Thị trấn giữa lưng đèo, tựa như một bài thơ nhỏ. Tôi lại nhớ người xưa từng qua đây và ở lại. Bếp lửa còn đỏ lửa trong ngôi nhà nhỏ. Gác chuông trên nhà thờ vẫn còn đổ chuông. Trên đồi hoa lau còn nở trắng…
Nhà văn Nga Oleg Babukin (bên trái) tại chợ Dran, trong dịp tháng 10-2017. |
Một đêm mưa ở Đà Lạt, ngồi với nhà thơ Nguyễn Chí Hoan, anh rủ tôi về Đơn Dương chơi. Nghe anh kể, chừng hơn hai mươi lăm năm trước khi còn làm báo ở Sài Gòn anh vẫn lên Đơn Dương, đầu tiên là để viết phóng sự, dần dà lại gắn bó với vùng đất này khi nào không hay. Anh Hoan còn khoe là chùm thơ anh viết về Đơn Dương và hồ Đa Nhim còn gọi là hồ Đơn Dương từng đoạt giải nhất Thơ báo Văn Nghệ. Tôi vốn đã mê cái thị trấn lưng đèo này từ lâu rồi. Năm 1973 có lần từ Đà Lạt về cùng họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã từng ghé lại đây ngủ lại một đêm.
Dran là tên gọi của người Pháp đặt cho Đơn Dương, thị trấn Dran cách Đà Lạt chừng 40km, nằm trên quốc lộ 27. Nếu trên đường về xuôi thì Dran là điểm dừng lại trước khi vượt đèo Ngoạn Mục và ngược lại cũng là nơi nghỉ lại sau khi đã vượt đèo. Dran bao giờ trong mắt khách lữ thứ là hình ảnh của một nơi chốn bình yên, một nỗi dịu dàng thân thuộc trên hành trình lên - về Đà Lạt.
Sau nhiều năm trở lại, thị trấn này hình như không có gì thay đổi, vẫn núi đồi trong sương sớm, hoa lau bạt ngàn. Hàng quán vẫn liêu xiêu thưa vắng chỉ có khu vực chợ có chút đông vui, tất cả như có nỗi gì thân thuộc, lòng nhẹ lại một chút bâng khuâng nỗi nhớ về tình bạn tuyệt vời của hai người nghệ sĩ tài danh mà tôi yêu mến đã từng có khoảng thời gian trải qua trên mảnh đất này.
Nhà văn Nga Oleg Babukin- Trưởng ban đối ngoại của Hội Nhà văn Nga đi với chúng tôi lần này, cứ thắc mắc tại sao phải dừng lại ở một phố chợ đìu hiu bên lưng đèo như thế này. Chúng tôi mới cho anh ấy biết, nơi đây nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ Đinh Cường từng sống và sáng tác. Khi nghe thế, nhất là đối với Trịnh Công Sơn, người mà anh rất ngưỡng mộ, anh trở nên phấn khởi đi cùng chúng tôi thăm thú thị trấn bé nhỏ dưới lưng đèo.
Để nhớ nhà thờ Dran. (Tranh sơn dầu của Đinh Cường) |
Đó là khoảng năm 1964, Trịnh Công Sơn đang dạy học tại Blao, còn Đinh Cường từ Huế vào gặp nhau tại Đà Lạt. Rồi Đinh Cường về Dran, ở lại trong một ngôi nhà sàn bằng gỗ thông nằm chơ vơ chung quanh là núi rừng, có tiếng vượn hú, tiếng chim kêu, tiếng sương mù cùng giá rét (1) ở Lạc Lâm, cách chợ Dran khoảng 4km. Trong những tư liệu để lại, hai người đã sống tại đây với tất cả niềm cảm xúc thơ mộng của nỗi cô đơn tuyệt vời trong niềm hứng khởi khát khao sáng tạo.
Bản thân là một họa sĩ nhưng Đinh Cường từng viết nhiều bài thơ về miền đất này: Một mình ta cùng trời đất rộng/ Ôi chiều lạnh lùng chiều Đơn Dương/ Những trái su xanh trên giàn rẫy đó/ hãy ngả mũ chào một bầy két hoang. Những ngày sống xa quê hương, Đinh Cường lại nhớ về trong nỗi u hoài, hư tưởng. Nhớ khói lam chiều lan xa trên sườn núi/ những đoạn đường đèo hoang vu trên Đơn Dương/ tiếng lục lạc của chiếc xe thồ cũ kỹ/ móng ngựa mòn rơi trên đường/ và bạn tôi không còn cùng tôi. Người bạn quá đỗi thân thiết ấy là Trịnh Công Sơn- tôi thấy bạn cười chiếc răng khểnh Sơn ơi cùng những ngọn lau già rạp mình trong gió hú, cánh rừng hoa dã quỳ vàng buồn thiu khi chiều xuống (Chiều mùa đông tối sớm) hay manchon chao, hay những đêm Dran âm u/ hai người bạn nằm trên hai chiếc/ giường gỗ ván thông, ngọn nến trắng/ thức khuya viết thư miên man/ gởi Hướng Dương tên hồn nhiên/ bạn gọi Dao Ánh/, thời của Còn tuổi nào/ cho em: tuổi nào lang thang thành phố/ tóc mây cài thời của Tuổi đá buồn... (Chiều nay đi trên phố xưa Georgetotown mà nhớ bạn). Điều này cho ta biết thêm một điều, trong thời gian ở Dran, Trịnh Công Sơn đã sáng tác những ca khúc để đời Còn tuổi nào cho em, Tuổi đá buồn… và viết thư tình gửi cho Ngô Thị Ánh Dao: Ngoài kia trời chỉ còn thấy viền núi đen cao ngất bao quanh. Tiếng suối chảy buồn. Trong căn phòng anh Cường ngồi vẽ chân dung anh. Trước mặt anh có Camus, Hemingway, James Dean, Kafka, Steven MacQueen và hai cọng lau dài mà gió thổi phất phơ nhẹ làm hoa trang điểm (2). Khung cảnh và cuộc sống ở Dran từng làm say đắm người nhạc sĩ tài hoa, có lúc anh muốn ở lại: Anh thấy buồn nhưng vẫn tìm thấy được một cái gì âm thầm thu hút trong đó. Nếu có một người thật sự yêu mình, có lẽ anh sẽ đủ can đảm để gầy dựng sự nghiệp mình ở đây(3).
