Cỏ lào được nông dân xứ Quảng gọi là cây Bông trắng, là loài cây ưa chuộng của người đi cắt bổi về lót chuồng bò, chuồng heo để nhanh lấy được phân chuồng. Cây có nguồn gốc Nam châu Mỹ, được truyền bá vào nước ta từ thập niên 30 thế kỷ 20, cây mọc rất khỏe, lây lan nhanh nên dân gian gọi là cỏ Việt minh hay cây Cộng sản.
“Cỏ lào cầm máu, sát trùng/ Uống trong chữa lỵ, ngoài dùng tiêu viêm”. Ảnh: P.C.T |
Cỏ lào còn có tên Bớp bớp, Yên bạch, tài liệu Trung Quốc gọi là Phi cơ thảo (飞机草) hay Hương trạch lan (香泽兰); tên khoa học là Chromolaena odorata (L.) King et Robinson (đồng danh: Eupatorium odoratum L.), thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Cây thảo mọc thành bụi, có thân cao đến 2m hay hơn. Cành nằm ngang, có lông mịn. Lá mọc đối, hình trái xoan nhọn, mép có răng, cuống dài 1-2cm, có 3 gân chính. Cụm hoa xếp thành ngù kép, mỗi cụm hoa có bao chung gồm nhiều lá bắc xếp 3-4 hàng. Hoa nhiều, mới nở có màu phớt xanh hay tím nhạt, sau chuyển màu trắng. Quả bế hình thoi, 5 cạnh, có lông. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân.
Phân tích thành phần hóa học cho thấy Cỏ lào chứa 2,65% đạm; 0,5% phosphor và 2,48% kalium. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, alcaloid, tanin.
Theo Đông y, Cỏ lào có vị hơi cay, tính ấm, có tác dụng sát trùng, cầm máu, chống viêm. Thông thường ta hay dùng lá tươi cầm máu vết thương, các vết cắn chảy máu không cầm. Cũng được dùng chữa bệnh lỵ cấp tính và bệnh ỉa chảy của trẻ em; chữa viêm đại tràng đau nhức xương, viêm răng lợi, chữa ghẻ, lở, nhọt độc.
Ở Trung Quốc, Cỏ lào chỉ dùng ngoài để tiêu sưng, cầm máu, sát trùng, phòng và trị đỉa cắn. Ngoài ra còn bỏ lá xuống ruộng ngâm 1-2 ngày để trừ ấu trùng ký sinh trùng (thể xoắn ốc có móc câu ở đầu) phòng khi xuống ruộng khỏi bị lây. Cỏ lào dùng làm phân xanh có tác dụng diệt cỏ và làm giảm tuyến trùng ở trong đất.
Kinh nghiệm nước ta dùng Cỏ lào pha dưới dạng xirô từ nước hãm dùng chữa lỵ và ỉa chảy. Nước sắc Cỏ lào dùng uống chữa đau nhức xương. Lá non nấu tắm chữa ghẻ, khi tắm dùng bã xát vào mụn ghẻ trong vòng 5-6 ngày là khỏi. Lá tươi vò hay giã đắp cầm máu vết thương.
Viện Nghiên cứu Y học quân sự Việt Nam (1976) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy lá, thân, rễ Cỏ lào đều có tác dụng kháng viêm, nhưng lá mạnh hơn cả; nước sắc Cỏ lào có tác dụng ức chế vi khuẩn gây mủ trên vết thương và ức chế trực khuẩn lỵ Shigella. Liều độc LD 50 trên chuột nhắt: thân 160g/kg thể trọng; lá 135g/kg thể trọng; rễ 120g/kg thể trọng.
Quân y viện Binh đoàn 12 từng dùng cao đặc Cỏ lào để bôi chữa viêm lợi, viêm ổ chân răng sau khi mổ, đạt kết quả tốt.
Bài thuốc:
- Phòng đỉa cắn: Giã lá cỏ lào xoa khắp đùi trước khi lội xuống nước.
- Chữa đỉa cắn, máu chảy không ngừng: vò lá Cỏ lào xát vào cầm ngay.
- Chữa vết thương phần mềm (do tai nạn giao thông, ngã, bị đòn đánh): Lá và ngọn Cỏ lào tươi một nắm to (150g) rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương, băng chặt. Mỗi ngày thay thuốc một lần.
- Chữa tiêu chảy: Lấy 20-30 ngọn non, giã nhỏ, thêm nước rồi gạn uống; nếu lá khô dùng 20g sắc uống. Trường hợp đặc biệt có thể lấy 4-5 ngọn cỏ lào nhai nhỏ rồi chiêu nước.
- Chữa lỵ trực khuẩn: Lá và ngọn Cỏ lào tươi 1 nắm to (150g) rửa sạch, cắt nhỏ, hãm với nước sôi trong 2 giờ với 500ml nước, lọc lấy nước thuốc rồi cô còn 150ml. Thêm 30 – 50g đường, đun sôi cho tan. Người lớn uống mỗi lần 50 ml x 3 lần/ngày; liên tục đến khi khỏi. Nếu đi lỏng mất nước cần cho uống nước cháo loãng pha muối mỗi ngày 500 – 600ml.
Lưu ý: Toàn cây Cỏ lào có độc chất coumarin, nhất là ở lá và dạng tươi. Xát lá trên da có thể gây sưng tấy và phồng nước, nên xử lý rửa sạch, bôi thuốc mỡ acid boric. Ăn nhiều lá non bị đau đầu và nôn mửa thì xử lý rửa ruột, cho uống lòng trắng trứng và nước đường (theo sách Cây độc ở Việt Nam).
PHAN CÔNG TUẤN