Đến thời điểm hiện nay, Đà Nẵng mới có 5 cửa hàng được cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Con số này quá ít ỏi trong khi người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc. Việc xây dựng các chuỗi cung ứng này không hề dễ dàng do cách làm nông nghiệp của người dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Khi sản phẩm đưa ra thị trường thì tất cả được đặt chung vào một “rổ”, không biết của ai, dẫn đến khi có sự cố xảy ra, không ai chịu trách nhiệm.
Ngày càng nhiều người tìm đến các cửa hàng nông sản sạch tại Đà Nẵng dù giá khá cao. Ảnh: Q.T |
Hiện nay, khả năng sản xuất rau trên địa bàn thành phố đạt khoảng 9.000-10.000 tấn/năm, chỉ đáp ứng khoảng 5-7% tiêu dùng; tương tự thịt, trứng cũng chỉ đáp ứng 15%-20%. Như vậy, hằng năm thành phố phải nhập từ 80-95% sản phẩm rau quả và thịt từ các tỉnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách.
Chi phí duy trì lớn
Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) cho hay, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ, đầu tư cho nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường thì không có hệ thống phân phối bài bản, dẫn đến rau an toàn bị nhập với sản phẩm chưa được kiểm soát an toàn. Trong khi đó, chi phí sản xuất rau an toàn lớn nên nhà đầu tư không thu được nhiều lợi nhuận, các đơn vị bỏ dần. Do vậy, ngành nông nghiệp chủ trì xây dựng các cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) theo chuỗi cung ứng thực phẩm từ nơi sản xuất đến cửa hàng.
Tính đến tháng 8-2017, Chi cục QLCLNLS&TS đã cấp 5 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT đối với sản phẩm rau, củ, quả. Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ; sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) của cơ quan chức năng; kết quả giám sát ATTP sản phẩm của chuỗi phần lớn đạt yêu cầu. Sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá bán cao hơn so với sản phẩm khác. Việc hình thành chuỗi cung ứng là tất yếu đem lại lợi ích cho các bên tham gia. Đầu tiên là việc kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất nông sản, từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn theo đúng quy trình TPAT. Ngoài ra, còn giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, việc vận động các doanh nghiệp bán rau, quả, thịt tham gia xây dựng, xác nhận chuỗi cung ứng TPAT vướng nhiều khó khăn. Đầu tiên, khi doanh nghiệp tham gia xác nhận chuỗi ATTP thì phải thay đổi khách hàng, từ sản phẩm thông thường sang sản phẩm ATTP với mức giá thường cao hơn. Thứ nhất, doanh nghiệp đang làm ăn ổn định chưa muốn thay đổi, còn chần chừ thăm dò thị trường. Thứ hai, doanh nghiệp gặp khó vì chi phí thuê mặt bằng quá cao (nhất là khu vực nội thị) nên họ xét thấy chưa có hiệu quả.
Ở góc độ của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm an toàn theo chuỗi, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa Hưng Thịnh, cho biết bên cạnh chi phí mặt bằng đắt đỏ thì chi phí kiểm soát nguồn hàng cũng rất lớn. Hiện tại, cửa hàng của bà chủ yếu nhập nông sản từ trang trại của gia đình (diện tích 3 hecta, tại xã Hòa Khương) với sản lượng mỗi ngày hơn 1 tấn nông sản các loại.
Tuy nhiên, trang trại của gia đình không thể cung cấp đầy đủ các chủng loại nông sản, có những thời điểm không đủ nông sản để bán. Do vậy, bà buộc phải nhập thêm hàng hóa từ các nơi khác. Trong khi đó, việc kinh doanh theo chuỗi đòi hỏi phải kiểm soát thực phẩm từ nguồn, muốn chuyển qua nhà cung ứng khác phải làm hồ sơ đăng ký, kiểm nghiệm lại từ đầu.
“Tham gia vào chuỗi cung ứng TPAT đòi hỏi rất nhiều chi phí. Những chi phí đó là cần thiết để người dân được sử dụng sản phẩm an toàn cho gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất trăn trở vì chi phí cao đã đội giá sản phẩm lên nhiều, mà tiêu chí kinh doanh của tôi là mong muốn mọi người đều được trải nghiệm sản phẩm an toàn chứ không riêng người có điều kiện”, bà Thùy Dung cho biết.
Đánh giá Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch rất cao, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Nông nghiệp Tâm Nguyên Miền Trung, cho rằng kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi là “mảnh đất màu mỡ”.
