Từ bỏ những thói quen cũ

.

Đà Nẵng hiện có 70 chợ truyền thống được phân bố tương đối đều khắp trên các xã, phường của thành phố với hơn 7.600 hộ chế biến, kinh doanh thực phẩm trong các chợ. Để xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hiện đại, văn minh, thân thiện và hiếu khách thì việc xây dựng chợ văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những tiêu chí trọng điểm.

“Khách đến tươi cười, khách đi vui vẻ” là phương châm bán hàng của các tiểu thương chợ Cẩm Lệ. Ảnh: Q.T
“Khách đến tươi cười, khách đi vui vẻ” là phương châm bán hàng của các tiểu thương chợ Cẩm Lệ. Ảnh: Q.T

Đẹp từ cơ sở hạ tầng

Chợ Đống Đa có trên 700 hộ kinh doanh cố định và hàng rong, trong đó trên 400 hộ kinh doanh các ngành hàng thực phẩm, ăn uống, giải khát, rau củ quả, thủy hải sản. Đặc biệt, mặt hàng hải sản của chợ Đống Đa từ lâu đã nổi tiếng tươi, ngon, rất được thị trường ưa chuộng.

Năm 2017, chợ được Công ty Quản lý Hội chợ - Triển lãm và các chợ Đà Nẵng phê duyệt kinh phí trên 500 triệu đồng để nâng cấp cải tạo toàn bộ đình 3 - khu vực ngành hải sản tươi sống (100 hộ) và khu vực hàng thịt (68 hộ). Đây là công trình lớn nằm trong chủ trương của UBND thành phố về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Bà Dư Thị Hồng Cường, Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa cho biết, để được công nhận là Chợ văn minh thương mại đạt chuẩn 3 năm liền (2015-2017), đơn vị đã tập trung nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng, quầy kệ bán hàng khang trang, sạch đẹp.

Cụ thể, trong khuôn viên chợ, gạch hoa được lát 100%, hệ thống thoát nước, cống rãnh… đều sử dụng ống inox bảo đảm thoát nước nhanh, hạn chế mùi hôi. Tại khu vực ngành hàng hải sản, tất cả các quầy đều có bảng ghi tên người bán, số điện thoại liên hệ.

Bà Phạm Thị Xuân (tiểu thương ngành hàng hải sản) tươi cười nói: Từ ngày Đình 3 được cải tạo, mở rộng lối đi, nâng nền, chia khu tách bạch, chỗ ngồi của chúng tôi tại chợ cũng trở nên “có giá” hơn so với trước đây. Đặc biệt, khi chợ được cải tạo khang trang, ý thức kinh doanh buôn bán của các tiểu thương cũng thay đổi. Ai cũng mừng, tự hào khi có được một lô bán trong chợ.

Sự đổi thay không chỉ diễn ra ở các chợ do Sở Công thương quản lý (hiện Sở Công thương quản lý 4 chợ: Chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường) mà ở các chợ địa phương, việc nâng cấp, cải tạo mặt bằng chợ cũng được thực hiện rộng khắp.

Dạo một vòng quanh chợ Cẩm Lệ, không khí bán mua hiển hiện sự văn minh ở từng ngành hàng. Tại quầy hàng thực phẩm, 100% tiểu thương đeo bao tay, tạp dề, đội mũ, tất cả thực phẩm chín đều đựng trong tủ kính. Tại hàng thịt, hơn chục bàn thịt được thiết kế bằng inox đồng bộ, tuyệt đối không có tình trạng dùng giấy bìa carton để lót thịt như trước đây.

Giữa chợ, một bảng đèn led cập nhật giá cả các ngành hàng rau, củ, quả, thịt cá chạy cả ngày, thuận tiện cho người mua đối chiếu giá cả. Ông Trương Xuân Hòa - Trưởng Ban quản lý các chợ Cẩm Lệ (gọi tắt là BQL) kỳ vọng, sắp tới, chợ Cẩm Lệ không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương mà còn thu hút người ở địa phương khác và cả khách du lịch đến tham quan, mua sắm.

Chợ văn minh thương mại đã được các cấp ngành quận Cẩm Lệ triển khai từ năm 2015. Hiện quận Cẩm Lệ có 5 chợ (Cẩm Lệ, Hòa Cầm, Hòa An, Hòa Xuân và Hòa Phát), với tổng số hơn 1.000 hộ kinh doanh.

Ông Hòa cho biết, để đạt Chợ văn minh thương mại cần bảo đảm 3 tiêu chí lớn: Tiêu chuẩn văn minh, tiêu chuẩn sạch, đẹp, vệ sinh và tiêu chuẩn an toàn. Trong đó, công tác vệ sinh môi trường (VSMT), ATTP luôn được chú trọng.

Cùng với việc hợp đồng với Xí nghiệp Môi trường Cẩm Lệ thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, BQL đã thành lập thêm các đội VSMT, mua sắm trang bị thêm thùng đựng rác cho từng chợ; thường xuyên nhắc nhở các hộ tiểu thương, người dân tham gia đi chợ về ý thức giữ gìn VSMT, các hộ tiểu thương tự giác dọn dẹp, thu gom rác bỏ vào đúng nơi quy định, không vứt, xả rác bừa bãi. Nét nổi bật là hằng tuần, đội bảo vệ chợ đã cùng với các hộ tiểu thương phát động “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp” dành 30 phút ra quân dọn, thu gom rác thải tại các quầy hàng kinh doanh và xung quanh chợ.

