Từ sức cuốn hút của văn hóa Mường

.

Không bỗng dưng đã từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, vợ và con sống yên ấm trong ngôi nhà thành phố Hà Nội, anh lại lặn lội lên chân dốc Cun núi rừng, dựng lều lán, lập Không gian Văn hóa trên đất đai ngàn năm của dân tộc Mường. Còn cách nào khác để hiểu nổi khát khao của họa sĩ trẻ tài năng, gắn bó với một vùng văn hóa lâu đời bậc nhất Việt Nam: Văn hóa Mường.

 Bản Mường.
Bản Mường.

Phải chăng “chất Mường” đã ngấm vào Vũ Đức Hiếu từ thời niên thiếu. Sau hơn 10 năm nghiền ngẫm, tìm đến những trưởng bản già, thầy mo tìm hiểu lịch sử, phong tục, nếp sống… của người Mường từ lễ hội, cưới hỏi, ma chay, tín ngưỡng, cách hình thành làng bản, sắp đặt trong gia đình của bốn giai tầng giàu nghèo khác nhau trong xã hội, từ nhà Quan Lang đến Ạu (trung lưu), Noóc (nghèo), Noóc Trọi (rất nghèo). Vũ Đức Hiếu cho khởi công  xây dựng Không gian Văn hóa Mường dưới chân Dốc Cun, cách trung tâm thành phố Hòa Bình chừng 7km.

Không như cách suy nghĩ về một bảo tàng, hiện vật đều giống như “ đồ cổ” quý hiếm, bọc trong nhung lụa, im lìm trong tủ kính lấp loáng ánh gương, Vũ Đức Hiếu thể hiện quan điểm lập bảo tàng như một tuyên ngôn nghệ thuật: “Các hiện vật trưng bày tại Không gian Văn hóa ở đây không hẳn đẹp nhất, độc đáo nhất mà là những hiện vật thực nhất, bình dị nhất của cuộc sống người Mường hằng ngày”.

Bên bộ cồng chiêng cổ, lư, ninh bằng đồng, đa phần hiện vật ở đây là vật dụng ngàn đời xưa, cho đến ngày nay vẫn gắn bó với cuộc sống thường nhật của người dân. Khung cửi dệt vải, thổ cẩm, cung tên, súng kíp săn bắt, nơm, giỏ bắt cá, xe nước, cối giã gạo, vật dụng gia đình…

Không gian văn hóa Mường hiện có trên 3.000 hiện vật. Cũng có người đến tham quan bảo tàng, cảm thấy “lạ”, có vẻ như không mấy chuyên nghiệp. Vũ Đức Hiếu giãi bày: Những nhân viên tiếp đón, giới thiệu ở đây đều đã theo học các khóa của du lịch, được trang bị vốn văn hóa cần thiết.

Nhưng khác với du lịch, hay nhiều bảo tàng khác, anh muốn những người đến với không gian của anh không chỉ ứng xử như khách du lịch, mà như được trở về cội nguồn một dân tộc, lắng mình vào lịch sử - văn hóa, thân tình như ngươi làng bản trở về nhà mình, thú chơi tuổi thơ, đêm trăng giã gạo, trò chuyện với nhân viên cởi mở, gần gũi như người cùng làng.

Hình ảnh chiếc xe nước trong Không gian Văn hóa Mường. Ảnh:  Đ.T.D
Hình ảnh chiếc xe nước trong Không gian Văn hóa Mường. Ảnh: Đ.T.D

Vũ Đức Hiếu tuyển người Mường trong mấy thôn bản gần. Các tiếp viên du lịch dẫu có học bao nhiêu đi nữa, cũng không thể thành thục, tự nhiên bằng chính người Mường kể chuyện về làng mình, nếp sống, cách nghĩ,  tập quán, lễ hội, tín ngưỡng trong lời khấn vái của thầy mo, thao tác trên các vật dụng cầm tay, bắt cá, làm nương, săn bắt muông thú.

Các nhân viên ở bảo tàng  được sinh ra, lớn lên trong lòng dân tộc Mường. Họ am hiểu sâu sắc; gửi hồn mình vào câu chuyện kể của cha mẹ, ông bà mình. Sự truyền cảm lan tỏa cảm xúc hơn những thuyết minh trôi chảy, mà không ấn tượng. Không theo chiều hướng kiểu khu nghỉ dưỡng, nghỉ ngơi, thưởng ngoạn, “cần gì có nấy” tinh tươm, mà tạo một không gian thực.

Khách đến đây, có người lướt qua như tham quan, du lịch; có người đến để nghiên cứu, tìm hiểu một vùng văn hóa đặc sắc người Việt. Trong số họ, khá nhiều người nước ngoài. Cũng không ít người lui tới  Không gian Mường nhiều lần, không hẳn theo đuổi việc gì cụ thể, mà như đằm mình tận hưởng không gian thực, sinh động của một bộ phận dân tộc mình, nếu không biết trân trọng sẽ mai một theo thời gian. Phần lớn trong số họ là các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, những người hoạt động văn hóa, bảo tồn di sản dân tộc.

