”Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y - lương dược tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06” là đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố do Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng chủ trì thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Đại sứ Mỹ Ted Osius thăm phòng châm cứu cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. (Ảnh tư liệu) |
Sau 2 năm triển khai (12-2015 – 11-2017), ngày 25-11, Bệnh viện YHCT tổ chức hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
Qua nghiên cứu điều trị 120 bệnh nhân cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 (nay là Cơ sở xã hội Bầu Bàng), kết quả về đặc điểm bệnh nhân cho thấy: có 73,3% là ở độ tuổi 21-30; 71,7% làm nghề tự do; 88,3% là ở 6 quận nội thành; 80% sử dụng ma túy tổng hợp; 69,2% dùng từ 1-6 lần trên tuần; 85% ở mức độ nghiện trung bình và nhẹ; trong đó có 55,9% chưa cai lần nào. Với những số liệu về đặc điểm nhóm đối tượng như vậy, trong bối cảnh người nghiện ma túy đang gia tăng tốc độ chóng mặt như hiện nay, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, thành phố nên đẩy mạnh điều trị cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng để giảm dần việc điều trị tập trung dài hạn và khá tốn kém ngân sách như hiện nay.
Theo kết quả điều trị cắt cơn bằng quy trình kết hợp điện châm, hỏa long cứu và thuốc nam do nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện, có 91,7% kết quả khá và tốt; 8,3% trung bình và kém. Các triệu chứng cai chất dạng thuốc phiện thường gặp như chảy nước mắt, ngạt mũi hoặc hắt hơi, đau mỏi các khớp, ngáp, ngủ không yên, dòi bò trong xương… hoặc các trạng thái cai ma túy tổng hợp như: mệt mỏi, ngủ ít, khó ngủ, buồn chán, thèm ma túy, giảm trí nhớ… đều cải thiện sau 5-10 ngày điều trị. Như vậy, có thể nói, cùng với phác đồ an thần kinh của Bệnh viện Tâm thần, phác đồ dùng châm cứu thuốc nam của Bệnh viện YHCT hoàn toàn có thể điều trị cắt cơn, giải độc phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân tại gia đình và cộng đồng, nếu được các cấp chính quyền, các ngành chức năng khuyến khích sử dụng.
Song song với nội dung nghiên cứu điều trị, đề tài còn triển khai một nhiệm vụ rất có ý nghĩa là dạy nghề giúp việc lương y - lương dược như xoa bóp bấm huyệt, hỏa long cứu, khai thác và sơ chế thuốc nam cho các học viên sau cai nghiện, đồng thời huấn luyện chuyển giao kỹ thuật điều trị nghiện ma túy cho các nhân viên y tế tại Trung tâm.
Do còn nhiều bệnh nhân chưa mãn hạn điều trị bắt buộc cũng như nhiều bệnh nhân đã chuyển chỗ ở, đi làm ăn xa hoặc đi tù chưa liên lạc được, nhóm nghiên cứu mới khảo sát trên 64 bệnh nhân đã tái hòa nhập cộng đồng từ 3 tháng đến trên 6 tháng, hiện có 6 bệnh nhân tái nghiện, chiếm tỷ lệ 9,4%. Theo ý kiến các chuyên gia, có đến 2/3 bệnh nhân tái nghiện trong 3 tháng đầu sau cai, thì tỷ lệ tái nghiện như vậy là khả quan.
Tuy chưa có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ tái nghiện giữa 2 nhóm có học nghề và không học nghề giúp việc lương y - lương dược (mỗi nhóm để có 3 người tái nghiện), nhưng việc dạy nghề này cũng như kết quả huấn luyện chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế Trung tâm 05-06 đã được đông đảo học viên và cán bộ hoan nghênh, là hướng đi mới trong công tác hỗ trợ sau cai, cần tiếp tục phát huy.
Theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020: “Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép” và với định hướng “Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện”, từ kết quả đề tài nghiên cứu này, Bệnh viện YHCT và các cá nhân tham gia đề tài đang kiến nghị thành lập một Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng và hỗ trợ thành lập một Doanh nghiệp xã hội để tiếp nhận những học viên đã học nghề giúp việc lương y – lương dược có thể làm việc kiếm sống và duy trì điều trị dự phòng để phòng chống tái nghiện.
PHAN CÔNG TUẤN