Đến ý thức tiểu thương

Bên cạnh cơ sở hạ tầng khang trang, một tiêu chí quyết định chợ đạt chuẩn văn minh đó là thái độ, cung cách phục vụ, giao tiếp của tiểu thương. “Một buổi sáng mà vào chợ, chớ dại đưa tay đụng vào món hàng nào hay hỏi hàng. Vì nếu không mua sẽ bị chủ quầy chửi cho “tắt bếp”, chưa nói còn bị họ đốt “phong long” nữa”.

Lời cảnh báo đó hầu như ai cũng từng nghe qua. Ấn tượng về sự chanh chua, đanh đá của những người bán hàng trong chợ khiến nhiều người e ngại. Để có thể duy trì, nâng cao hình ảnh của các chợ truyền thống trong bối cảnh hội nhập, các cửa hàng tự chọn, siêu thị, trung tâm thương mại... đang phát triển mạnh, không cách nào khác, chợ truyền thống cần phải thay đổi cung cách buôn bán, phục vụ để níu khách trở lại lần sau.

Năm 2015, chợ Hàn được ghi nhận là chợ văn minh thương mại. Mỗi ngày, khu chợ này đón hàng trăm lượt khách quốc tế đến tham quan, mua sắm dù các quầy hàng đặc sản địa phương cũng mọc lên ở khắp nơi xung quanh chợ. Đó một phần là nhờ cách phục vụ dễ chịu, tư vấn nhiệt tình, thuận mua vừa bán của các tiểu thương nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng BQL chợ Hàn cho biết, chợ Hàn không chỉ là chợ phục vụ dân sinh thông thường mà còn là chợ du lịch. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động tiểu thương thay đổi cung cách phục vụ khách hàng được BQL chợ quan tâm và xây dựng trong nhiều năm qua. BQL chợ đã phối hợp với các hội, đoàn thể xây dựng mô hình “Sạch quầy, đẹp chợ”, “Điểm bán hàng văn minh thương mại”, “Quầy hàng đúng giá”...

Nhờ đó, những năm gần đây, tình trạng chèo kéo, tranh giành, bán hàng thiếu văn minh gần như không còn. Thêm vào đó, chợ Hàn có nhiều cách làm để tiếp nhận ý kiến của khách hàng như phát phiếu thăm dò, lập điểm tiếp thu ý kiến của khách hàng tại phòng trực Tổ bảo vệ; hòm thư góp ý đặt tại các cầu thang, nơi dễ thấy, dễ nhìn…

Chị Hoài An (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) chia sẻ: “Tôi rất thích mua sắm các mặt hàng giày dép, vải vóc tại chợ Hàn. Tiểu thương ở đây không chỉ có “gu” nhập mẫu mã mới, đẹp mà còn buôn bán rất cởi mở. Trước đây, tôi còn hơi e ngại vì phải trả giá khi mua chứ bây giờ, hầu như mặt hàng nào cũng được niêm yết giá. Chủ quầy chỉ bớt đôi ba chục làm quen thôi nên mình yên tâm, không sợ mua “hớ””.

Tại chợ Cẩm Lệ, 2 năm trở lại đây, BQL chợ liên tục mở các lớp tập huấn về cách giao tiếp, thái độ ứng xử, công tác VSMT, phòng chống cháy nổ… cho tiểu thương. Ông Nguyễn Hữu Chước, Đội trưởng Đội bảo vệ chợ Cẩm Lệ cho biết, năm qua chợ Cẩm Lệ đã tổ chức được 4 lớp tập huấn, mỗi lớp có từ 150-200 tiểu thương tham gia.

Để 100% tiểu thương đều tiếp cận những kiến thức mới, BQL chợ lắp hệ thống loa giúp các tiểu thương không tham dự được cũng có thể nghe được. Chị Như Vân (chủ quầy hàng túi xách thời trang tại chợ Cẩm Lệ) chia sẻ:

“Mỗi người buôn bán có một “chiêu thức” kinh doanh khác nhau nhưng để khách hàng gắn bó với quầy hàng của mình thì cần sự mua-bán trung thực, cởi mở. Phương châm bán hàng của tôi là luôn niềm nở dù khách mua hay không mua hàng của mình. Với những khách hàng thân thiết, tôi sẵn sàng để khách mang túi xách về nhà trong vòng 1-2 ngày để hỏi ý kiến người thân rồi quyết định mua hay không. Các sản phẩm của tôi đều có giá “nhẹ” hơn tại các shop thời trang khác vì tiền mặt bằng của mình ít. Điều này không chỉ tạo uy tín cho chợ mà còn giúp tôi giữ chân khách hàng”.

Xây dựng những khu chợ văn minh thương mại, tạo nên những dấu ấn tốt đẹp trong lòng khách hàng, chính là một cách góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị ở Đà Nẵng .

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.