Những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 20%. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, dù lượng khách đến đông, nhưng số ngày lưu trú vẫn không nhiều, số tiền trung bình một ngày khách hàng chi tiêu tại đây cũng rất hạn chế…
Dù lượn, môn thể thao hấp dẫn, một trong những sản phẩm du lịch mới, độc đáo luôn thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng. Ảnh: T.Y |
Nguồn thu chưa tương xứng với lượng khách
Theo số liệu của Sở Du lịch, tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng năm 2017 ước đạt 6,59 triệu lượt, tăng 19% so với năm 2016 (đạt 104,8% kế hoạch năm). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,29 triệu lượt, tăng 36,8% (vượt cả chỉ tiêu đề ra đến năm 2020, Đà Nẵng đón khoảng 2 triệu lượt); khách nội địa ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11,3% so với năm 2016. Có thể nói, đây là con số đáng ghi nhận của ngành du lịch suốt thời gian qua.
Cùng với việc đóng góp 16.544 tỉ đồng, chiếm 23,72% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đồng thời tạo ra 140.536 vị trí việc làm, ước đạt 25,43% so với tổng số việc làm trong năm 2016, ngành du lịch tiếp tục gặt hái thành công.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) đưa ra lượng khách du lịch quay lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ 2 và chỉ 13% đến lần thứ 3. Thực tế này cũng đang diễn ra tại Đà Nẵng.
Cụ thể, sau khi tiến hành khảo sát 3.000 du khách (trong đó có 1.000 khách quốc tế) và 100 doanh nghiệp lữ hành, dự án “Xác định đóng góp của du lịch trong GRDP TP. Đà Nẵng” đưa ra mức chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng hiện nay là 5,322 triệu đồng; khách nội địa là 2,753 triệu đồng (chủ yếu chi tiêu vào mục đích chữa bệnh).
Trong đó, mức chi tiêu bình quân 1 ngày đối với khách quốc tế là 1,567 triệu đồng; khách nội địa là 1,029 triệu đồng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có hơn 80% khách quốc tế đến Đà Nẵng lần đầu nhưng chỉ gần 7% khách đến lần thứ ba trở lên. Trong khi đó, lượng khách quốc tế quay lại Thái Lan lần 2 trở lên chiếm 82%, và 89% với Singapore.
Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng Trần Thị Lệ Trinh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tiến hành khảo sát đánh giá của du khách về 4 nội dung, như: dịch vụ du lịch; điểm tham quan; hình ảnh Đà Nẵng; mức độ hài lòng trong thời gian lưu lại thành phố, theo thang điểm từ 1 đến 5.
“Kết quả cho thấy nhiều du khách thích phong cảnh đẹp ở Đà Nẵng, con người thân thiện, chất lượng dịch vụ tốt, môi trường sạch sẽ. Đồng thời, du khách – đặc biệt là khách quốc tế - cũng chỉ ra những hạn chế như nhà vệ sinh tại các điểm tham quan chưa đảm bảo, phương tiện giao thông đông đúc, vỉa hè chật, khả năng ngoại ngữ của hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ còn yếu và thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, đặc biệt về đêm”, bà Trinh nói.
Đà Nẵng lâu nay vốn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc, nhưng phần lớn chỉ mới khai thác ở dạng thô, tự nhiên, chưa có nhiều sản phẩm “đi kèm” hấp dẫn khác. Đây cũng chính là điểm hạn chế khiến việc chi tiêu của du khách khi đến Đà Nẵng còn ít ỏi.
Cần nhanh chóng triển khai các dự án mới
Ở thời điểm hiện tại, thành phố có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, với tổng vốn đầu tư khoảng 7,3 tỷ USD (tương đương 153.000 tỷ đồng). Trong đó có 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD (tương đương 27.000 tỷ đồng), còn lại là các dự án đầu tư trong nước. Tuy vậy, theo đánh giá, du lịch Đà Nẵng chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư do thiếu các sản phẩm du lịch chuyên biệt, thiếu các trung tâm mua sắm chất lượng cao, sản phẩm giải trí còn nghèo nàn, đơn điệu.
Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Đà Nẵng hiện nay đã đạt “ngưỡng”, nếu không có những bước đi đột phá, tạo ra sản phẩm mới lạ, hấp dẫn thì trong tương lai khó tiếp tục đà tăng trưởng. Việc thu hút đầu tư cần có sự kiểm soát chặt chẽ, hướng đến loại hình dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp, đó có thể là du lịch MICE, du lịch mua sắm để tăng khả năng chi tiêu của khách.
Đồng thời, thực tế cũng chỉ ra rằng, thị trường du lịch Đà Nẵng đang rất nóng nhưng nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho biết, đa số sinh viên ra trường đến với ngành du lịch đều không đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt khả năng ngoại ngữ còn hạn chế.
Đây là thực trạng rất đáng báo động, chủ yếu do chương trình đào tạo của nhà trường chưa bám sát mục tiêu hoàn thiện kỹ năng, ngoại ngữ cho sinh viên, cũng như, chính các em chưa thật sự nỗ lực trong quá trình học tập và nắm bắt cơ hội.
Bên cạnh đó, một yêu cầu cấp thiết đang đặt ra cho ngành du lịch Đà Nẵng là việc cần thiết phải xây dựng khu du lịch ẩm thực, mua sắm, khu vui chơi giải trí về đêm quy mô và đạt chuẩn. Đây cũng là loại hình dịch vụ mà Singapore hay Thái Lan đều đã thực hiện thành công. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư xây dựng cầu tàu, bến du thuyền chậm triển khai cũng ảnh hưởng đến hoạt động du lịch đường sông.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, Đà Nẵng vẫn chưa tận dụng tốt những lợi thế về mặt biển, mặt sông để tạo nên những sản phẩm du lịch mới. Hay như câu chuyện quà lưu niệm “made in Đà Nẵng” triển khai mấy năm nay dường như vẫn giẫm chân tại chỗ, những sản phẩm bước đầu được giới thiệu vẫn còn “nặng” về hình thức và khối lượng, chưa thật sự có một sản phẩm đúng với tiêu chí đơn giản, đẹp, độc, lạ và giá thành rẻ để mọi người thuận tiện mua về làm quà.
Cách đây chừng 5 tháng, người dân Đà Nẵng khấp khởi hy vọng khi nghe thông tin Đà Nẵng sắp triển khai xây dựng “Phố du lịch” tại khu vực Suối Đá, sát chân núi Sơn Trà, phường Thọ Quang. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng và Sở Xây dựng đã phê duyệt Quy hoạch dự án Phố du lịch theo quyết định số 4142/SXD-QLQH ngày 16-5-2017, gồm các khu chức năng cơ bản, khu thương mại dịch vụ, công viên vườn dạo, khu vui chơi giải trí, khu phố ẩm thực chợ đêm, khu mua sắm, spa, karaoke… Đây hứa hẹn sẽ là địa điểm tổ chức hoạt động 24/24, phục vụ hơn 5 triệu khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng thời gian tới.
Hy vọng, bởi đây là loại hình dịch vụ đang rất thiếu tại Đà Nẵng. Người dân đang cùng chờ đợi một tương lai sáng hơn cho ngành du lịch thành phố. Như chuyện ngay từ tháng 1-2018, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng đã đưa thêm tuyến xe bus mới vào hoạt động theo lộ trình từ Sân bay quốc tế Đà Nẵng đến chùa Linh Ứng (Bán đảo Sơn Trà) và ngược lại nhằm phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn thành phố qua một số tuyến nhất định, với cự ly tổng tuyến khoảng 37 km. Tuyến này sẽ thường xuyên có 8 xe (loại 45 chỗ, 1 tầng, mui hở), do một công ty du lịch vận hành, khai thác từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm hằng ngày.
Có thể nói, cùng với việc nhìn thấy những hạn chế, cũng như tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hy vọng bức tranh du lịch thành phố trong tương lai sẽ ngày một khởi sắc và mang lại nhiều nguồn thu cho người dân Đà Nẵng.
TIỂU YẾN