Bằng cách này cách khác, nhiều người trẻ đang dần khẳng định bản thân khi tự tạo việc làm, tự kinh doanh, đem lại niềm vui, thu nhập cho bản thân.
Sau hai năm mở tiệm, cửa hàng của Ngô Phạm Kim Uyển đã có lượng khách ổn định. Cô chủ trẻ đang dự định mở rộng thương hiệu kinh doanh. Ảnh: Q.T |
Kinh doanh từ sở thích
Tốt nghiệp ngành Tiếng Anh chuyên ngành, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế len lỏi khắp toàn cầu (năm 2011), Ngô Phạm Kim Uyển (sinh năm 1987, chủ cửa hàng giày Judy, đường Chi Lăng, quận Hải Châu) đã trải qua những tháng ngày tìm việc làm rất khó khăn.
Sau khi tốt nghiệp, Uyển chuẩn bị hàng chục bộ hồ sơ, nộp vào những nơi tuyển dụng cần tiếng Anh, không cần quan tâm đến tiền lương, chế độ. Vòng xoáy nộp hồ sơ - đi phỏng vấn kéo dài liên tục khoảng nửa năm khiến cô gái từng tràn trề năng lượng, nhiệt huyết phải nản lòng. Nhớ lại thời gian ấy, Uyển hóm hỉnh: “Dường như không còn là nộp hồ sơ nữa, phải gọi là “rải truyền đơn” mới đúng”.
Sau khi không còn cơ hội ở Đà Nẵng, Uyển theo bạn bè vào Sài Gòn. “Điệp khúc” nộp hồ sơ-đi phỏng vấn lại bắt đầu. Sau một tháng ở Sài Gòn, Uyển trở lại Đà Nẵng. May mắn cho Uyển, là một trong những công ty cô nộp hồ sơ đợt trước gọi phỏng vấn và Uyển trúng tuyển, trở thành thư ký kinh doanh cho một xí nghiệp thép tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh.
Những tưởng sau tháng ngày long đong, Uyển đã tìm được công việc phù hợp nhưng sự êm đềm ấy không kéo dài lâu. Nửa năm sau ngày Uyển đi làm, công ty lâm vào tình cảnh khó khăn khi sản phẩm thép sản xuất ra thừa nhưng dự án lại không có. Uyển đành nghỉ việc và đi làm cho một công ty chuyên về hậu cần dầu khí. Công ty này trả lương cao và có chế độ đãi ngộ tốt. Thế nhưng, một lần nữa, ngoại cảnh lại tác động; làm cho công ty con của Uyển lâm vào tình cảnh khó khăn.
Lần này, Uyển chính thức thất nghiệp trong khoảng 6 tháng. Thời gian đó, Uyển vẫn miệt mài nộp hồ sơ nhưng không còn hăm hở như giai đoạn đầu. Đó cũng là khoảng thời gian Uyển nhìn lại bản thân mình; về ước muốn, sở thích, khả năng…
“Mình nhớ hồi học phổ thông mình rất thích trở thành những người làm đẹp cho phụ nữ, nhưng điều kiện khi ấy không cho phép mình theo đuổi đam mê. Vậy là, nhân thời điểm này, mình quay trở lại sở thích làm đẹp ngày xưa. May mắn là mình có người bà con làm tại một xưởng giày ở Bình Dương. Nhờ đầu mối này, mình bắt đầu dấn thân vào con đường kinh doanh, ban đầu là bán giày qua mạng. Bây giờ là cửa hàng này đây”, Uyển kể.
Không đến nỗi lận đận như Uyển, Quỳnh Mai (sinh năm 1993, chủ spa Kim Mai, đường Tô Ngọc Vân) cũng có thời gian dài trầy trật mới vững vàng như hiện tại. Mai tốt nghiệp chuyên ngành may và thiết kế thời trang Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Lúc còn đi học, Mai mơ ước ra trường sẽ trở thành nhà thiết kế. Tuy nhiên, thị trường Đà Nẵng chưa thể phát triển công việc này. Sau tốt nghiệp, bạn bè cùng lớp của Mai đa số xin vào làm công nhân may tại các xí nghiệp may mặc. Mai rẽ hướng, tự mình mở một cửa hàng quần áo thời trang. Lúc ấy, ngoài điểm mạnh về gu thẩm mỹ, Mai không có kỹ năng quản lý, quảng cáo hay bán hàng. Cửa hàng chỉ duy trì được thời gian ngắn.
