Họp phụ huynh là cuộc gặp chính thức giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để tập trung nói về học sinh, nhưng nếu có thêm những cuộc họp phụ huynh “chay”, nghĩa là họp phụ huynh để nói mỗi chuyện phụ huynh, có lẽ cũng chẳng thừa.
Buổi họp phụ huynh bắt đầu lúc 7 giờ 30 theo giấy mời nhưng đúng giờ họp chỉ có 1 người có mặt. Tiếp đó lác đác thêm 6 người. Cô giáo thắc thỏm nhìn đồng hồ vì những phụ huynh cô cần gặp hơn cả vẫn chưa có chút dấu hiệu cho thấy họ sẽ đến. Cô lẩm nhẩm nửa thật, nửa đùa: Ớn, không biết mấy anh (học trò) có mang giấy mời về cho ba mẹ không, hay đã để đâu mất!
Ngắm đủ 10 phụ huynh trên sĩ số lớp gần 30 học sinh, cô giáo bắt đầu cuộc họp. Kể từ buổi họp phụ huynh đầu năm đến nay cũng tầm 5 tháng, cô chủ nhiệm mới lại được gặp đông đủ cha mẹ học sinh nên cô có rất nhiều điều muốn nói, nhưng cứ nhè lúc cô đề cập đến chuyện quan trọng như vì sao điểm cháu này thấp, vì sao cháu này ít thuộc bài…, thì y như rằng “xẹt! xẹt!”, tiếng dép kéo lê từ cửa lớp vào bàn học “báo động” một phụ huynh nữa có mặt. Tổng cộng mười đợt lê dép cả thảy, là mười lần cô giáo vẫn phải nói như không có chuyện gì đang xảy ra vì chẳng ai trong số đó bước vào kèm một lời chào...
Cô giáo còn rất trẻ nhưng dường như cô đã quen với việc tiếp đón những vị phụ huynh như vậy. Bằng chứng là cô không khựng lại, không thoáng chau mày hay một chút khó chịu nơi khóe môi. Hay cô chỉ cần phụ huynh chịu có mặt để cô được một lần chia sẻ về con cái của chính họ là đủ. Chắc vế sau đúng hơn, bởi lớp có vài em yếu về học lực thì cuối cùng cha mẹ các em cũng đã đến. Cô nói như trút gan ruột và cuộc họp phụ huynh trở thành cuộc họp cha mẹ “chay” đúng nghĩa khi tất cả thời gian còn lại cô dành để tâm sự với những người lớn thay vì nói về học trò nhỏ của mình. Cô luôn miệng phân trần: Các em nhỏ lắm, mới lớp 2 thôi, nên lỡ bị bạn nào đó đạp vỡ hộp sữa thì phụ huynh hãy nói cho cô biết để cùng giải quyết, thay vì cha mẹ vào lớp “điều tra” ai là “thủ phạm” phá đồ của con mình rồi thẳng tay cú đầu “thủ phạm” khiến các cháu hoảng sợ. Chưa kể theo như cô biết, “thủ phạm” rất hiền, chẳng qua là cháu bị các bạn hiếu động hơn “vu oan”. Cô còn trải lòng: Trên đường đến trường, cô thấy học trò ôm cặp đứng ở đầu hẻm, vậy mà suốt ngày hôm đó cô không thấy trò đến lớp. Nơm nớp nghĩ đến chuyện rủi ro, cô gọi mấy chục cuộc cho phụ huynh, gọi vào tất cả các số được cung cấp nhưng không ai bắt máy. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên phụ huynh này không cầm máy mà trong cả học kỳ, chuyện đó xảy ra thường xuyên, “hên” lắm cô mới được đầu dây bên kia bắt chuyện ít lần. “Phụ huynh nếu bận rộn chưa kịp nghe điện thoại thì thấy số nhỡ của cô làm ơn hãy gọi lại, bởi chắc chắn có chuyện quan trọng cô mới gọi chứ không phải tự dưng cô gọi chơi”, cô giáo nói giọng tha thiết.
Rồi cô “cầu cạnh” phụ huynh hướng dẫn con ở nhà hằng ngày ngồi vào bàn kiểm tra bài vở đã học trên lớp để hình thành thói quen tự giác học tập. Điều này không chỉ có ích cho hôm nay mà còn cho cả hành trình đi học rất dài phía trước. Bởi có vài em trong lớp chưa đọc được mặt chữ. Cô dặn cháu mỗi ngày ở lại học với cô 15 phút thôi, nhưng cô vừa quay lên bảng là em ôm cặp bỏ chạy. Có lần, nhờ bạn kịp kéo lại nơi cầu thang, em đó mới học được với cô một buổi…
Nghe cô giáo nói chuyện này qua chuyện khác, tôi tưởng tượng đến ánh mắt bất lực của cô khi nhìn đứa học trò mới 7 tuổi đầu bỏ chạy để khỏi “bị” học, cảm giác “ngồi trên đống lửa” của cô khi không thể liên lạc được với phụ huynh, nỗi xót xa cho trò nhỏ khi người bạo hành các em không phải là bạn bè đồng trang lứa mà là cha mẹ của học trò khác, và vô vàn áp lực gắn liền hai tiếng “trách nhiệm” của giáo viên chủ nhiệm.
Đôi khi tình thương phải song hành với kỷ cương, tôi thoáng nghĩ vậy sau mỗi câu chuyện cô chia sẻ về tình hình lớp. Dỗ dành mãi trò vẫn không nghe thì cô phải dùng đến biện pháp mạnh, thậm chí phụ huynh không hợp tác cô cũng phải có biện pháp mạnh với họ. Ai đời mới lớp 2 mà “cúp cua”, trốn học ngay trước mặt cô giáo, rồi các em sẽ đối mặt với những bài học khó hơn ở những lớp cao hơn như thế nào? Vì sao phụ huynh có hàng tỷ đòi hỏi giáo viên phải thế này, thế kia, dạy con họ sơ sẩy một chút là bị “chỉnh đốn” lập tức bằng những phản ứng đôi khi thái quá, trong khi phụ huynh lại được thoải mái bê tha trong trách nhiệm phối hợp với giáo viên để giáo dục con cái mình.
Cô giáo có ấm ức như mình không? Tôi không biết, nhưng tôi đoán chắc chắn cô thừa hiểu thời buổi này phạt học trò ngồi một góc riêng đọc bài, “xén” bớt giờ chơi của học trò để dành thời gian ôn tập, chốt cửa không cho trò bỏ chạy khỏi lớp…, là coi chừng bị… lên mạng xã hội! Bất kể hành động của cô xuất phát từ tình yêu thương, lo lắng cho học trò như thế nào thì hình phạt của giáo viên đối với học sinh hiện nay vẫn là một vấn đề vô cùng nhạy cảm, mà theo cảm nhận của mình, tôi thấy phía thua thiệt nhiều lúc thuộc về người ra hình phạt chứ không phải người bị phạt.
CHÍCH BÔNG