Đau nhức đắp Bạch hoa xà…

.

Một lần vào Bệnh viện Đà Nẵng, thoáng thấy một nam bệnh nhân đang nằm có hai đầu gối trông như bị cháy bỏng, tôi tiến lại hỏi có phải do bó lá thuốc nam không, anh gật đầu. Tôi mở điện thoại tìm đưa anh xem ảnh một cây thuốc, hỏi có phải “thủ phạm” đây không, anh vừa gật đầu vừa nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Tôi nhẹ nhàng giải thích anh không phải nạn nhân đầu tiên và cũng chưa phải là nạn nhân cuối cùng mà tôi gặp trong việc dùng lá cây Bạch hoa xà giã đắp khớp đau kiểu này. Việc dùng lá đắp không sai, nhưng sai ở chỗ để lâu quá nên gây da phồng rộp như thế.

“Đau nhức đắp (lá) Bạch hoa xà/ Chớ để lâu quá (15’) khiến da cháy phồng”. Ảnh: P.C.T
“Đau nhức đắp (lá) Bạch hoa xà/ Chớ để lâu quá (15’) khiến da cháy phồng”. Ảnh: P.C.T

Bạch hoa xà còn có tên Đuôi công hoa trắng, tên khoa học Plumbago zeylanica L., thuộc họ Đuôi công - Plumbaginaceae.

Cây thảo, cao 0,5-0,7m, có thân ít nhiều hóa gỗ sù sì, cành có khía dọc rất mảnh và có đốt rõ. Lá mọc so le, hình trứng hay bầu dục thuôn, gốc gần bằng, đầu nhọn, mép lượn sóng, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới trắng nhạt; cuống lá như ôm vào thân. Hoa màu trắng, thành bông ở ngọn và ở nách lá, phủ lông dính, tràng hoa dài gấp đôi đài. Quả thường lép. Cây ra hoa quả gần như quanh năm, chủ yếu vào tháng 5-6.

Cây mọc rải rác trong rừng tạp, trảng cây bụi. Tại Đà Nẵng, tôi đã gặp cây mọc nhiều vùng chân núi Ngũ Hành Sơn. Cây cũng được trồng trong các vườn gia đình; trồng bằng cành ở nơi ẩm mát. Để là thuốc, thu hái rễ, lá quanh năm. Rễ đào về, rửa sạch, cắt đoạn ngắn rồi phơi khô dùng dần. Lá thường được dùng tươi.

Phân tích thành phần trong cây có chất oxymethyl-naphtoquinon chính là plumbagin hay plumbagon. Chất này ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn gram+. Plumbagin là một tác nhân làm viêm tấy và sát trùng tốt; nó kích thích mô cơ với liều thấp và làm tê liệt với liều cao, gây co thắt mô cơ của quả tim, ruột và giun ký sinh, kích thích sự tiết mồ hôi, nước tiểu và mật, còn có tác dụng kích thích đối với hệ thần kinh.

Theo Đông y, toàn cây có vị cay, tính nóng, có độc, có tác dụng thông kinh hoạt huyết, tán ứ, sát trùng tiêu viêm, khu phong trừ thấp. Thường dùng toàn cây và rễ dùng trị đau khớp, kinh bế, đòn ngã tổn thương, thũng độc, nhọt lở. Có nơi chỉ dùng rễ trị phong thấp đau xương, té ngã trặc trẹo. Dùng rễ 10-15g đun sôi kỹ trong 4 giờ, lấy nước uống hoặc lấy rễ ngâm rượu xoa bóp.

Kinh nghiệm dân gian dùng lá giã đắp chữa đinh nhọt rất đặc hiệu, do đó có tên là cây lá đinh. Lá cũng dùng đắp làm tiêu sưng nhức khớp, bệnh ngoài da (hecpet mọc vòng), nhọt mủ, bong gân, lại có thể dùng trị rắn cắn và giã vắt nước bôi ghẻ ngứa. Dùng lá giã đắp không nên kéo dài quá 15 phút vì dùng lâu thì da bị kích ứng, lên mụn bỏng. Ta thường dùng một miếng giấy bản làm đệm hay lấy vải gạc lót để da đỡ bị phồng.

Bài thuốc:

1. Chữa thấp khớp: Thân cây Bạch hoa xã, phơi khô, sao vàng, lấy 10-12g sắc sôi kỹ uống mỗi ngày. Bên ngoài dùng rễ Bạch hoa xà giã nhỏ, ngâm rượu xoa bóp.

2. Viêm da thần kinh, viêm da mạn tính: Bạch hoa xà dùng lá hay rễ tươi, lượng vừa đủ, thêm đường đỏ giã nát đắp, sau 10-15 phút có cảm giác nóng thì bỏ ngay, mỗi ngày đắp một lần cho tới khi lành bệnh.

3. Đòn ngã tổn thương: Bạch hoa xà 5 lá, thêm cỏ ban, lớp vỏ trong cây thông và lá xoan mỗi thứ 20g, giã chung thêm rượu trộn đều đắp vào chỗ đau trong 30 phút (không đắp lên vết thương hở).

4. Bệnh bạch huyết (ung thư máu): Rễ bạch hoa xà 15g (sắc trước), sau cho thêm Hạt cọ xẻ, Lưỡi rắn trắng (Bạch hoa xà thiệt thảo), Cỏ roi ngựa đều 30g; Hạ khô thảo 15g. Sắc nước cô đặc làm hoàn chia uống 3 lần trong ngày.

Cần lưu ý, khi da tiếp xúc dịch cây này sẽ bị viêm đỏ, bỏng rộp  rồi bong ra. Ăn phải lá sẽ bị tê liệt. Phụ nữ có thai ăn phải gây sẩy thai. Gia súc ăn cây này thường bị ỉa chảy. Nếu bị bỏng rộp nên dùng dung dịch acid boric để rửa chỗ da bị tổn thương, nếu loét thì bôi thuốc mỡ acid boric. Nếu ăn nhầm lá cây này thì gây nôn, rửa dạ dày, uống lòng trắng trứng, nước đường hoặc than hoạt. Nếu xuất hiện tê liệt thì dùng thuốc trợ tim, tiêm truyền huyết than. Đối với phụ nữ có thai, nếu dọa sẩy thai thì cho thuốc trấn tĩnh, tiêm progesterol và vitamin E để giữ thai (theo sách Cây độc ở Việt Nam).

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.