Nhận thấy khó phát triển trong nghề, Mai “cắp sách” đi học nghề trang điểm. Sau khi có nghề trong tay, Mai đi làm cho một số ảnh viện áo cưới trên địa bàn. Ước mơ có được một cửa hàng cho riêng mình vẫn âm ỉ trong lòng Mai. Sau một thời gian âm thầm chuẩn bị, Mai thuyết phục ba mẹ cho mượn một số vốn và đứng ra mở tiệm spa, chuyên về chăm sóc da và trang điểm chuyên nghiệp.
“Hiện tại, mình rất hạnh phúc với tiệm làm đẹp nhỏ này. Dù chưa phải là một địa chỉ tiếng tăm nhưng ở đây, được làm công việc theo sở thích của bản thân, mình đầu tư 100% sức lực vào nó. Hy vọng, trong tương lai, mình sẽ mở rộng tiệm hơn nữa…”, Mai chia sẻ.
Đương đầu với khó khăn
Nhiều bạn trẻ nói vui “Nói khởi nghiệp nghe to tát, chỉ là “cùng đường” thì phải tìm lối đi riêng thôi”. Không ai muốn bản thân “ngồi nhà” trong khi ngoài kia, cuộc sống không ngừng chuyển động. Mở những cửa hàng kinh doanh trên các trang mạng, diễn đàn… hiện nay đang khá phổ biến trong một bộ phận giới trẻ.
Theo thầy Phan Công Tuấn (giảng viên khoa Thương mại, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng), thực tế sinh viên (SV) tự thân khởi nghiệp sau tốt nghiệp là một xu hướng tốt của xã hội. Nếu SV đi làm, có thể các bạn chỉ có thể thực hành một vài chức năng kinh doanh đã được học trên giảng đường. Ví dụ, các bạn xin vào vị trí marketing thì chỉ làm marketing, kế toán làm kế toán.
Nhưng khi các bạn đã ra riêng kinh doanh, các bạn phải vận dụng toàn bộ kiến thức, từ tài chính, nhân sự, marketing, sản xuất… vào thực tiễn. Rất khó có ai khởi nghiệp lần đầu mà thành công. Nhiều thống kê cũng chỉ ra rằng, những người khởi nghiệp sớm nhưng thất bại, có thể vài lần, bản thân họ cũng đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm. Sau này có cơ hội, họ sẽ phát triển tốt.
Một số ít bạn trẻ xác định con đường của riêng mình ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế giảng đường. Nguyễn Huỳnh Nhật Thương (cựu SV ngành Kỹ thuật máy tính, khoa Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) đã ra trường 3 tháng nhưng xác định không xin việc làm mà tiếp tục theo đuổi các đề tài khoa học để khởi nghiệp.
Thương chia sẻ: “Trong 5 năm SV thì có đến 4 năm em tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình, đề tài được đánh giá cao, được tham gia các đề tài cấp bộ với các thầy. Em cũng từng phối hợp với một nhóm bạn để khởi nghiệp giai đoạn 2015-2016 nhưng… thất bại.
Tuy vậy, em xác định từ đầu, em và các bạn trong nhóm còn trẻ, có đam mê nên cùng nhau làm việc với nhau để có thể tạo ra các sản phẩm giá trị do chính những người Việt trẻ tạo ra”. Hiện tại, nhóm của Thương đã đưa ra thị trường một số sản phẩm như hệ thống đo mưa, đo nước, báo lũ…
Nhóm của Thương chưa thành lập công ty nhưng các bạn đã có kế hoạch phát triển đội ngũ, công việc được định hình cụ thể. Lĩnh vực mà các bạn nhắm đến là Internet of Thing (Internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo), là những lĩnh vực quan trọng của công nghiệp 4.0. Thương ấp ủ việc thành lập công ty đã lâu nhưng do một số trở ngại khách quan về giấy tờ, pháp lý… các bạn vẫn chưa có được một công ty có đủ tư cách pháp nhân cho riêng mình.
Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu các sản phẩm về smarthome, smartcampus, sản phẩm cho nông nghiệp. “Con đường chúng em đang đi chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn so với việc đi làm cho các công ty. Vì ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn kỹ thuật thì em và các bạn trong nhóm cũng lo thêm về các vấn đề về kinh tế như thủ tục, nhân sự, tài chính, sỡ hữu trí tuệ…
Chúng em đang cải thiện dần bằng cách tham gia các hội thảo, các khóa học để bổ sung kiến thức, kỹ năng và tạo thêm các mối quan hệ. Được làm điều mình thích khi còn trẻ, dẫu có thất bại cũng là thành công”, Thương bày tỏ.
QUỲNH TRANG