Giữ thái độ thân thiện, mến khách

.

Trong bức tranh tổng thể xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố an toàn, thân thiện, con người cởi mở, những tiểu thương dù ở các chợ lớn có đông khách du lịch lui tới hay ở chợ nhỏ chỉ có khách địa phương vẫn luôn nở nụ cười trên môi, tận tình và đáng mến.

Bên cạnh đó, ở những cửa hàng, quán ăn, cung cách phục vụ của người bán hàng, người làm dịch vụ cũng đang có nhiều thay đổi. Những hình ảnh này giúp nâng cao vị thế của thành phố, xứng tầm với danh hiệu đô thị du lịch.

Thân thiện, nhiệt tình trong bán hàng đã trở thành nét đẹp của tiểu thương các chợ, cơ sở kinh doanh ở Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN
Thân thiện, nhiệt tình trong bán hàng đã trở thành nét đẹp của tiểu thương các chợ, cơ sở kinh doanh ở Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Lan tỏa “nụ cười Đà Nẵng”

Nhận xét “người Đà Nẵng mến khách” được khách du lịch nói đến những năm qua được xem như một lời khen tặng dành cho người dân nói chung và các nơi cung cấp dịch vụ ở chợ, quán ăn, quán cà-phê hay nơi lưu trú... Không thể để “phí hoài” lời khen, chính quyền và người dân cùng vào cuộc để khẳng định lời khen tặng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Và nơi đầu tiên thực hiện sự mến khách, dễ thương chính là những ngành dịch vụ; trong đó chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” được triển khai trước khi Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức ở Đà Nẵng diễn ra gần 2 tháng và kéo dài đến tháng 12-2017, đã nhận được sự hưởng ứng của các cơ sở dịch vụ toàn thành phố.

Không chỉ ở các chợ bán nhiều mặt hàng lưu niệm, làm quà, ở các chợ người mua đều gặp những người bán hàng nụ cười tươi, chào mời nhiệt tình. Chị Trần Thị Bạch Yến, chủ quầy hàng Thuận Yến ở chợ Hàn cho biết, nhiều năm xây dựng chợ văn minh thương mại (VMTM), chị em ai cũng hiểu khách hàng đem lại “nguồn sống” cho mình nên cố gắng đầu tư quầy hàng, nhiệt tình giới thiệu sản phẩm, không mua cũng không sao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Quản lý chợ Hàn, cho biết bà con tiểu thương rất ý thức về việc xây dựng hình ảnh đúng theo tiêu chí văn minh thương mại: không chèo kéo, không nói thách với mức giá “trên trời”, có thái độ phục vụ lịch sự.

Trong những năm qua đây là vấn đề “sống còn” của các chợ. Bà Thanh Vân cho rằng việc xây dựng hình ảnh đã khó, mà giữ nó còn khó hơn, do đó yêu cầu các tiểu thương phải cố gắng, để vấn đề văn minh trong phục vụ khách đi vào thực chất.

Sở Công thương đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động bên lề như xây dựng, thiết kế, biên soạn, in ấn và phát hành 1.000 sổ tay, khẩu hiệu tuyên truyền Cẩm nang xây dựng văn minh thương mại thực hiện chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”, hướng đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 phát cho tiểu thương tại các chợ, nhà hàng, cơ sở ăn uống, hộ kinh doanh tại các tuyến phố chuyên doanh, trung tâm mua sắm trên địa bàn thành phố.

Các băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền chiến dịch được treo tại 4 chợ có đông khách lui tới gồm chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường. Những băng-rôn tuyên truyền này còn được treo ở nhiều siêu thị, doanh nghiệp khác.

Như ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố nhấn mạnh trong buổi phát động chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”: không chỉ là cán bộ, công chức, nhân viên bán hàng, lễ tân, hướng dẫn viên, lái taxi… mà là tất cả con người Đà Nẵng hãy luôn niềm nở chào hỏi, nở nụ cười đối với bạn bè và du khách.

Hãy nở nụ cười thật tươi, thật thân thiện tuy rằng đó chỉ là hành động nhỏ nhưng sẽ mang đến một giá trị thực rất lớn về lâu dài, góp phần khẳng định thương hiệu “DaNang FantastiCity - thành phố tuyệt vời”.

Tăng tiêu chí văn minh và cung cách phục vụ

Ý tưởng xây dựng chợ văn minh thương mại (VMTM) được Sở Công thương lên kế hoạch triển khai từ năm 2003. Theo thời gian, các chợ đã có một bộ tiêu chí với những quy định, xây dựng một lộ trình cụ thể từ con người tiểu thương hằng ngày giao tiếp với khách, đến cơ sở vật chất, hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và an toàn, an ninh từ khi chưa bước vào nơi bán hàng. Mới đây, UBND thành phố ban hành một bộ tiêu chí mới có 20 điều, phân chia tiêu chuẩn cụ thể.

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ - triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho hay, việc xây dựng chợ VMTM là điều tiên quyết để các chợ hoạt động tốt và cạnh tranh được với các kênh phân phối khác.

