Nhiều năm nay Đà Nẵng được du khách yêu mến, tin tưởng bởi sự thân thiện, dễ mến, để có được sự tin tưởng ấy là sự “góp nhặt” từ những hành động nhỏ của người dân và chính quyền nơi đây.
Nhiều kênh hỗ trợ, giúp đỡ du khách khiến du khách an tâm khi đến Đà Nẵng. Ảnh: Q.T |
Một ngày đầu tháng 7-2017, anh Nguyễn Đức Trung (trú Từ Liêm, Hà Nội) tìm đến nhân viên Đội quản lý trật tự và du lịch biển (gọi tắt là Đội, thuộc Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) trong vẻ mặt lo âu để trình báo việc anh bị mất ví, trong đó có hơn 20 triệu tiền mặt và một số giấy tờ tùy thân quan trọng.
Nghe anh trình bày và đối chiếu với các thông tin tương đồng, các anh trong Đội trả lại cho anh nguyên vẹn chiếc ví. Sau khi nhận lại tài sản, anh Trung đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chị Nguyễn Thị Thân (nhân viên tổ giữ xe) và bày tỏ sự cảm kích với hành động đẹp của người dân Đà Nẵng.
Cùng thời điểm đó, chị Lê Thị Tuyết (trú tỉnh Vĩnh Phúc) nước mắt ràn rụa đến Đội nhờ tìm giúp con gái 5 tuổi của chị bị lạc khi đang tắm ở khu vực Bãi tắm số 1 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). Ngay lập tức, thông tin được báo về trung tâm điều hành qua bộ đàm.
Vài phút sau, hệ thống loa phát thanh trên bãi biển đã liên tục vang tiếng loa tìm trẻ lạc với những thông tin miêu tả về bé gái và hơn 2 giờ sau, 60 nhân viên của Đội mới tìm thấy em bé đi lạc đến tận bãi biển Bắc Mỹ An, cách chỗ mẹ 4-5km.
Ông Nguyễn Hồng Vân, Đội trưởng Đội quản lý trật tự và du lịch biển, cho biết hiện tại Đội quản lý tất cả các hộ kinh doanh dưới bãi biển, hệ thống 30 thùng loa công cộng trên bãi biển, 19 nhà vệ sinh công cộng, 9 bãi giữ xe và đàn chim bồ câu. Hệ thống loa mỗi ngày đều phát đi khuyến cáo du khách hãy gửi hành lý, tư trang có giá trị tại quầy của bãi giữ xe hoặc nếu lỡ đã đem xuống bãi biển, có thể gửi tại quầy giữ đồ của các hộ kinh doanh.
Với lực lượng 60 người quản lý bãi biển kéo dài từ bờ biển Nguyễn Tất Thành đến cận bờ biển Hội An, cả Đội luôn đặt mình trong trạng thái tập trung cao độ để bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên bãi biển. “Bãi biển Đà Nẵng là bãi biển đã có thương hiệu. Đây là công sức của hệ thống chính quyền và người dân Đà Nẵng nhiều năm gầy dựng.
Do vậy, từ cái lớn đến cái nhỏ, chúng tôi đều không thể chủ quan. Chúng tôi xác định rằng, thành phố này phát triển là nhờ du khách và làm cho họ an lòng thì họ mới quay lại. Giữ được thương hiệu của biển không chỉ là sự đầu tư về vật chất, sự cải thiện về vệ sinh mà phải làm sao cho du khách yên tâm đến Đà Nẵng tắm biển.
Nhiều lúc đã hết giờ làm việc hay đêm hôm khuya khoắt, chỉ cần có du khách gặp sự cố là anh em đều hết mình giúp đỡ. Nhờ tinh thần của anh em mà nhiều năm qua, dù có hàng trăm lượt du khách lạc mất con trẻ nhưng chưa bao giờ xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Vân chia sẻ.