Thực tế ở Đà Nẵng, người nông dân rất cần mẫn, chịu khó, mọi người cũng đeo đuổi mục đích phục vụ rau xanh tới cùng. Bên cạnh đó, Hòa Vang có đất đai, thổ nhưỡng khá phù hợp với vùng trồng rau xanh. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp ở Đà Nẵng không nhiều.
Doanh nghiệp muốn kinh doanh địa hạt này chỉ biết liên hệ với vùng rau sẵn có mà chưa khai thác được vùng rau mới. Do vậy, thành phố cần có chính sách cho doanh nghiệp thuê, mướn đất đầu tư để làm cầu nối với người nông dân, thúc đẩy hơn nữa doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Nếu doanh nghiệp chủ động được vùng rau từ nguồn, không thông qua khâu trung gian thì giá rau đến tay người tiêu dùng sẽ giảm, doanh nghiệp cũng tiết kiệm được nhiều chi phí.
“Tôi thấy hiện nay, giá trị bữa ăn được nâng cao, rau là món chỉ chiếm phần nhỏ trong túi tiền của các gia đình, vì thế không quá lo ngại về giá. Điều quan trọng là làm sao phải có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo. Hiện các cửa hàng của chúng tôi đang bán các sản phẩm rau, củ sạch của Đà Nẵng nhưng chưa phải là tất cả, chúng tôi muốn lấy 100% hàng tại chỗ để đỡ tốn chi phí vận chuyển từ các nơi, nhưng không thể đáp ứng được vì nhiều loại phải nhập từ nơi khác ví dụ như bưởi, cam…”, ông Sơn nói.
Nguồn cung chưa đáp ứng
Ông Nguyễn Tứ thừa nhận một thực tế: Đã gọi là sản xuất cung ứng theo chuỗi nghĩa là nguồn cung luôn phải ổn định, sản xuất theo kế hoạch đơn đặt hàng, đủ sản lượng, chủng loại, đúng thời gian. Tuy nhiên, việc canh tác của nông dân địa phương còn nhỏ lẻ, giữa các hộ chưa liên kết chặt chẽ để có một số lượng tương đối cho một cơ sở tiêu thụ.
Các HTX hiện nay chưa tập hợp được các hộ sản xuất để sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà tiêu thụ. Mặt khác, do điều kiện khí hậu của Đà Nẵng nóng, bão lụt, người nông dân chỉ làm được 9 tháng/năm nên việc sản xuất mặt hàng nông sản không được đều đặn, lúc có lúc không, sản phẩm nghèo nàn. Chính người nông dân cũng không dám ký hợp đồng với nhà đầu tư vì sợ vỡ hợp đồng. Tình trạng sản xuất manh mún thì không bao giờ hoạt động theo chuỗi được.
Là một trong 5 đơn vị hiện đang tham gia vào chuỗi, ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng, cho biết: Trên bình diện chung, nông sản, thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng do nguồn cung nhỏ giọt và khó tiêu thụ.
Hiện nay, nhà cung cấp sản phẩm cho chuỗi quá ít, trong khi đó nhu cầu của người dân là sản phẩm phải phong phú mỗi ngày. Như Co.op Mart Đà Nẵng hiện tại chỉ mới ký kết với 2 đơn vị cung ứng đó là vùng rau Đà Lạt và rau Quế Sơn (Quảng Nam). Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân, vì vậy vai trò của hợp tác xã (HTX) rất quan trọng nhưng rất tiếc là mô hình HTX kiểu mới đảm bảo hoạt động như một doanh nghiệp hiện nay còn hiếm.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đà Nẵng, kết quả khảo sát các cửa hàng bán sản phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT năm 2016 tăng thêm khoảng 15-20% so với doanh thu khi chưa được xác nhận chuỗi ATTP. Chứng tỏ người tiêu dùng bắt đầu chú ý tiêu dùng sản phẩm sạch. Doanh số của doanh nghiệp tăng lên sẽ khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, và người được lợi nhiều nhất hẳn nhiên là người tiêu dùng.
Xây dựng nông nghiệp an toàn, loại bỏ dần những sản phẩm kém chất lượng ra khỏi bữa ăn gia đình không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà rất cần sự tham gia của các ngành liên quan. Trong đó, cần có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất nông sản sạch để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng cho nông sản nội địa ngay tại sân nhà.
QUỲNH TRANG