Dran vẫn để lại trong lòng Đinh Cường nhiều tiếc nhớ, trong lần cuối cùng về Việt Nam, anh đã một mình lên Dran để thăm lại những nơi chốn cũ, thăm nhà thờ cổ, bưu điện ví dụ tôi trở lại không còn giàn su xanh/ Chiều Lạc Lâm mưa buốt tháng Mười hai/ không còn tiếng ngựa thồ/ leng keng chiều ngược gió (Bài nhớ Lạc Lâm 1). Thăm lại ngôi nhà cũ mà rưng rưng nước mắt, những giọt rượu nồng đã cạn/ những đêm sương mù phủ đầy trên Dran (Vẫn rừng cao su của ta). Đó là những đêm khuya lơ khuya lắc khi rượu đã ngấm, anh nhớ lại, những lúc ấy Sơn mới hay ngồi vẽ về đi Sơn nhóm lửa vườn khuya/ như xưa ngồi giữa Đơn Dương lạnh/ chờ nến tàn nghe vượn hú quen (Đứng bên đời kia)... Trong di cảo thơ của Đinh Cường để lại, nhất là những năm tháng ở nước ngoài, Đơn Dương (Dran) được anh nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong thơ bằng nỗi thương tiếc khắc khoải bạo liệt trả tôi về Lạc Lâm/ thời giang hồ mộng mị/ trả tôi về chiều nay/ thì thầm lời nguyện nhỏ (Trả tôi về cánh rừng)
Không chỉ là thơ ca mà đặc biệt Dran từng là cảm hứng bất tận để anh vẽ. Trong tranh của Đinh Cường, núi đồi, sương mù, hoa đỏ và rừng lau trắng hun hút, nhà thờ Dran, hình ảnh một người đàn ông lang bạt giữa buổi chiều xanh xám, đang lắng nghe tiếng còi tàu dội vào vách đá của núi rừng. Nhất là nỗi ám ảnh trong tranh, một màu xanh ẩn mật, màu nâu xanh lạnh lẽo sâu thẳm, thơ mộng như một bí ẩn của niềm cô đơn của Dran, Đà Lạt len lỏi vào trong tiềm thức. Màu xanh huyễn hoặc u trầm bàng bạc lãng mạn đầy tính thi ca đó vẫn phảng phất trong những bức tranh Màu trời xanh, Chim đêm, Để nhớ Đà Lạt, Để nhớ nhà thờ Dran, Thiếu nữ chiều ngoài cửa sổ miền đồi núi, Thiếu nữ Dran, Dạ khúc trên đồi xanh…, với một màu riêng có của Đinh Cường, không hẳn là màu xanh lá cây, màu nửa hư nửa thực như mơ, màu của kỷ niệm xanh rêu, xanh ngọc màu lục bảo, của giang hồ biên viễn thời trai trẻ còn giữ lại như một kỷ niệm dịu dàng mà đau đớn. Màu xanh từ núi đồi heo hút Dran đã theo ông như một ám ảnh sâu thẳm trong tiềm thức làm thức dậy niềm đam mê không ngừng nghỉ với sắc màu.
Không được như Huế, như Đà Lạt nhưng Dran có một góc sáng riêng biệt êm đềm nhưng da diết trong bầu trời sáng tạo nghệ thuật của Đinh Cường. Và xa hơn, vùng đất ấy đầy ắp những kỷ niệm thời tuổi trẻ thơ mộng nhất với người bạn quá đỗi thân thiết Trịnh Công Sơn – mai đi hồ dễ quên đời/ mai đi hồ dễ quên người được sao...(Đinh Cường)
Tôi quý cái tình bạn của hai người để rồi khi đến Dran cũng để yêu thêm nơi này.
HỒ SĨ BÌNH
(1) (2) (3) Trích Trịnh Công Sơn – Thư tình gửi một người. NXB Trẻ. TP Hồ Chí Minh 2011.