Năm 2013, Không gian Văn hóa Mường  có tên trong danh sách 8 dự án và nghệ sĩ nhận Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) do Chủ tich John Nielsen trao tặng. Trong khi Giám đốc Bảo tàng Vũ Đức Hiếu hào hứng phác họa  nhiều ý tưởng  mới, mở rộng quy mô hoạt động, sưu tầm thêm hiện vật ở nhiều địa phương khác nhau, thì tai họa bất ngờ ập đến từ một sơ suất không ngờ tới.

Ngày 24 tháng 10 năm 2013, nhà Lang cổ có dư trăm năm tuổi bốc cháy trong đêm. Ngôi nhà kỳ công đưa về tận huyện Tân Lạc – Hòa Bình, phút chốc  tàn lụi trong tro than. Hơn 200 hiện vật quý hiếm dày công sưu tầm cũng không còn nguyên vẹn.

Giám đốc không muốn nhắc lại sự cố này, bởi quá đỗi đau lòng. Ngôi nhà cùng nhiều  hiện vật đã biến thành tro than, khó có thể tìm lại được với giá trị nguyên bản, nguyên gốc. Trong mỗi hiện vật, có thể là nhỏ cũng là một câu chuyện kể dài về sự tích, phong tục, tín ngưỡng, nỗi buồn, niềm vui... Anh đã có lời kêu gọi, lập quỹ để phục dựng nhà Lang.

Dẫu không được như  xưa, bảo tàng không thể thiếu vắng một công trình kiến trúc đậm bản sắc trên nhiều phương diện văn hóa. Lời kêu gọi đã cộng hưởng, nhanh chóng đến với bạn bè, các tổ chức bảo tồn văn hóa, các nghệ sĩ tâm huyết với văn hóa dân tộc. Viện Bảo tàng Di tích Việt Nam, phối hợp với Hội Di sản Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, kêu gọi cộng đồng, giới nghệ sĩ chung tay hồi sinh ngôi nhà Lang Mường.

Các nhiếp ảnh gia, họa sĩ đã tổ chức triển lãm, bán tác phẩm ảnh, đấu giá tranh. Số tiền đó tuy chưa nhiều song là nghĩa cử tâm huyết, chia sẻ với chủ nhân bảo tàng Vũ Đức Hiếu, với Không gian Mường độc đáo, đã đi vào đời sống văn hóa - nghệ thuật của  nhiều giới trong cộng đồng xã hội.

 Giám đốc Vũ Đức Hiếu trực tiếp tuyển chọn kíp thợ người Mường, am hiểu sâu sắc từ không gian, kiểu dáng đến sắp đặt, bài trí tỉ mỉ trong nhà đúng như nguyên trạng. Bổ sung thêm nhiều hiện vật mới từ các địa phương đưa về. Gỗ quý hiếm là nghiến, trai cũng được công phu tầm về từ các khu rừng sâu. Đầu năm 2016, ngôi nhà Lang Mường đã được phục dựng xong. Tuy không được nguyên vẹn như trước, song ngôi nhà nhỏ bé vẫn mang được “hồn vía vật chất” của ngôi nhà cũ, tiếp tục mở cửa đón khách.  

Dịp đón Xuân Bính Thân 2016, quan khách, bà con địa phương trang trọng chứng kiến lễ khánh thành ngôi nhà Lang Mường hồi sinh. Thầy mo danh tiếng huyện Tân Lạc, nơi ngôi nhà xưa đã từng tồn tại  được mời đến làm lễ  đúng nghi thức truyền thống Mường. Nỗi tiếc nuối xưa lắng dịu, nhường chỗ cho niềm vui hội ngộ những bàn tay, trái tim đã chung tay, “hồi sinh” vật báu của bảo tàng.

Cũng trong ngày tưng bừng tiếng cồng chiêng, một trưng bày nhỏ tác phẩm của các  nghệ sĩ ba miền Trung – Nam – Bắc đã từng nhiệt thành ủng hộ trong chiến dịch gây quỹ phục hồi Nhà Lang. Giao hòa trong không khí xuân của đất trời, trình diễn những bài hát Mường cổ xưa. Tiếng trống âm vang đưa tiếng chiêng theo bước  nhảy “Quạt cọ”, “Sênh tiền” của các cô gái Mường trẻ trung, uyển chuyển. Thưởng thức những món ăn dân dã nhưng đậm đà hương vị đồng quê, cùng tươi vui, ấm áp dưới mái nhà truyền thống Lang Mường.

ĐOÀN TỬ DIỄN

;
.
.
.
.
.