Có một quy định “ngầm” trong giới doanh nghiệp (DN) là không tuyển lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Việc người lao động lớn tuổi bị từ chối tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm những năm gần đây không chỉ đẩy kinh tế gia đình họ rơi vào cảnh bấp bênh, thiếu ổn định mà còn tạo áp lực lên chính sách an sinh xã hội của thành phố…
Công ty CP Dệt may 29-3 là một trong số ít doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống cho người lao động. Ảnh: T.Y |
Muôn vàn lý do thất nghiệp
Chúng tôi gặp anh Trần Bá Cương (tạm trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) tại một quán cà-phê nhỏ trên đường Phan Tứ. Tốt nghiệp ngành Cơ khí, Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) năm 2001, từng có việc làm ổn định tại Công ty CP Hưng Đạo Container, chi nhánh Đà Nẵng với mức lương 7 triệu đồng/tháng nhưng anh buộc phải nghỉ việc vì lý do gia đình.
Anh Cương chia sẻ: Thời điểm đó, vợ chồng tôi cưới nhau 6 năm vẫn chưa có con, lúc đưa nhau đi khám, bác sĩ cho biết, sức khỏe của anh sẽ rất khó có con do thường xuyên tiếp xúc với tia lửa nhiệt từ xưởng cơ khí. Thương vợ ngày đêm mong mỏi mụn con, tôi quyết định nghỉ nghề cơ khí để tìm kiếm việc làm khác phù hợp hơn với sức khỏe.
Anh Cương cũng không ngờ rằng, quyết định xin thôi việc gần 10 năm trước đã đẩy anh vào cảnh thất nghiệp triền miên, khiến kinh tế gia đình xáo trộn, vợ chồng xích mích rồi đường ai nấy đi, dù lúc đó, vợ chồng anh đã có với nhau cậu con trai lên 4. Thất nghiệp ở tuổi 40, gia đình nhỏ ly tán, anh trở về nhà ba mẹ ruột với hai bàn tay trắng.
Anh cũng cầm đơn xin việc chỗ này chỗ kia, nhưng nghề cơ khí thì không thể làm, trong khi các công ty xây dựng chỉ tuyển lao động thời vụ, hết công trình thì thanh lý hợp đồng. Cũng theo anh Cương, nguyên nhân anh không được tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm ngoài lý do lớn tuổi ra còn do bộ hồ sơ của anh khá “mỏng”, khó lòng “chọi” lại những bộ hồ sơ có đầy đủ bằng cấp từ trình độ tiếng Anh, công nghệ thông tin của hầu hết kỹ sư cơ khí ra trường vài năm trở lại đây.
Thêm nữa, nhà tuyển dụng cũng tỏ ra e dè với người lao động lớn tuổi, họ thường xuyên đặt câu hỏi “Vì sao ở tuổi này anh còn đi xin việc?” và “Với mức lương khởi điểm gần 3 triệu đồng/tháng, anh sẽ chi tiêu thế nào?”. Đó cũng chính là câu hỏi khiến anh trăn trở suốt nhiều năm nay. Hơn 40 tuổi, anh sẽ chi tiêu thế nào với mức lương ấy?
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị H., tổ 45 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, quyết định xin nghỉ việc là do bị một DN tại KCN Hòa Cầm chèn ép, tìm cách “đuổi khéo”. Theo lời chị H., cách đây khoảng một tháng, chị xin phép công ty nghỉ gần một tuần để lo đám tang ba chồng.
Hết phép, đi làm lại, chị khá bất ngờ khi bị công ty chuyển vị trí làm việc trước đây (khá nhẹ nhàng) sang bộ phận đóng gói, vận chuyển sản phẩm – công việc lâu nay chỉ dành cho cánh đàn ông. Do công việc quá sức mình nên một thời gian ngắn sau chị H. cắn răng xin nghỉ việc với mức bảo hiểm khá thấp mà không biết kêu ai.
