nhưng hoàn toàn có thể tạo điều kiện về sàn diễn để công chúng Đà Nẵng thường xuyên thưởng thức các tác phẩm thoại kịch do thiên hạ mang đến thành phố bên sông Hàn nhằm tạo cân bằng giữa bảo tồn nghệ thuật sân khấu cổ truyền với khuếch trương nghệ thuật kịch nói hiện đại.
Nhân ngày Sân khấu Việt Nam năm nay, có thể thấy từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều nhà hoạt động sân khấu của đất Quảng/ đất nước nổi tiếng đã được người Đà Nẵng ghi công và tưởng nhớ qua việc đặt tên đường.
Về sân khấu cổ truyền, trước tiên có thể kể đến soạn giả tuồng Tống Phước Phổ được đặt tên đường vào năm 1998; soạn giả tuồng Đào Tấn được đặt tên đường vào năm 2002; nghệ sĩ tuồng Nguyễn Nho Túy và nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lai được đặt tên đường vào năm 2005; soạn giả cải lương Trần Hữu Trang được đặt tên đường năm 2007; nghệ sĩ tuồng Ngô Thị Liễu và nghệ sĩ tuồng Nguyễn Phẩm được đặt tên đường vào năm 2008; nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng Phạm Phú Tiết được đặt tên đường vào năm 2010; nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng Hoàng Châu Ký được đặt tên đường vào năm 2013… Về sân khấu hiện đại, kịch tác gia Lưu Quang Vũ được đặt tên đường năm 2002; kịch tác gia Vũ Đình Long được đặt tên đường năm 2009; kịch tác gia Lưu Quang Thuận được đặt tên đường năm 2012… Đây cũng là cách thiết thực để động viên các thế hệ nghệ sĩ sân khấu trên địa bàn thành phố không ngừng sáng tạo trong lao động nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển của sân khấu Đà Nẵng nói riêng và của thương hiệu Đà Nẵng nói chung.
Nhân ngày Sân khấu Việt Nam năm nay, có thể thấy một trong những nỗ lực của sân khấu Đà Nẵng là đang hướng mạnh đến công chúng trẻ tuổi. Từ năm 2004 Đà Nẵng là một trong ba địa phương được chọn triển khai dự án Sân khấu học đường về nghệ thuật tuồng tại một số trường trung học cơ sở. Năm 2016, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tiếp tục phối hợp với 30 trường học trên địa bàn thành phố thực hiện chương trình Đưa tuồng vào học đường với hai trích đoạn tuồng Lê Lai liều mình cứu chúa và Trần Quốc Toản ra quân. Đối với sân khấu hiện đại, hồi tháng 3 năm 2014, hàng ngàn khán giả nhí đã hào hứng đến xem vở kịch thiếu nhi Hoàng tử gấu và hạt đậu thần - kịch bản của Quang Thảo, Đình Toàn đạo diễn - trong chuyến lưu diễn lần đầu của sân khấu Idecaf tại Nhà hát Trưng Vương. Nỗ lực hướng mạnh đến công chúng trẻ tuổi chắc chắn sẽ tạo tiền đề căn bản để gầy dựng một công chúng sân khấu trong tương lai không chỉ yêu thích sân khấu nói chung, sân khấu cổ truyền nói riêng, mà còn có thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn, biết thưởng thức nghệ thuật với đẳng cấp văn hóa cao…
BÙI VĂN TIẾNG