Đọc truyện hay xem phim Tam Quốc Chí nhiều người rất ấn tượng hình ảnh uy dũng Quan Vũ vừa ngồi điềm tĩnh đánh cờ vừa để thầy thuốc mổ vết thương nạo mũi tên độc trên cánh tay phải. Thật ra, người chữa bệnh cho Quan Vũ là danh y Hoa Đà, ông tổ của ngành ngoại khoa, là người đã phát minh ra bài thuốc Ma phí tán (麻沸散) có thể gây mê hay gây tê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Bài thuốc đó được chế từ cây Cà độc dược vốn mọc hoang và được trồng khá phổ biến ở khắp nước ta.
“Cà độc dược chữa suyễn hen/ Gây tê, đại độc, chớ nên lạm dùng”. Ảnh: P.C.T |
Cà độc dược, còn có tên Mạn đà la hoa (曼陀罗花), Dương kim hoa (洋金花) ; tên khoa học là Datura metel L., thuộc gọ Cà - Solanaceae.
Đây là cây thảo cao đến 2m, sống hằng năm, phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn, mọc so le; phiến lá nguyên, hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều. Hoa to, mọc đứng, thường đơn độc, ít khi xếp từng đôi ở nách lá; đài hoa liền nhau, hình ống, màu xanh, phía trên có 5 răng; cánh hoa màu trắng, dính liền với nhau thành hình phễu dài 16-18cm nhưng vẫn thấy có 5 thùy; có 5 nhị dính trên cánh hoa; bầu trên, có 2 lá noãn, hàn liền nhau, chứa nhiều noãn. Quả hình cầu, màu lục, đường kính 3cm, có nhiều gai mềm mỏng ở mặt ngoài, khi chín nở làm 4 mảnh. Hạt nhiều, nhăn nheo, màu nâu nhạt. Mùa hoa quả từ tháng 4 đến tháng 11.
Phân tích thành phần hóa học trong cây chứa nhiều alcaloid, chủ yếu là scopolamin; còn có hyoscyamin, atropin, norhyoscyamin với tỷ lệ ít hơn. Các alcaloid trong Cà độc dược là những thuốc hủy phó giao cảm và tác dụng giống nhau, chỉ khác nhau về mức độ.
Theo Đông y, lá và hoa có vị cay, tính ôn, có độc; có tác dụng bình suyễn, giảm ho, giảm đau, khu phong. Hoa được dùng trị ho, hen suyễn, ngực bụng lạnh đau, phong thấp đau nhức. Còn dùng làm thuốc tê trong phẫu thuật. Lá Cà độc dược là vị thuốc chặn cơn hen suyễn, chống co bóp trong bệnh đau loét dạ dày ruột, chống say sóng gây chóng mặt, nôn mửa khi đi tàu, thuyền và máy bay. Còn dùng chữa phong tê thấp, cước khí (sưng chân), đau dây thần kinh tọa, đau răng, động kinh, lòi dom. Lá đem ngâm lấy nước trị chứng ho có tính co cứng, suyễn và các nhánh khí quản viêm.
Để làm thuốc thường hái lá và hoa vào lúc sáng sớm, trời nắng ráo, đem phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Thường được bào chế dưới dạng cao, bột, cồn thuốc, cồn thuốc tươi. Dùng ngoài làm thuốc hút, nướng đắp hoặc giã đắp. Để trị hen, dùng 1-1,5g lá hoặc hoa khô cuốn vào giấy hút lúc lên cơn hen.
Dùng lá hoặc hạt ngâm rượu uống mỗi ngày 10-15 giọt chữa nôn mửa, đau dạ dày ruột. Có thể ngâm lá tươi vào rượu để dùng. Dùng ngoài đắp mụn nhọt cho khỏi đau nhức, hơ nóng đắp trị đau dây thần kinh tọa.
Lưu ý toàn cây Cà độc dược đều có độc, nhất là lá và hạt, nên khi dùng phải thận trọng. Khi bị ngộ độc có hiện tượng giãn đồng tử, làm mờ mắt, tim đập nhanh, giãn phế quản, giảm tiết dịch gây khô môi, khô cổ đến mức không nuốt và không nói được. Chất độc tác động vào hệ thần kinh trung ương gây chóng mặt, ảo giác và mê sảng, sau đó tê liệt và chết.
Khi đã phát hiện là bị trúng độc, nên đưa ngay đến cơ sở y tế để xử lý. Có thể theo kinh nghiệm dân gian giải độc bằng đường vàng và Cam thảo; hoặc dùng bài thuốc Vỏ đậu xanh 160g, Kim ngân hoa 80g, Liên kiều 40g, Cam thảo 20g, cho 1 lít nước sắc còn 200ml, cứ 2 giờ cho uống 1 lần.
PHAN CÔNG TUẤN