Yêu thương không roi vọt

.

Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, việc các em nhỏ bị người lớn đánh mắng, hành hạ tàn bạo có thể trở nên trì độn, học hành sút kém, hay lo sợ, thiếu tự tin, ít nói, sống xa lánh mọi người và trong lòng chứa đầy những mặc cảm, không muốn chia sẻ với ai. Có nhiều em trở nên hung hăng, khó dạy, thậm chí thù hận…

Những tác động tiêu cực đến mặt tâm lý đó đang được các cơ quan chuyên môn tích cực thay đổi bằng các biện pháp hỗ trợ trị liệu cũng như truyền thông thay đổi từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Những vấn đề trong gia đình mà có nhiều em học sinh đang gặp phải được học sinh trường THCS Phạm Ngọc Thạch đưa lên sân khấu hóa trong chương trình học “Hành trình yêu thương”.
Những vấn đề trong gia đình mà có nhiều em học sinh đang gặp phải được học sinh trường THCS Phạm Ngọc Thạch đưa lên sân khấu hóa trong chương trình học “Hành trình yêu thương”.

Hãy trân trọng con!

Học sinh Trường THCS Phạm Ngọc Thạch nằm trên địa bàn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà vốn từ lâu bị mang tiếng là có nhiều em quậy phá, đánh nhau. Chừng 4-5 năm trở lại đây, các em có sự thay đổi lớn khi ở trường cũng như ra đường, gặp thầy cô hay khách đều cúi chào, thưa gửi lễ phép.

Thầy Trịnh Quang Lộc, Hiệu trưởng nhà trường cười vui: “Kể cả người dân ở gần trường cũng như phụ huynh đều đánh giá sự tiến bộ của các em”. Cô Nguyễn Thị Hà, Tổng phụ trách Đội của trường thì đúc kết: “Trước đây có nhiều em rất cộc tính, cãi lại thầy cô, khi có xích mích với bạn sẽ sẵn sàng dùng bạo lực chứ không hề nghe giải thích, thường các em không giữ bình tĩnh.

Nhưng từ khi chương trình “Hành trình yêu thương” được đưa vào giảng dạy và triển khai suốt hơn 5 năm qua, đã có sự thay đổi tích cực trong tính cách của học sinh, nhận thức của phụ huynh thay đổi, nhiều cán bộ công chức về sống trên địa bàn khiến môi trường sống có nhiều thay đổi cũng tác động lên gia đình các em”.

Chương trình “Hành trình yêu thương” đã chọn Trường THCS Phạm Ngọc Thạch cùng 19 trường khác trên toàn thành phố triển khai, nay trường duy trì giảng dạy 32 tiết mỗi năm. 6 thầy cô tham gia giảng dạy ở trường này cùng học sinh nói về yêu thương, về bạo lực ở trường học cũng như trong gia đình, về giới tính, về quyền của trẻ em.

Sau mỗi đợt, các em sẽ tham gia thực hiện các tiểu phẩm, nói chuyện chuyên đề về những gì đã học. Những gì được tổng kết sau những tiết học đó chính là thực tế cuộc sống đang diễn ra ở trường, ở chính gia đình các em, là những khó khăn mà các em đang đối diện.

Cô Nguyễn Thị Hà kể kỷ niệm về một em học trò của nhà trường, nay đã tốt nghiệp đại học, rằng em học rất giỏi, việc gì các cô giao cho em làm đều rất yên tâm, nhưng em rất cộc tính. Nhiều lần cô Hà gợi mở và cô học trò trải lòng, gia đình chỉ có hai anh em nhưng em không được bố mẹ yêu, mẹ toàn bảo em là gánh nặng của gia đình, em sống trong áp lực đó từ nhỏ cho đến khi lớn.

Bởi thế nên em luôn phải gồng mình lên, tạo một vỏ bọc tính tình cục cằn, vậy mà khi ở cùng cô giáo em đã khóc rất nhiều. Chỉ tiếc rằng các em chỉ đi cùng thầy cô một chặng đường ngắn. Bài học chia sẻ về tình yêu thương cũng chỉ là bản lề giúp các em có một cuộc sống tích cực hơn.

Nhưng không ai dám chắc là bạo lực đòn roi và tinh thần mà có nhiều em phải chịu từ trong gia đình; hay thường xuyên nhìn thấy người cha say xỉn, quát tháo, đánh con và cả mẹ, có thể như một vết hằn đi theo các em suốt cả cuộc đời, khiến các em sống e dè khép kín hoặc tạo một vỏ bọc khó chịu cho mình. Cách nhìn cuộc sống của các em cũng thay đổi, đầy kìm nén và tổn thương.

Hãy trân trọng con! Một thông điệp ngắn gọn và đầy tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn đang được các trường học và xã hội truyền đi, nhằm thay đổi thói quen dạy con của nhiều bậc cha mẹ, cũng như chấm dứt nạn bạo lực học đường. Tổ chức Tầm nhìn thế giới tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói”, nói về quyền trẻ em ở một số tỉnh, thành của Việt Nam từ năm 2006, và 10 năm sau tổ chức rộng rãi ở tất cả các trường học, tạo một thông điệp mạnh mẽ về quyền trẻ em.

Nhưng trên thực tế nhiều người làm cha mẹ vẫn coi việc đánh đập, mạt sát con trẻ là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, họ đánh. Khi họ đang có sự buồn bực, lo lắng vì mưu sinh, họ đánh; khi họ có những điều không vui vì các mối quan hệ xã hội, họ đánh. Những cú đấm, cái tát đã xảy ra thường xuyên trong gia đình và được coi là hợp pháp. Chỉ có những vụ việc nghiêm trọng gây thương tật hoặc làm chết trẻ thì mới bị luật pháp trừng trị.

