Tất cả các bộ phận của cây Sưng đều có độc. Tuy nhiên, nếu biết dùng đúng liều lượng thì chúng là những vị thuốc quý. Đặc biệt, theo nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, lá Sưng là gia vị không thể thiếu trong món thịt trâu.
“Thịt trâu thì có lá sưng/ Rễ chữa thấp khớp, quả dùng nhức răng”. Ảnh: P.C.T |
Cây sưng, còn có tên Gai sưng, Hoàng lực, Xuyên tiêu…; tên chữ Hán là Lưỡng diện châm (两面针) hay Nhập địa kim ngưu (入地金牛); tên khoa học là Zanthoxylum nitidum (Roxb.) DC., thuộc họ Cam – Rutaceae.
Đây là loài cây nhỏ leo với thân hơi đen, có gai, mọc thành bụi cao khoảng 1-2m, có nhiều nhánh màu đỏ nhạt, vươn dài có thể tới 10m, có gai ngắn, cong về phía dưới. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, dài 18-25cm, có 2-3 đôi lá chét mọc đối; phiến lá chét hình trái xoan, gốc tròn đầu nhọn, mép khía răng mỏng, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn; hai mặt của gân chính đều có gai. Hoa mọc thành chùm, đơn độc hay tập hợp thành bó ở nách lá. Quả có 1 đến 5 ô dính quanh trục, có phần ngoài nhăn nheo, phần trong vàng, nhăn, như giấy da, tách ra được. Mỗi ô chứa một hạt, có vỏ dày, cứng bao bởi một màng màu đen nhánh. Mùa hoa tháng 3-4, quả tháng 5-6.
Cây mọc ở ven rừng, núi đất và núi đá, lùm bụi vùng trung du ở nhiều nơi thuộc các tỉnh từ Lai Châu, Sơn La cho đến Tây Nguyên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Tại Đà Nẵng, có mọc rải rác ở một số lùm bụi đồi gò phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và các xã của huyện Hòa Vang.
Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Vỏ thân và cành lá cũng được dùng làm thuốc. Quả hái khi còn xanh, phơi hoặc sấy khô, cũng có thể hái các chùm quả đã chín, vỏ đã mở, đem phơi nắng đến thật khô, rồi tuốt lấy quả. Khi dùng sao qua, thấy thơm là được.
Phân tích thành phần hóa học cho thấy: Vỏ rễ chứa alcaloid nitidin, flavon, glucosid diosmin. Hạt có 1% tinh dầu với thành phần chủ yếu là limonen (44%), geranial (12,14%), neral (10,95%), linalol (6,84%).
Theo Đông y, rễ có vị đắng, cay, tính hơi ấm; có tác dụng khu phong hoạt lạc, tán ứ chỉ thống, giải độc tiêu thũng. Quả có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng tán hàn, trừ thấp, ấm tỳ vị, trục giun đũa. Ở Trung Quốc, rễ, vỏ thân và cành lá được xem như có vị đắng, cay, tính ấm, có ít độc, có tác dụng khư phong hoạt huyết, gây tê giảm đau, giải độc tiêu thũng, thông lạc.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, rễ (và vỏ rễ) dùng trị: đau nhức khớp xương, đòn ngã ứ đau, đau lưng nhức mỏi, phong thấp; tê bại; đòn ngã tổn thương; đau vùng thượng vị, đau răng, đau cổ họng; rắn cắn, viêm mủ da, viêm da, uốn ván. Liều dùng 9-15g rễ; 1,5-3g vỏ rễ, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy vỏ rễ tươi hay lấy vỏ khô tán bột đắp. Dùng nước sắc rễ hay ngâm rượu ngậm chữa sâu răng. Khi dùng, tránh không ăn thức ăn chua.
Quả dùng chữa ho, viêm họng, sổ mũi, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, sốt rét, đau lưng, tê thấp, đau răng, rắn cắn và trị giun đũa, chảy máu tử cung. Ngày dùng 3-5g dạng thuốc sắc, thuốc bột.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ, vỏ thân và cành lá dùng trị phong thấp đau khớp xương, đòn ngã sưng đau, lưng cơ đau mỏi, đau răng, đau dạ dày, sưng họng, đau thần kinh, rắn độc cắn, cảm mạo.
Lá dùng làm rau gia vị hay nấu canh ăn như lá Muồng truổng, và cũng dùng đắp ngoài trị đòn ngã. Hoặc dùng nấu nước tắm cho khoẻ người.
Ðơn thuốc:
1. Chữa phong thấp, té ngã, khớp xương sưng đau: Vỏ rễ sưng 10g, sắc lấy nước đun tiếp với 1 quả trứng gà uống.
2. Chữa đau họng không nuốt được: Rễ sưng tán bột ngào với đường làm viên kẹo, ngậm nuốt dần.
3. Chữa mụn nhọt trong nách: Rễ sưng mài với giấm cho đặc mà bôi, khô lại bôi phết thêm, 2 ngày thì tiêu.
4. Chữa đau răng, sâu răng: Dùng quả Sưng tán bột xỉa, hoặc dùng quả ngâm rượu ngậm, súc miệng.
5. Chữa rắn cắn: Rễ sưng tươi 30g, sắc uống; kết hợp mài rễ sưng tươi với rượu bôi vết thương. Hoặc dùng bột rễ sưng khô 10g uống với nước, kết hợp dùng bột thuốc đó hòa nước cơm bôi vết thương.
Chú ý: Người âm hư hỏa vượng, thai phụ, trẻ em, người già suy nhược dùng thận trọng. Nếu dùng quá liều gây đau bụng, ỉa chảy, đau đầu, buồn nôn; cấp cứu nên gây nôn, súc ruột, gây xổ và cho uống hay truyền nước đường.
PHAN CÔNG TUẤN