Được nhận vào làm tạp vụ tại một nhà hàng lớn với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Thu (1960), trú tổ 58 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ vui mừng cho biết chị sẽ cố gắng làm việc thật tốt để ổn định cuộc sống. Bởi hơn ai hết, chị đã thấm thía nỗi cơ cực trong suốt thời gian thất nghiệp, phải sống dựa vào con trai.
Vốn là người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, không biết gì ngoài trồng rau trồng lúa, khi giải tỏa nhà đất, chị phải bươn bả vào tận Quảng Nam thu mua lá chuối về bán lại cho mấy chủ lò gói bánh. Một ngày ngược xuôi như thế chị cũng chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng tiền lời. Tuổi càng cao, chuyện đi lại càng trở nên khó khăn, lắm lúc xe xẹp lốp giữa đường, ổ gà ổ voi, khi mưa khi nắng, tiền lời không đủ thuốc thang khi đau ốm ngã bệnh… Do đó, ở tuổi chị, có việc làm tạp vụ như vậy chị cho là “niềm vui lớn”.
Cánh cửa hẹp cho người lao động lớn tuổi
Lao động trên 35 tuổi hầu như không có “cửa” tại các phiên giao dịch việc làm. Thời gian qua, để giải quyết nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các quận, huyện cũng thường xuyên phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động lớn tuổi tìm được việc làm tại đây chưa đến 5%.
Bà Mai Thị Nga, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn cho biết, mỗi năm trên địa bàn quận có từ 2.000 đến 2.500 lao động có nhu cầu tìm việc, trong đó trên 60% thuộc diện tái định cư, mất đất sản xuất, lao động lớn tuổi không qua đào tạo (chủ yếu phù hợp làm các nghề dịch vụ, lao động phổ thông, thợ nề, phụ hồ). Chưa kể, nếu tuyển trên 35 tuổi làm việc tại KCN chủ yếu ở bộ phận kỹ thuật hoặc quản lý, tốt nghiệp đại học trở lên, rất ít khi tuyển đối tượng công nhân. Do đó, để giới thiệu việc làm cho người lao động phổ thông, trên 35 tuổi thật sự rất khó.
Cũng theo bà Nga, khi tuyển dụng, hầu hết DN đều từ chối lao động trên 35 tuổi vì “chê già”, sợ không đủ sức đảm đương công việc ca kíp ở công ty. Trước thực trạng này, từ năm 2010, UBND quận Ngũ Hành Sơn ban hành Đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm đối với nông dân, hộ di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2011-2020”.
Bên cạnh những biện pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hướng nghiệp, đào tạo nghề ngắn hạn, UBND quận thường xuyên thông tin về thị trường lao động, hội chợ việc làm của thành phố đến tận tổ dân phố thông qua các buổi sinh hoạt tại khu dân cư.
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, thời gian qua cơ quan chức năng chỉ mới tập trung vào con số người lao động được giải quyết việc làm hoặc được đào tạo nghề mà chưa có những đánh giá cụ thể hiệu quả về lâu dài.
Điều dễ dàng nhận thấy là tỉ lệ lao động thất nghiệp đa phần rơi vào lao động phổ thông, là công nhân làm việc tại các KCN đã đẩy kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Thông tin từ Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, các DN đóng chân tại KCN trên địa bàn hầu như chỉ ưu tiên tuyển dụng lao động từ 18 đến 25 tuổi.
Chưa kể, không ít DN đặt ra những nội quy rất khắt khe về giờ giấc, tăng ca, quy định số ngày được nghỉ cũng như số lượng sản phẩm tối thiểu phải hoàn thành mỗi ngày để “đuổi khéo” những ai không thể kham nổi. Một cán bộ (xin giấu tên) đang công tác tại Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, việc “đuổi khéo” lao động hay còn gọi là “sa thải mềm” đang diễn ra khá phổ biến.
Điều này bảo đảm cho DN giảm chi phí tiền lương, tiền đóng bảo hiểm cho người có thâm niên. Và tất nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, các DN luôn biết cách để “đẩy” người lao động đi đến quyết định tự nghỉ việc, nhất là đối với những ngành không yêu cầu đào tạo nhiều như chế biến thủy hải sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… Thậm chí, dù đó là “sa thải cứng” thì các DN cũng biết cách sa thải đúng luật nên muốn bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng rất khó.