Dân gian có câu rằng “yêu thì cho roi cho vọt” và cho rằng đó là cách giáo dục hữu hiệu nhất để cho con họ phục tùng mọi ý kiến của họ và có thể sửa chữa được sai lầm. Hiện nay Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, có những điều khoản như bạo lực, hành hạ trẻ sẽ bị phạt tù từ 12-15 năm chiếu theo Bộ luật Hình sự, như vụ hành hạ các bé mầm non ở TP. Hồ Chí Minh đầu tuần nay. Nhưng rất hiếm các vụ cha mẹ đánh đập con cái bị xử lý trách nhiệm hành chính chứ chưa nói đến việc bị truy tố. Việc nhân danh một điều gì đó để dạy con không bao giờ đồng nghĩa với tình yêu thương. Và vết thương lòng con trẻ mang có thể đi theo đến suốt cuộc đời.

Bác sĩ CKII Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho rằng, hiện nay vẫn còn khá nhiều ông bố bà mẹ không hiểu được rằng việc dùng bạo lực với con cái là hoàn toàn đồng nghĩa với việc dạy dỗ, tập cho chúng quen dần với việc dùng bạo lực với người khác.

Thường những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong không khí của bạo lực gia đình thường “nhiễm” thói quen dùng bạo lực trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội, bạn bè thậm chí cả anh em, họ hàng. Các em có những biểu hiện tâm lý trong tính cách như yếu đuối, rụt rè/hung hãn, nóng nảy, lo âu, trầm cảm, tính tự tin bị suy giảm và có thể dẫn tới cả những hành vi tiêu cực như không vượt qua được các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Kỷ luật tích cực

Xã hội hiện đang có những biến đổi mạnh mẽ, giáo dục trẻ em ngày càng trở nên thách thức hơn. Trong khi người lớn luôn mong con trẻ có ý thức kỷ luật, là “con ngoan trò giỏi”, nhưng có nhiều em khó bảo, lì lợm và chống đối, nhiều em sống thụ động, bảo gì làm đó.

Chị Đỗ Thị Lam, chuyên viên phòng Tư vấn-trị liệu, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho rằng, nhiều người biết việc trừng phạt, đánh đập, mắng chửi không làm trẻ tốt hơn, nhưng họ không biết nên làm cách nào khác. 

Nhiều cha mẹ khi đánh mắng trẻ xong cảm thấy sai, hối hận, họ bực tức khi không thay đổi được hành vi của trẻ. Nhiều năm nay Trung tâm tiến hành truyền thông mạnh mẽ về phòng chống xâm hại bạo lực trẻ em tại 56 phường, xã trên toàn thành phố; trang bị kỹ năng sống cho trẻ thông qua những buổi tập huấn tại các trường tiểu học, THCS (kỹ năng giao tiếp, tự bảo vệ, phòng chống xâm hại, bạo hành).

Bên cạnh việc cung cấp kiến thức về quyền trẻ em, ảnh hưởng của việc xâm hại hay hành vi bạo lực, các chuyên viên của Trung tâm thường xuyên tổ chức chuyên đề “Kỷ luật tích cực” giúp phụ huynh có hành vi thay thế việc phạt đòn con trẻ.

“Kỷ luật tích cực” cũng được Tầm nhìn thế giới phân phát tài liệu ở các trường học cho giáo viên và phụ huynh, nhằm giúp họ thay đổi hành vi, nói chuyện và tương tác nhiều hơn thay vì chuyện bạo lực được áp đặt bằng “quyền” dạy con của cha mẹ.

Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội vừa qua đã thành lập CLB Cha mẹ tốt, CLB Quyền trẻ em (các em học sinh tiểu học, THCS ở hầu hết các quận, huyện), các thành viên CLB được tập huấn về quyền trẻ em, kỹ năng dạy con, kỹ luật tích cực, còn nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh về những vấn đề liên quan đến trẻ. Qua đó, sẽ lan tỏa kỹ năng, nhận thức, thông điệp về quyền trẻ em.

Năm nay là năm thứ 3 chúng tôi tổ chức những lớp nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề dành cho những em học sinh có các khó khăn về tâm lý, giao tiếp với cộng đồng hay có thể đã từng bị bạo hành ở 5 trường THPT là Cẩm Lệ, Thanh Khê, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hiền và Phan Châu Trinh. Chúng tôi muốn giúp các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống, sống tích cực hơn và có tâm lý ổn định hơn. (Bác sĩ CKII Trần Thị Hải Vân- Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng).

Từ năm 2015 đến nay, thông qua tổng đài miễn phí 18001046, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 600 cuộc điện thoại mỗi năm do phụ huynh, chính các em hoặc người dân gọi đến, yêu cầu kết nối các dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ và cần bảo vệ khẩn cấp; các nhân viên tư vấn trực tiếp tham vấn, trị liệu tâm lý qua điện thoại và có thời gian tiếp cận hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị xâm hại/phụ huynh trong thời gian 3-6 tháng.

Ngày 23-11 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nâng cấp Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em đang hoạt động thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số 111, Đà Nẵng sẽ là trung tâm vùng miền Trung tiếp nhận, khai thác thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em qua điện thoại, đơn, thư, phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.