Để tuyên truyền, ban đầu các chợ thực hiện vận động tiểu thương là chính. Ở chợ Hàn, nơi mang “bộ mặt” vừa là chợ truyền thống, vừa là tâm điểm phục vụ khách du lịch đổ về Đà Nẵng, từ năm 2010, Ban quản lý chợ tổ chức tuyên truyền các tiêu chí xây dựng chợ văn minh thương mại đến cho từng tiểu thương.

Từng chút một, những cuộc họp, những tờ rơi được phát ra nhằm tuyên truyền, uốn nắn bà con tiểu thương đi vào khuôn khổ, nền nếp. Việc niêm yết giá, cho phép chênh với giá gốc 5-10% để có sự mặc cả, thỏa thuận theo truyền thống đi chợ của người Việt.

Cùng với tuyên truyền là sự nhắc nhở những ai làm sai, làm mất đi hình ảnh đẹp của chợ. Nhờ đó, có một sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh ở chợ Hàn những năm qua, giúp chợ 4 năm liền (2013-2016) đạt các tiêu chí chợ VMTM.

Rồi những mô hình như “Sạch quầy, đẹp chợ”, “Điểm bán hàng văn minh thương mại”, “Quầy bán hàng đúng giá”… được triển khai, trọng tâm là giúp cho thương nhân ngày càng nâng tầm nhận thức của mình trong hoạt động kinh doanh đó là: hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bán hàng có niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; thái độ phục vụ khách hàng lịch sự, nhã nhặn.

Nhờ đó khách hàng đến chợ nhận được cảm giác thân thiện, yên tâm và tin tưởng. Bù lại, Ban quản lý chợ tập trung phát triển các mặt hàng đặc sản, các sản phẩm làng nghề chủ lực; kết nối với các khách sạn, nhà hàng, để mang khách hàng đến với chợ; có giải pháp giúp thương nhân phát huy tính sáng tạo trong kinh doanh.

Nhiều năm qua, chợ Cồn, chợ Hàn có rất đông khách quốc tế đến mua sắm, các tiểu thương có thể giao tiếp cơ bản với khách. Chị Nguyễn Thị Trung (lô 1 Hùng Vương, chợ Cồn) bảo tiếng Anh chị biết nói lâu rồi, mấy năm qua khách Trung Quốc đông, chị mua hẳn một cuốn sách giao tiếp tiếng Trung về học. Hoặc nhiều chủ quầy bán đặc sản ở chợ Hàn giao cho con, cháu học ngoại ngữ để làm phiên dịch với khách.

Ở mỗi chợ, tiểu thương thể hiện sự văn minh theo những cách khác nhau, mang bản sắc của chợ và của người Đà Nẵng. Điều này có thể dễ dàng được kiểm chứng nếu người tiêu dùng chịu khó “lội chợ” để biết, và cũng hiểu thêm cung cách của người Đà Nẵng.

Như khi đến chợ Đầu mối Hòa Cường, hỏi xuất xứ các loại rau, trái cây, thì tất cả các tiểu thương đều sẵn sàng nói cho người mua về xuất xứ, để khách có quyền lựa chọn mua hay không mua.

Chợ là nơi họp mặt của những con người không quen biết, nhưng rồi “buôn có bạn, bán có phường”, các chị em sẵn sàng bán hộ hàng cho nhau; rồi các chị bằng khả năng buôn bán sẽ xây dựng những mối khách riêng để kinh doanh hiệu quả.

Ở đó, không phải chuyện nói nhỏ, nói nhẹ với nhau là văn minh, mà là những nụ cười, sự thấu hiểu nhau, sự chia sẻ, lắng nghe để mỗi tổ quản lý, ban quản lý các chợ có những hoạt động tuyên truyền phù hợp.

Ông Mai Phước Ba nhấn mạnh: Ở các chợ đều triển khai cho từng ngành hàng, hộ kinh doanh ký cam kết về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng chợ VMTM, đề ra nhiều giải pháp phù hợp với từng giai đoạn, đối tượng và xây dựng các chế tài làm công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình thay đổi nhận thức của bà con.

“Nói thế nhưng không dễ làm. Chúng tôi phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ chợ và Ban cán sự tổ, ngành hàng, các chị sẽ giúp mình khâu vận động, tuyên truyền, giám sát”, ông Ba cho hay.

Ngoài ra, Công ty Quản lý hội chợ - triển lãm và các chợ Đà Nẵng thường xuyên mời giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng cung cấp các kiến thức về kỹ năng bán hàng, trưng bày hàng hóa; kỹ năng giao tiếp với khách hàng; các kỹ năng trong kinh doanh như mua bán hàng hóa phải có nhãn mác, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, cân đong đo đếm chính xác; đạo đức trong kinh doanh và trách nhiệm của tiểu thương trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại chợ trong quá trình buôn bán…

Năm 2017, công ty tập huấn cho chị em tiểu thương các chợ thuộc công ty quản lý và mở thêm 5 lớp tập huấn về VMTM cho tiểu thương kinh doanh tại các chợ tại 5 quận trên địa bàn thành phố gồm Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Để tồn tại và đứng vững trong xu hướng siêu thị mở ra ngày càng nhiều, hơn ai hết người kinh doanh tại chợ đã biết thay đổi, có những cách nghĩ, cách làm mới để tiếp cận và giữ chân khách hàng…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.
.