Về điều này, luật sư Đỗ Pháp cho biết hầu như tháng nào ông cũng tiếp vài lao động bị DN sa thải đến nhờ tư vấn, bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ, ông thấy rằng hầu hết DN sa thải lao động rất đúng luật với những quy định khá đơn giản đã được “lồng” một cách kín đáo vào trong bản hợp đồng lao động đã được ký kết trước đó.
Ông cho rằng, ngoài kiến thức hạn chế, một phần do tâm lý người lao động vì muốn sớm có công việc nên thường “nhắm mắt” ký vào bản hợp đồng mà không để ý nhiều đến các điều khoản ràng buộc về giờ giấc, quy định của DN nên khi có sự cố xảy ra, người lao động luôn chịu thiệt thòi.
Tâm huyết và có trách nhiệm
Giữa lúc công nhân đang làm việc tại các KCN luôn phải phập phồng lo sợ khi tuổi đời, tuổi nghề ngày càng cao, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào thì những ai được làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3 lại cảm thấy mình may mắn.
Chị Trần Thị Nga, công nhân Xí nghiệp may 2, người có thâm niên làm việc tại công ty gần 20 năm chia sẻ: “Môi trường làm việc tại công ty khá thoải mái, nếu có tăng ca thì công nhân có quyền thỏa thuận giờ giấc với lãnh đạo công ty. Khi mang thai, nữ công nhân được tạo điều kiện làm việc 7 tiếng/ngày, tổ công đoàn thường xuyên nhắc nhở đi khám thai định kỳ, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi sẽ nhận hỗ trợ thêm 50.000 đồng mỗi tháng”.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Hải Châu, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may 29-3 khẳng định, công ty luôn xem lực lượng công nhân lớn tuổi, lành nghề là tài sản của mình. “Công nhân lớn tuổi hầu hết đã có gia đình, họ rất cần công việc ổn định để chăm lo cho người thân. Chưa kể, đây cũng là đội ngũ lành nghề, hiểu rõ văn hóa làm việc tại công ty nên khá gắn bó, làm việc có trách nhiệm”, bà Châu nói.
Bên cạnh ngành dệt may, một số doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản ở Đà Nẵng cũng ra sức giữ chân người lao động bằng những ưu đãi đặc biệt. Đơn cử, để hỗ trợ lao động ở xa, lao động có gia đình, con nhỏ yên tâm làm việc, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã đầu tư một dãy nhà gồm 64 phòng cho công nhân được ở miễn phí.
Trong số đó, có không ít lao động tuổi đời trên 35. Bà Nguyễn Thị Phi Anh, Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước nhìn nhận, doanh nghiệp hiện có khoảng 2.500 công nhân, trong đó lao động lớn tuổi có tay nghề khá nhuần nhuyễn. Đây cũng chính là đội ngũ kèm cặp, hướng dẫn, chỉ bày cho công nhân mới vào nghề. Bên cạnh đó, hiện công ty có đầy đủ tổ chức Đảng, Công đoàn nên quyền lợi của người lao động được bảo đảm.
Có thể nói, trong bức tranh tối, sáng của thị trường lao động phổ thông, cánh cửa cho người lao động lớn tuổi vẫn còn rất hẹp. Bởi, nếu chẳng may mất việc, họ sẽ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm mới, trở thành lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc sẽ không có nguồn lương hưu khi về già.
Giữa lúc cơ quan chức năng chưa thể can thiệp trực tiếp vào cơ chế “đào thải” lao động của đa số doanh nghiệp hiện nay, thì người lao động cần tự bảo vệ mình bằng cách liên tục nâng cao tay nghề, làm việc tích cực, tuân thủ nội quy để doanh nghiệp không tìm được “cớ” sa thải khi sức khỏe và niềm tâm huyết dành cho công việc vẫn còn.
TIỂU YẾN