Nghĩ

Sạch từ đôi bàn tay

.

Mỗi lần nhìn một người bán hàng ăn mang bao tay trông có vẻ biết quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng cũng chính đôi bao tay ấy làm công việc lấy thức ăn “kiêm” lục lọi thùng tiền rồi thối tiền, nhận tiền của khách, tôi luôn tự hỏi:

Vậy họ mang bao tay để làm gì? Chứng kiến cảnh này thì thiệt tình đồ ăn có thơm lừng cũng tự nhiên khiến mình dờn dợn, nhưng rồi lại cũng tự mình xuôi xuôi: Thôi ăn đại, chỗ nào chẳng vậy! Đúng là nhìn quanh hầu như chỗ nào cũng thế, nhất là đối với thức ăn đường phố, kể cả ở những hàng quán trông thoáng đãng, dụng cụ đựng thức ăn toàn bằng inox và người phục vụ mặc đồng phục rất bài bản. Hình như người bán mang bao tay chỉ để làm một việc duy nhất: giữ cho tay mình bớt bẩn.

Mỗi lần nói về việc giữ gìn thực phẩm sạch từ đôi bàn tay, tôi lại nhớ câu chuyện ở một đất nước xa xôi mà trong khoảnh khắc tôi đã rơi vào cảm giác xấu hổ không biết tả thế nào. Lần đó, ở quầy thức ăn tự chọn, tôi chọn món trứng ốp-la.

Anh đầu bếp nhanh chóng làm cho khách một đĩa trứng nóng hổi. Nhìn mấy quả trứng trên đĩa còn khá sống, tôi nói anh chiên lại giúp cho chín thêm chút nữa nhưng vì bất đồng ngôn ngữ, sau vài cách cố diễn đạt, anh cũng không hiểu ý tôi. Thế là tôi dùng ngón tay mình ấn vào quả trứng để anh thấy tôi không muốn ăn sống như vậy.

Anh hiểu ý, vui vẻ nhận lại đĩa trứng và ngay lập tức… đổ ùm vào sọt rác rồi nở nụ cười thật tươi bắt đầu làm lại cho tôi đĩa trứng chín khác. Tôi chỉ biết “chín” cả mặt vì đúng ra tôi nên dùng đũa hay muỗng đã được chuẩn bị sạch sẽ ngay trước mặt làm vật trung gian ấn vào quả trứng đó thay vì dùng trực tiếp ngón tay trần của mình.

Nghĩ lại những ngày ở đó, tuyệt nhiên tôi không thấy đầu bếp nào hoặc người phục vụ hàng ăn nào dùng tay trần để lấy thức ăn hay cầm nắm thức ăn đưa cho mình. Và hành động của anh đầu bếp này cũng là cách phản ứng rất tự nhiên khi anh hiểu rằng món trứng sau khi được ngón tay trần của tôi chạm vào đã không còn an toàn tuyệt đối nữa.

Một lần khác, tôi vào tiệm bánh thủ công, người làm bánh đã lớn tuổi đang nhào bột, nặn bánh với đôi bàn tay điêu luyện. Lúc đang làm việc, điện thoại reo, ông dừng tay để cầm máy và khi kết thúc cuộc gọi, dù xung quanh có rất đông người đang chờ đợi, ông vẫn quay sang rửa tay kỹ càng và lau khô bằng khăn trắng muốt trước khi tiếp tục nặn bột.

Ông làm bình thường như thể việc rửa tay sạch trước khi chạm vào thực phẩm là phản xạ tự nhiên. Chắc ông không biết có một người chứng kiến phản xạ bình thường ấy của mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ, bởi người đó đã chứng kiến hàng bao nhiêu lần người bán đồ ăn ở xứ họ cầm điện thoại xong lại ngay lập tức dùng chính bàn tay trần ấy bốc bún, cầm bánh mì; thậm chí vừa làm thức ăn bằng tay trần vừa gãi mũi, gãi tai cũng chẳng hiếm.

So sánh thì quá khập khiễng vì chuyện xảy ra ở một đất nước phát triển và ý thức tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân rất cao. Không những vậy, những hàng quán đó cũng không thuộc thức ăn đường phố.

Tuy nhiên có điểm chung là đôi bàn tay của người nào, sắc tộc nào cũng có thể là một ổ vi khuẩn đầy nguy hại nếu không được chăm sóc sạch sẽ. Cho nên ý thức giữ gìn đôi bàn tay sạch thì không phân biệt đối với thức ăn đường phố hay thức ăn cao cấp. Có nhiều tài liệu nói rằng, trên mỗi cm2 bàn tay có 4,6 triệu vi khuẩn.

Tôi không biết chính xác con số, nhưng tôi cũng như rất nhiều người biết bàn tay là nơi cư ngụ của thế giới vi khuẩn đầy nguy hại. Những vi khuẩn gây viêm ruột, dạ dày, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nôn mửa, sốt, viêm hô hấp, rối loạn máu, thận được tìm thấy trên bàn tay người. Và hẳn phải có lý do chính đáng để từ năm 2008, thế giới bắt đầu có “Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng” (15-10).

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là câu chuyện vĩ mô, liên quan đến chuỗi công đoạn từ chăm sóc giống, nước, đất, chuồng trại, vật nuôi, cây trồng, môi trường đến thuốc, nhiệt độ, rồi cách vận chuyển, chế biến, đóng gói, bày bán, bảo quản, đến cả quy trình sử dụng thực phẩm. Công đoạn nào cũng cực kỳ quan trọng bởi nếu một đoạn bị bẩn thì cả chuỗi không thể coi là sạch.

Thế nên nếu những đoạn đầu được kiểm soát và thực hiện tốt nhưng đến “cuối đường” lại bị trung chuyển bằng đôi bàn tay bám đầy vi khuẩn thì coi như phí công. Ngược đời là dường như những cái làm hại đến chất lượng thực phẩm ở tầm “tinh quái” như sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại, các cách kiếm lời bất chấp sức khỏe người tiêu dùng có thể được hàng triệu đôi mắt của người dân lẫn cơ quan chức năng quan tâm, dõi theo, kể cả chúng ta sẵn sàng đầu tư máy móc tối tân để phát hiện thực phẩm nhiễm độc, thì những cách “làm bẩn” thực phẩm diễn ra đầy rẫy trước thanh thiên bạch nhật như dùng tay không sạch làm thức ăn lại được coi như là chuyện quá bình thường. Thậm chí tất cả cùng xuê xoa cho hành động đó.

Người buôn bán thức ăn được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, được phát tạp dề, mũ, bao tay, được cấp cả giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Không biết họ được tập huấn những gì mà nhiều người sử dụng bao tay kiểu kỳ cục vậy.

Tôi ước cơ quan chức năng đừng nói nhiều, cứ cho và bắt buộc mỗi người làm nghề buôn bán, chế biến thực phẩm được soi đôi tay mình dưới chiếc kính hiển vi có thể giúp họ tận mắt nhìn thấy thế giới vi khuẩn hiển hiện như thế nào trên đôi bàn tay mình để từ tự thấy, tự ghê, ắt sẽ tự hiểu và tự khác.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.