Tết nay còn lại...

.

Vào một ngày giữa tháng Chạp, tôi đi làm về và phát hiện ra cây mai khẳng khiu trồng trong cái chậu to và cũ kỹ trước nhà đã được vặt sạch lá. Ngơ ngác đứng nhìn, tôi nhận ra, nhịp sống bận rộn của dịp cuối năm đã khiến mình quên mất cái “thủ tục” be bé và không thể thiếu nào giờ: lặt lá mai chờ đón Tết…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi nhớ ngày còn ở miền Tây, trước sân nhà trồng vài cội mai, cả năm xum xuê những cành với lá. Để rồi một buổi cuối năm lảng bảng nào đấy, má tôi hối lũ con bắc ghế xúm quanh từng cây, chuẩn bị cho một mùa hoa Tết ươm vàng khắp ngõ xóm. Đối với chúng tôi mà nói, đấy là một việc mang tính “bị cưỡng ép” đầy chán phèo. Có gì vui đâu khi năm nào cũng phải tước không chừa lại một miếng màu xanh nào trên mấy cây mai quen thuộc như này!

Thế mà lộc nõn. Rồi chi chít búp hoa. Ca nước âm ấm chiều ba mươi chị Hai tôi nhẹ nhàng tưới lên gốc mai chờ khoảnh khắc bung nụ. Là rực rỡ một màu vui vẻ sáng mùng một đầy viên mãn. Lũ chúng tôi hào hứng treo lên đấy bất kỳ cái gì mình cho là đẹp đẽ và hợp với không khí Tết. Thuở đó nhà tôi hay cắt lá chuối tươi làm bánh tét, nhân chuối và nhân đậu mỡ. Cả năm mới có một lần gói bánh, nên khỏi phải tả cũng biết nỗi mong chờ của đám trẻ lau nhau trong nhà. Đêm giao thừa ai nấy tập trung cạnh bếp lửa, cảm giác được thức khuya cũng là một cái thú đau thương hiếm gặp của bọn trẻ con vốn rất nhiều mơ màng…

Tôi nhớ phong pháo đỏ đầy cám dỗ và nhuốm một ít mùi nguy hiểm so với tuổi thơ ngày ấy, được ba mang về sau một ngày làm việc, được cả bọn háo hức và nâng niu ngắm nghía, hình dung ra những tiếng đì đùng vừa mê vừa sợ. Tiếng pháo lâu lắm chỉ còn thấy trong mấy bộ phim của thập niên cũ, trong câu chuyện bắt đầu bằng “hồi ấy” của ba mẹ tôi… Dăm tờ tiền lì xì mới toanh mệnh giá nhỏ được nâng niu chào đón, khoe khoang mừng rỡ với nhau suốt dịp Tết, tưởng tượng ra thứ đồ chơi hay món quà vặt ao ước nào đấy sau Tết. Nghĩ lại, lòng vẫn vẹn nguyên cảm giác rưng rưng thương...

Bởi Tết nay giản tiện lắm rồi... Dăm ba điều kiêng cữ chỉ “người lớn” mới nhớ và biết tại sao nên như vậy. Mẹ vẫn nhắc tôi đừng quên trả nợ nếu còn thiếu, ít nhiều gì cũng vậy. Rồi đổ đầy hũ gạo, muối, đường… trong nhà. Dù người ta đã chẳng ngại ngần khi bỏ nhà đi du lịch, cửa đóng then cài im ỉm từ trước Tết cho tới xuân sang trễ tràng. Hoa thì cứ đợi sáng ba mươi ra chợ mua về, khỏi nhọc. Những hội chợ, lô tô này nọ cũng đã phải nhường cho mấy trò chơi điện tử hay cảm giác mạnh thời hiện đại. Hũ dưa hành đôi khi nằm buồn thiu trên cái kệ bếp. Món bánh trái “quê một cục” mà bà hay mẹ kỳ cạch nấu nướng, càng lép vế so với phô mai, xúc xích xông khói nhập từ Nga hay Đức ăm ắp tủ lạnh…

Tôi nhớ hồi ấy, dù thế nào thì mâm cơm chiều cuối năm vẫn phải đủ mặt cả gia đình. Con gà ta luộc chéo chân miệng ngậm cái bông tỉa bằng trái ớt cọng hành, tô canh khổ qua ngọt đắng xúm xít đầy nhắc nhớ. Buồn vui thành bại năm cũ dường như được bỏ lại bên ngoài cánh cửa tổ ấm, chỉ mong an yên luôn ở lại. Người đi xa nghĩ về cái Tết cố hương có lẽ cũng chính là vì những giây phút ấm áp sum vầy ấy. No ba ngày Tết, hồi đó Tết đối với chúng tôi đúng nghĩa là “ăn Tết”. Người già thì tấm bánh, trẻ con manh áo mới… Cũng vì hằng ngày hiếm hoi các thức, nên Tết mang lại cảm giác đủ đầy thỏa mãn ngóng trông vô cùng tận. Thứ cảm xúc có phần xa xỉ với trẻ con lẫn người lớn thời bây giờ.

Tết bây giờ, hương vị xuân xưa đã nhạt nhòa nhiều. Lễ nghĩa cầu kỳ cũng lùi dần vào quá vãng. Và những cảm xúc khẽ khàng êm ái cũng như dần rời bỏ, khi người ta thích ồn ã ra đường coi pháo hoa thay vì ở nhà bên bó nhang thơm chờ phút giao thừa. Những dự định tham quan khám phá tận hưởng xa gần có khi chiếm trọn hết kỳ nghỉ Tết rồi. Tờ báo xuân hay câu đối trên giấy đỏ không còn là món ăn tinh thần chẳng thể thiếu nữa. Thăm viếng họ hàng cũng chỉ phiên phiến lấy lệ, bởi sợ phiền người ta du xuân… Mùi lá khô ngai ngái được gom lại đốt trong những chiều tháng Chạp se lạnh, chiếc áo len cũ của mùa trước được mẹ gỡ ra khỏi ngăn tủ thơm mùi long não, hương mứt dừa mứt gừng mứt sen thơm lựng sau bếp… như đã trở thành xa xăm lắm. Vậy mà, những tập tục hay ký ức be bé cũ kỹ kia vẫn cứ khiến cho ai đấy, khi đã trải đời qua nhiều cái tết bỗng thấy mình chắc già thật rồi, lẩn thẩn tự hỏi tại sao lại chẳng còn gì gặp lại... Hay cuộc sống càng hiện đại thì người ta lại càng dễ thấy lòng trống trải khi năm hết Tết đến, ngỡ ngàng hiểu ra, cây mai chậu cúc, tô thịt nấu đông hay mâm cơm họp mặt nào có còn bó buộc hay quan trọng…

Ừ thì Tết thôi mà, loay hoay rồi lại đến, có gì đâu mà cứ mênh mang gợi nhắc hoài quá khứ? Thời nào thức nấy, vẫn biết đổi thay là để tiến về phía trước, nhưng sao lòng cứ tiêng tiếc một chút gì đấy. Thoáng nhẹ thôi mà khắc khoải, chầm chậm đơn sơ mà thấm đượm của những mùa Tết xưa năm nảo năm nào…

HOÀNG MY

;
.
.
.
.
.
.