Đà Nẵng còn có nhiều kênh giúp đỡ du khách, người dân. Từ cái chưa đẹp về trật tự, văn minh đô thị, an toàn giao thông, cung cách làm việc, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, đến những chuyện nhỏ như tìm giấy tờ, tìm người thân, tìm thú cưng… đều có thể phản ánh đến Tổng đài 1022, các trang facebook của Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông, UBND quận Ngũ Hành Sơn, hoặc qua trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng:
Tiện nghi-xanh sạch- đẹp. “Một khi thông tin đã được đưa lên thì đa số đều có phản hồi, mọi cái chưa tốt, chưa đẹp và cả những việc làm hay, tấm gương tốt đều có cơ hội “lên sóng”. Trong việc xử lý, thông tin gửi đến các trang web, tổng đài dịch đều có sự kết nối, trao đổi để hướng đến mục đích cuối cùng là làm cho thành phố ngày càng văn minh, khang trang và an bình hơn”, ông Diệp Dân Hùng, một thành viên của trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-xanh-sạch-đẹp chia sẻ.
Nhắc nhở du khách một cách ý nhị
Năm 2015, Sở Du lịch ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch (gọi tắt là Bộ quy tắc) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bộ quy tắc nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, nhận thức về ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.
Bộ quy tắc được thiết kế trên hình thức hình ảnh hóa các nội dung, khá ấn tượng với 13 nội dung về những điều nên và không nên làm khi du lịch tại Đà Nẵng, có màu sắc sống động, dễ dàng tạo thiện cảm với mọi người.
Các Bộ quy tắc được in trong các tập gấp nhỏ gọn, du khách có thể dễ dàng mang theo, hoặc in trên những bảng tuyên truyền cỡ lớn được lắp đặt tại các vị trí tập trung nhiều du khách, hay video clip hình ảnh hóa, in trên các tờ A4 đặt tại quầy lễ tân, trong tập thông tin của các khách sạn trên địa bàn thành phố.
Hiện tại, đã có hơn 23.000 tờ gấp hình ảnh hóa Bộ quy tắc được phát hành đến khách du lịch bằng 4 ngôn ngữ Việt-Anh-Trung-Hàn. Cũng nhờ đó, cán bộ, công chức ở Trung tâm hỗ trợ du khách, Quầy thông tin ga đến quốc nội và quốc tế, các khách sạn, nhà hàng, khu điểm du lịch, cơ sở phục vụ khách du lịch, xe vận chuyển khách du lịch... đã nâng cao nhận thức về văn minh du lịch, có hành vi ứng xử văn minh lịch sự đối với hành khách khi xuất, nhập cảnh, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến Đà Nẵng.
Cán bộ, nhân viên của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng luôn có thái độ thân thiện, niềm nở khi phục vụ khách; tư vấn nhiệt tình, trung thực và sẵn sàng giúp đỡ khách, luôn sẵn sàng với các câu nói cần thiết “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn”.
Tại Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có đặt các hòm thư góp ý, định kỳ thu thập và xử lý thông tin phản ánh của hành khách, bảo đảm sự hài lòng của khách. Chị Hồ Thị Hải Yến (du khách TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ, việc phát hành Bộ quy tắc nhỏ gọn và lắp đặt Bộ quy tắc bằng biển/bảng những điều du khách nên và không nên làm khi đến Đà Nẵng là một hình thức ý nhị, giúp du khách có hành vi ứng xử phù hợp nơi đất khách.
Thời gian đến, theo dự báo của ngành du lịch, lượng khách đến Đà Nẵng sẽ tăng lên, chắc chắn sẽ kéo theo các vấn đề về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Vì vậy, việc có sự chuẩn bị, xây dựng kế hoạch dài hơi để giữ vững thương hiệu du lịch Đà Nẵng là điều mà ngành du lịch và các đơn vị hoạt động du lịch nên làm.
Quỳnh Trang